| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất lúa Nam Định, những chặng đường đáng nhớ

Thứ Năm 13/06/2013 , 10:00 (GMT+7)

So với các tỉnh phía Bắc thì Nam Định là địa phương làm lúa lai sớm nhất, nhiều nhất và giỏi nhất.

So với các tỉnh phía Bắc thì Nam Định là địa phương làm lúa lai sớm nhất, nhiều nhất và giỏi nhất. Nam Định rất có ý thức trong việc bảo tồn, khuếch trương những giống lúa truyền thống của mình nhưng cũng sẵn sàng đưa những giống mới vào để đẩy năng suất và chất lượng lên cao, làm tăng giá trị của mỗi đơn vị diện tích đất.

Những lời đánh giá trên không phải ngẫu nhiên. Nếu như nông nghiệp truyền thống là “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, thì với một nền nông nghiệp hiện đại, yếu tố giống lại được đặt lên hàng đầu, là trung tâm.

Đã ngót 30 năm kể từ ngày thực hiện cơ chế “khoán 10” đến nay, ngành nông nghiệp Nam Định đã trải qua mấy chặng trên con đường đi tìm một bộ giống cho đồng ruộng của mình. Trưởng phòng Cây trồng của Sở NN-PTNT Nam Định, Thạc sỹ Đỗ Hải Điền có lẽ là một trong những người gắn bó nhất với những chặng đường đó.

Anh Điền kể: Khoảng năm 1991-1992, thông qua một công ty ở Quảng Ninh, Công ty giống Nam Hà (lúc đó Nam Định và Hà Nam còn là một) đã quan hệ được với 1 công ty của Trung Quốc, và đã nhập “chui” được một số giống lúa thuần của họ như Quảng Tế 5, Lưỡng Quảng 164, Khang Dân, Ải Mai Hương, Ải 32, mang về trồng thí nghiệm ở Quảng Ninh.

Đến khi đưa về, thấy khá phù hợp với đồng đất Nam Định, so với những giống lúa nội địa thì chúng có 2 ưu điểm vượt trội là ngắn ngày và năng suất cao. Từ Nam Định, những giống lúa này nhanh chóng lan ra nhiều tỉnh từ Bắc đến Nam.


Lúa thuần ở Nam Định cho năng suất cao

Năm 1992, giống lúa thuần Bắc thơm 7 của Trung Quốc cũng được nhập về Nam Định, nhưng nhanh chóng bị “bỏ quên” vì dù cơm nấu bằng gạo Bắc thơm 7 rất thơm ngon nhưng năng suất thấp. Sau hàng chục năm thiếu đói bởi cơ chế cũ, những năm ấy người dân đang khao khát được ăn no chứ chưa có nhu cầu ăn ngon.

Năm 1994, Công ty giống Nam Hà tiếp tục nhập giống lúa thuần cao sản 9308 của Trung Quốc về trồng thử ở trại giống Đồng Văn. Thấy giống này vừa dễ tính vừa cho năng suất rất cao, tỉnh đồng ý cho nhân ra đại trà, dù giống 9308 chưa được công nhận. Thấy Nam Định làm được, nhiều tỉnh khác cũng làm theo.

Sau mấy vụ được mùa, năm 1996 bệnh hoa cúc phát triển rất mạnh: Lúc đầu những hạt lúa cứ nở xòe ra, có màu vàng, dần dần đen lại như bồ hóng và phát tán bào tử bệnh khắp nơi. 9308 là giống lúa nhiễm bệnh hoa cúc nặng nhất. Do giống 9308 bị hở vỏ trấu nên bào tử nấm hoa cúc nằm luôn trong hạt lúa, mang mầm bệnh cho cả những vụ sau. Sau cơn “bạo bệnh” hoa cúc này, giống 9308 mất hẳn.

Cùng với những giống lúa thuần trên, những năm 1991-1992, giống lúa lai Bắc ưu 64 (vụ mùa) và Sán ưu 63 (vụ xuân) của Trung Quốc cũng được nhập “chui” về làm thử. Thấy năng suất rất cao, tỉnh chỉ đạo nhập tăng dần về số lượng. Nhờ ưu thế năng suất cao nên giống lúa lai bán rất chạy. Những năm tiếp theo không phải nhập “chui” hạt lai F1 nữa vì buôn bán giống thương phẩm giữa hai nước đã thông thoáng, nhưng để chủ động SX giống F1 trong nước rất khó khăn vì giống bố mẹ bị phía bạn cấm rất ngặt.

Nhằm tránh phụ thuộc vào nguồn giống của Trung Quốc, lãnh đạo tỉnh và ngành Nông nghiệp Nam Hà đã chỉ đạo Công ty giống một mặt cử cán bộ sang Trung Quốc học về lúa lai, một mặt thuê chuyên gia kỹ thuật Trung Quốc hướng dẫn kỹ thuật sản xuất hạt lai F1. Vụ xuân đầu tiên làm thử 1 ha ở trại bèo Bình Lục nhưng thất bại, phải tạm dừng.

Vụ xuân năm 1995, thuê được 2 chuyên gia kỹ thuật Trung Quốc, Công ty giống Nam Hà mở một lớp học về lúa lai do 2 chuyên gia này dạy, và mua được 1 lượng giống bố mẹ đủ để sản xuất 5 ha hạt lai F1 ở trại giống lúa Đồng Văn. Lần này thì thắng lợi. Ngay trong vụ mùa năm 1995, Công ty đã tổ chức sản xuất tổ hợp lúa lai Nhất ưu 63, cũng giành thắng lợi.

Vụ xuân năm 1996, việc tổ chức sản xuất hạt lai F1 được triển khai trên cả chục HTXNN, lên tới 265 ha và càng những năm sau càng tăng, năng suất cao nhất đã đạt tới 3 tấn/ha hạt lai F1. Những năm 1996-2000, có thể nói là đỉnh điểm của phong trào cấy lúa lai trên toàn tỉnh Nam Định. Vụ xuân, nhiều huyện cấy tới 90%, vụ mùa 50% lúa lai. Năng suất bình quân toàn tỉnh đã đạt từ 122 đến 124 tạ/ha/năm.

Nhưng rồi một phần do tâm lý sính hàng ngoại của nông dân ta, một phần do giống bố mẹ của ta chất lượng chưa cao bằng của Trung Quốc, nên chất lượng hạt lai F1 của ta không bằng chất lượng hạt lai F1 nhập từ Trung Quốc. Hạt lai F1 của Nam Định ế. Từ năm, sáu trăm ha sản xuất hạt lai F1 nhanh chóng giảm xuống chỉ còn 150-180 ha rồi 70-80 ha nhưng vẫn ế, dù đã chuyển sang những tổ hợp lúa lai khác như Nhị ưu 63; Nhị ưu 838; D.ưu 527...

Từ năm 2005 trở đi, phong trào chuyển dịch mùa vụ gắn với chuyển dịch cơ cấu giống để phát triển vụ đông đang được triển khai mạnh trên nhiều tỉnh, cần 1 giống lúa ngắn ngày hơn. Giống lúa lai 2 dòng TH3-3 của PGS-TS Nguyễn Thị Trâm (ĐHNN1) ra đời vào năm 2006 đã đáp ứng được yêu cầu này nên được nhiều tỉnh quan tâm. Năng suất tuy không cao bằng lúa lai 3 dòng nhưng ngắn ngày, cơm ngon.

Sau khi làm mô hình trình diễn khá tốt, vụ mùa năm 2006, Công ty Cường Tân (Nam Định) đã tổ chức sản xuất hạt lai F1 của giống TH3-3 trên 100 ha. Kết quả rất tốt, hạt lai F1 bán chạy. Thấy vậy, năm 2008 Cường Tân đã mua hẳn bản quyền giống lúa này với giá 10 tỷ đồng và tổ chức sản xuất hạt lai F1 trên quy mô lớn. Phong trào sản xuất lúa lai của Nam Định lại phục hồi. Hiện tại, tổng diện tích sản xuất hạt lai F1 lên tới trên 500 ha, phần lớn là của Công ty Cường Tân.

Cũng từ những năm 2006-2007 trở lại đây, một phần do chất lượng cuộc sống đã được nâng cao hơn trước rất nhiều, một phần do không chấp nhận việc lệ thuộc vào nguồn giống của Trung Quốc. Bên cạnh các tổ hợp lúa lai đã sản xuất được trong nước như TH3-3; CT16... các nhà làm giống đã chọn tạo được nhiều giống lúa thuần có chất lượng gạo cao hơn hẳn so với lúa lai như BC15; DQ11; QR1; RVT; NĐ1; NĐ5; TBR45... nhưng năng suất thì không kém lúa lai nhiều lắm.

Con đường đi tìm một bộ giống lúa với những yêu cầu năng suất và chất lượng gạo cao, thích ứng rộng, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt của Nam Định tuy chưa hết gập ghềnh, nhưng rõ ràng là đang đầy hứa hẹn.

Những giống đó nhanh chóng được ngành Nông nghiệp Nam Định tiếp nhận và đưa vào đồng đất của mình. Giống Bắc thơm 7 một thời bị hắt hủi, nay được nhìn nhận lại và đang trở thành một giống chủ lực của thành Nam trong vụ xuân, do chất lượng gạo cao và trình độ thâm canh của nông dân Nam Định là rất cao, phần nào "khắc chế" tính dễ nhiễm bệnh hại của giống lúa thơm chất lượng này. Không đâu được như Nam Định, với vụ xuân, cơ cấu giống Bắc thơm 7 lên tới 60-70%, nhiều HTX đưa diện tích Bắc thơm 7 tới 90% vẫn được mùa.

Có thể coi đây là một kỳ tích, tuy nhiên tỉnh cũng khuyến cáo việc cấy 1 giống lúa tuy chất lượng cao nhưng kém chống chịu, dễ nhiễm sâu bệnh với tỷ lệ quá cao như vậy trong cơ cấu là không hoàn toàn tốt vì dễ gặp rủi ro sâu bệnh và thời tiết. Chắc chắn Nam Định sẽ có bước điều chỉnh để đạt hiệu quả tối ưu trong sản xuất lúa.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất