| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất lúa xuân gắn với an toàn sinh học.

Thứ Sáu 24/12/2010 , 11:09 (GMT+7)

Vụ xuân 2010 diễn ra trong điều kiện thời tiết ấm và khô, sâu bệnh triền miên và phức tạp. Lúa mới gieo cấy đã gặp khô hạn, ngộ độc đất, bệnh LSĐ xuất hiện từ rất sớm, ngay trên mạ, trên lúa mới cấy. Được sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT, sự chỉ đạo của các cấp các ngành trong tỉnh, Thái Bình vẫn thu hoạch vụ lúa xuân thắng lợi với năng suất toàn tỉnh 70,36 tạ/ha.

Tuy nhiên, cái giá mà nông dân phải trả không nhỏ: lượng thuốc sâu, thuốc bệnh, thuốc rầy đổ ra ruộng quá lớn, có nơi như “tẩm” hóa chất độc vào cây lúa, hạt thóc... Hệ lụy là môi trường độc hại, tôm cá cua cáy không còn, thiên địch bị tiêu diệt càng tạo điều kiện cho sâu bệnh gây hại.

Diễn biến thời tiết năm 2011 dự báo sẽ ấm nóng và khô hạn hơn năm trước, hơn nữa nguồn nước tích trữ trong các hồ đập bị thiếu hụt trầm trọng. Đó cũng là mầm mống cho nhiều đối tượng sâu bệnh hại phát sinh. Để ứng phó với những bất thuận trên, con đường khôn ngoan nhất, hiệu quả nhất là chủ động phòng trị bệnh ngay từ mầm mống. Đó là chủ trương tạo cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ. Đây cũng là nội dung đề tài khoa học đang được Thái Bình nghiên cứu ứng dụng.

Qua 1 năm triển khai kết hợp kết quả chỉ đạo sản xuất, chúng tôi tóm tắt một số giải pháp ứng dụng có hiệu quả như sau:

+ Chọn giống lúa thích hợp với từng chân ruộng, có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh và ngoại cảnh bất thuận.

+ Xử lý hạt giống:

-Trước đây phải dùng hóa chất để xử lý hạt giống, nay có thể tận dụng ánh nắng để diệt nấm bệnh cư trú ngoài vỏ hạt thóc bằng cách: Nếu trời nắng thì phơi hạt giống vài giờ trước khi ngâm.

- Chọn lọc hạt giống tốt: Hiện nay, với các giống lúa thuần có khi 0,8-1kg thóc cũng cấy đủ 1 sào lúa, cũng có người cần 2-2,5kg thậm chí 3kg thóc mới cấy đủ 1 sào. Thực tiễn sản xuất cho thấy: Những năm thừa mạ, cấy dầy, cấy to thì lúa tốt sớm, song sâu bệnh nhiều mà năng suất không cao. Ngược lại, những năm mạ chết, thiếu mạ, phải cấy nhỏ, cấy thưa, “de” mạ ra cho đủ ruộng thì năm đó vừa ít sâu bệnh lại được mùa.

Rõ ràng cây mạ khỏe, chống chịu tốt đã góp phần tạo ra thắng lợi trên. Vậy nên chủ động chọn lọc hạt thóc mẩy trước khi ngâm bằng cách: Hòa 1kg muối ăn tan trong 7-10 lít nước sạch (sao cho quả trứng gà thả vào mà nổi lập lờ) sau đó cho thóc giống vào, quấy đều, vớt hết hạt nổi và hạt lửng. Lấy hạt mẩy ra, rửa sạch nước muối rồi ngâm như bình thường. (Lưu ý chỉ lọc hạt mẩy đối với hạt giống lúa thuần).

- Ngâm hạt giống: Trong các loại chế phẩm sinh học phun lên cây, phun vào lá đang được ứng dụng, chế phẩm K-H của Công ty Thanh Hà thể hiện hiệu lực rất rõ nhất là khi cây trồng gặp bất thuận của ngoại cảnh như trận rét xuân 2008, hoặc khi cây lúa bị sốc phèn, sốc thời tiết... Vụ xuân 2010, công ty giúp HTX Trung An (Vũ Thư) toàn bộ lượng KH để xử lý thóc giống đủ để cấy trên 100ha lúa xuân. Thực tế mạ sân không bị chết chòm, rễ mạ dài, trắng, cây mạ mập, khỏe hơn so với mạ ngâm nước bình thường…

Cách làm: Pha 1 gói K-H 10ml cho 8-10 lít nước sạch, ngâm thóc giống cho đến khi hạt no nước. Cứ 8-10 giờ lại vớt thóc cho ráo nước khoảng nửa tiếng đến 1 tiếng (để hạt thóc thở). Đến khi hạt ho nước thì vớt ra cho ráo rồi ủ nóng, không phải thay nước hoặc đãi chua.

+ Phân bón:

 Nhiều năm nay, nông dân Thái Bình khá thành thạo trong bón phân cân đối trên từng chân đất cho từng loại cây trồng. Những chân đất chủ động tưới tiêu, hoặc chân ruộng luôn đọng nước, phân bón đa yếu tố NPK chuyên lót và chuyên thúc cho lúa của Công ty Văn Điển giúp cây lúa cứng thân, dày lá, gọn khóm, ít sâu bệnh và chống chịu ngoại cảnh bất thuận tốt hơn.

Nhiều năm nay, chăn nuôi nông hộ ở Thái Bình gần như không còn, đồng nghĩa với việc nguồn phân hữu cơ thiếu trầm trọng. Hệ lụy là ruộng đất bị chai lỳ, làm đất khó khăn, hiệu quả phân bón các loại bị sút giảm. Trong các loại phân bón vi sinh đang ứng dụng vào sản xuất, phân bón đa chủng đa chức năng Azotobacterin không chỉ làm mục ruộng, nhanh thối ngấu chất hữu cơ, còn làm cho dàn lá lúa dày, đứng, khóm lúa rất gọn, cây cứng khỏe, ít sâu bệnh, đặc biệt bệnh khô vằn và rầy nâu hại rất ít, thậm chí vụ mùa vừa qua nhiều ruộng không phải phun thuốc khô vằn.

+ Gieo cấy:

 Cấy mạ non và cấy nông là gốc để thâm canh lúa năng suất cao. Tuy nhiên, trên ruộng lúa, cấy cùng 1 giống, cùng thợ cấy trong 1 ngày, vậy mà những khóm lúa ven bờ bao giờ cũng to khỏe hơn, nhiều bông, to bông hơn và ít sâu bệnh hơn những khóm lúa trong ruộng. Do vậy, thay việc gieo cấy hàng đều nhau bằng gieo cấy 2 hàng rộng tiếp 2 hàng hẹp sẽ khai thác hiệu ứng hàng biên, giúp ruộng lúa khỏe, ít sâu bệnh hại hơn. Để mở rộng phương thức gieo cấy hàng rộng hàng hẹp, Thái Bình đã đặt hàng các công ty sản xuất dàn sạ lúa có 2 hàng lỗ dày (cách nhau 14cm) và 2 hàng lỗ thưa (cách nhau 28cm).

Tuy chưa thành quy trình sản xuất khép kín, song nếu đồng bộ thực hiện các biện pháp trên chắc chắn sẽ tạo cho cây lúa có sức đề kháng cao ngay từ cây mạ, tạo được những ruộng lúa khỏe, ít dùng đến hóa chất độc, tạo ra nguồn nông sản sạch, vệ sinh và an toàn lương thực, thực phẩm.

Cổ nhân dạy: “Năng nhặt, chặt bị”. Mong mọi người không chê cái nhỏ, hãy lưu tâm tích góp để từng bước xây dựng nền nông nghiệp sạch.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm