| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất lúa thu đông ăn chắc

Thứ Sáu 05/09/2014 , 13:15 (GMT+7)

PV NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Ngọc Phả - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang về kinh nghiệm xây dựng đê bao đề phòng lũ lớn và biện pháp đảm bảo vùng lúa TĐ an toàn.

15-41-43_ong-don-ngoc-ph-pho-gd-so-nn-ptnt-n-ging
Ông Đoàn Ngọc Phả

Kế hoạch SX lúa TĐ 2014 của An Giang thế nào, thưa ông?

Trong những năm qua diện tích lúa trong vùng đê bao kiểm soát lũ của An Giang đã bão hòa, không còn nhiều dư địa để mở nền mới. Tuy nhiên, sau Hội nghị chỉ đạo SX do Bộ NN-PTNT tổ chức (ngày 5/8/2014), tỉnh An Giang đã rà soát, điều chỉnh kế hoạch SX vụ TĐ 2014 là 170.000 ha, trong đó 155.000 ha lúa và 15.000 ha hoa màu, tăng khoảng 10.000 ha lúa so với dự kiến kế hoạch ban đầu.

 Nhưng so với vụ TĐ 2013 diện tích lúa TĐ giảm khoảng 8.000 ha là do một số địa phương xả lũ ở các tiểu vùng canh tác 3 vụ liên tục trong nhiều năm liền, lịch thời vụ xuống giống bị lệch theo quy định của tỉnh, cần chấn chỉnh để vụ ĐX sắp tới xuống giống đúng lịch thời vụ vào tháng 11 dương lịch.

Ngoài ra, các tiểu vùng không đảm bảo an toàn cũng không được xuống giống lúa, cần phải tiếp tục gia cố đê bao chắc chắn.

Con nước lớn rằm tháng 7 âm lịch vừa qua lên nhanh bất ngờ, đã có nơi (ở Đồng Tháp) bị nước lũ làm vỡ đê gây thiệt hại lúa TĐ, An Giang đang làm gì bảo vệ lúa?

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn An Giang, do ảnh hưởng của lũ thượng nguồn, kết hợp với kỳ triều cường sẽ làm cho mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh trong những ngày tới, sau đó còn tiếp tục lên.

Ở khu vực hạ nguồn mực nước biến đổi theo triều. Vùng nội đồng Tứ giác Long Xuyên mực nước lên nhanh trong vài ngày tới và sau đó còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, do các địa phương chủ động trong công tác phòng chống lũ nên hiện nay tuy mực nước đầu nguồn trên báo động II nhưng vẫn chưa ảnh hưởng đến tình hình SX nông nghiệp trong tỉnh.

Lúa HT đã thu hoạch xong, chủ trương của UBND tỉnh chỉ cho phép xuống giống vụ TĐ ở những vùng đảm bảo ăn chắc, tuyệt đối không để dân tự ý xuống giống ngoài kế hoạch. Năm nay tỉnh An Giang tập trung nguồn lực đầu tư nạo vét kênh mương, gia cố đê bao, duy tu sửa chữa cống tại các tiểu vùng chuẩn bị gieo sạ lúa TĐ.

Trước đây việc xây đê ngăn lũ ở huyện Phú Tân, Chợ Mới từng được xem là mô hình thành công đầu tiên của An Giang. Nông dân vẫn SX bình thường, tạo thu nhập trong mùa nước nổi. Trải nghiệm quá trình đó ông đánh giá như thế nào?

Việc xây dựng đê bao có lợi ích như tăng vòng quay của đất, bảo vệ mùa màng, SX được đảm bảo, tạo công ăn việc làm trong mùa nước nổi, giúp cải thiện đời sống của người dân. Vì vậy trong nhiều năm qua hệ thống đê bao được hình thành, phát triển.

Hiện toàn tỉnh có 637 tiểu vùng kiểm soát lũ bảo vệ SX cho 242.207 ha với tổng chiều dài 5.393 km. Trong đó có 404 tiểu vùng bao kiểm soát lũ cả năm cho 179.518 ha, với 1.528 công trình, chiều dài 3.808 km và 233 tiểu vùng bao kiểm soát lũ tháng 8 cho hơn 62.690 ha đất SX 2 vụ với 814 công trình, chiều dài hơn 1.585 km.

15-41-43_xy-dung-de-bo-bo-ve-lu-td
Xây dựng đê bao bảo vệ lúa TĐ

Hiệu quả của đê bao kiểm soát lũ được minh chứng qua việc gia tăng sản lượng lúa. Diện tích SX lúa TĐ (vụ 3) tăng lên giúp phần nào giảm bớt áp lực của việc gia tăng dân số. Tuy nhiên, các nhà khoa học thường cảnh báo là canh tác lúa 3 vụ liên tục có nhiều vấn đề cần quan tâm,

Đó là: Đất không có thời gian nghỉ, không được cày ải phơi đất đúng quy trình, nguồn dinh dưỡng trong đất ngày càng suy giảm và xuất hiện nhiều độc chất do không được xả lũ, sự hiện diện liên tục của cây lúa trên đồng ruộng đã tạo cầu nối cho các mầm bệnh có cơ hội lây lan, một số sâu bệnh thứ yếu trở thành chính yếu, các đối tượng sâu bệnh hại ngày càng tăng tính kháng.

Như vậy An Giang có biện pháp nào hạn chế từ tác động của đê bao?

Năm 2013 tỉnh An Giang có chủ trương tạm ngừng mở mới diện tích SX vụ TĐ và tăng cường kiểm tra việc thực hiện xuống giống theo quy định lịch thời vụ, đảm bảo thực hiện tổ chức xả lũ định kỳ và thực hiện SX 3 năm/8 vụ, đồng thời đưa các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào SX giúp nông dân giảm những rủi ro và tăng tính bền vững trong thâm canh 3 vụ.

 Cụ thể như: Gắn triển khai mô hình thí điểm thực hiện cày ải, thay vì chỉ xới và phơi ải, tiến tới hầu hết diện tích được cày ải trước vụ hè thu, nhất là ở các tiểu vùng có kế hoạch xả lũ; Trang bằng mặt ruộng bằng tia lazer giúp tạo được độ bằng phẳng mặt ruộng, giúp quản lý tốt cỏ dại, giảm lượng thuốc cỏ sử dụng trên đồng ruộng; Áp dụng kỹ thuật 1 phải 5 giảm giúp nông dân giảm lượng phân bón, thuốc BVTV, giảm nước tưới và giảm hao hụt trong thu hoạch giúp giảm chi phí trong SX.

Điều quan trọng của kỹ thuật này là chú trọng vào kỹ thuật canh tác là chủ yếu, tức là tạo cây lúa khỏe từ giai đoạn đầu bằng việc giảm lượng giống gieo sạ, kết hợp bón lượng phân cân đối và hợp lý, từ đó giảm được sự gây hại của sâu bệnh, giảm lượng thuốc BVTV áp dụng trên đồng ruộng hướng đến một nền sản xuất sạch và bền vững.

 Kết hợp ứng dụng nấm xanh (metarhizium anisoplia) vào đồng ruộng: sử dụng nấm xanh như là các sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học vào đồng ruộng giúp tiết giảm các thuốc trừ sâu hóa học có độc tính cao và công nghệ sinh thái (trồng hoa trên bờ ruộng) dẫn dụ thiên địch đến để quản lý được sâu hại dưới ngưỡng gây hại kinh tế và giảm sử dụng thuốc BVTV.

Có lúc giá lúa thấp, trồng màu trong mùa lũ được xem là giải pháp tốt gia tăng lợi nhuận. Chuyển đổi cơ cấu SX ở An Giang đã cho thấy lợi thế so sánh như thế nào, kể cả trong mùa lũ?

Việc chuyển đổi cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác nhằm giúp tăng lợi nhuận, tăng năng suất và chất lượng cây trồng, sản phẩm bán với giá cao hơn so với trồng lúa.

Trong thời gian qua, diện tích canh tác rau, màu của tỉnh tăng nhanh và ngày càng có tính chuyên canh cao. Tính đến năm 2013, tổng diện tích trồng rau, màu toàn tỉnh đạt trên 59.958 ha, tăng hơn gấp 3 lần so với năm 1991; diện tích canh tác rau màu chiếm 9,4% so với diện tích SX lúa.

An Giang có lợi thế cạnh tranh so với các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL là nhờ diện tích lớn nhất và có vùng trồng rau màu đặc trưng. Vào mùa nước nổi, nguồn cung ít nên rau màu thường có giá cao nên diện tích chuyển sang trồng màu tăng khá nhanh, tập trung ở các tiểu vùng kiểm soát lũ có địa hình cao dọc theo triền sông Tiền và sông Hậu ở Chợ Mới, Châu Phú, An Phú…

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm