| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất nông nghiệp là điểm tựa

Thứ Sáu 28/11/2014 , 08:15 (GMT+7)

Với một xã thuần nông như Khánh Hải (Yên Khánh, Ninh Bình), SXNN chính là đòn bẩy, là điểm tựa để xây dựng NTM. 

Đặc biệt, ở Khánh Hải, người dân coi trồng cây vụ đông là vụ chính trong năm.

Vụ đông lên ngôi

Tháng 11, trên cánh đồng thôn Đông Mai, HTX Đông Mai, xã Khánh Hải, khắp nơi là một màu xanh của rau cải, ngô, hành và các loại bí. Người dân ra đồng thu hái, bón phân, tưới nước. Khung cảnh nhộn nhịp, đông vui lạ thường. Chạy dọc theo những thửa ruộng là con kênh đã được bê tông thẳng như kẻ chỉ.

Ông Nguyễn Văn Hoan, xã viên HTX Đông Mai, vạch từng gốc bí xanh, chỉ cho chúng tôi những quả non to bằng hai ngón tay.

“Đợt rồi mưa gió suốt nên bí cũng bị ảnh hưởng không thì quả đã to lắm rồi. Nhưng nắng vài hôm là hồi ngay, cứ chăm sóc tốt là được”. Nhà ông Hoan có 5,5 sào trồng “cu ri tỉ muội” từ hành, bí xanh, bí đỏ, khoai tây… Trừ mọi chi phí, mỗi sào cây vụ đông nhà ông Hoan có vứt đi cũng được trên dưới chục triệu đồng.

Lão nông chia sẻ, làm vụ đông ngày nào cũng phải ra đồng, luôn chân luôn tay nhưng tính ra lại nhàn hơn trồng lúa. Quan trọng hơn, giá trị kinh tế mà cây vụ đông mang lại gấp nhiều lần so với cây lúa.

Vụ đông năm nay, người dân Đông Mai càng hào hứng với cây vụ đông khi được tham gia chương trình SX rau sạch. Dự án do Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình phối hợp với huyện Yên Khánh thực hiện. Tổng diện tích gần 6ha, kinh phí 130 triệu đồng.

Ông Hoan cho biết, dự án hỗ trợ giống, thuốc BVTV cho những hộ tham gia. Hai ngày liền, cán bộ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh về hướng dẫn kỹ thuật, cùng người dân ra đồng thực nghiệm.

“Làm theo đúng quy trình cũng không khó. Kỹ thuật cũng không khác chúng tôi SX lắm. Có điều, việc phun thuốc, bón phân phải tuân theo ngày. Phun bao nhiêu, thời điểm nào, bao nhiêu ngày mới được thu… đều phải theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông”, ông Hoan cho biết.

Nhà chị Phạm Thị Hiền, thôn Đông Mai có vỏn vẹn 2 sào ruộng. Nhưng cả thôn đều bảo, chị là cao thủ trồng hành. Xé gói siêu lân cho vào bình rồi đổ nước, chị Hiền đi một mạch ra ruộng hành. Do đợt mưa từ đầu tháng, một số diện tích hành có hiện tượng bị thối, củ bé.

“Nhìn thế thôi, chăm bón một tuần lại hồi ngay. Năng suất kiểu gì cũng bị ảnh hưởng nhưng chắc cũng ít thôi”, chị Hiền chia sẻ.

Năng suất trung bình mỗi sào được 6-7 tạ hành. Chừng ấy, chị đem bán các chợ quanh xã cũng hết veo. Năm nào giá cả ổn định, trừ mọi chi phí, chị Hiền cũng bỏ túi được trên 15 triệu đồng/sào.

Chỉ tay vào ruộng hành, chị Hiền bảo, chỗ này khoảng gần Tết là thu hoạch, kiểu gì cũng được giá. Được hỗ trợ giống, vật tư, chị Hiền cũng như nhiều hộ khác phấn khởi, mạnh dạn đầu tư cho cây vụ đông.

Đòn bẩy cho NTM

Ông Đoàn Văn Quốc, Chủ nhiệm HTX Đông Mai, bảo, ở Khánh Hải, vụ đông mới là vụ chính, hai vụ lúa chỉ là phụ.

Như ở vụ xuân, 2/3 diện tích lúa năng suất kém, người dân đã chuyển đổi sang trồng lạc. Năng suất trung bình đạt 40 - 42 tạ/sào. Thời điểm cao nhất, giá một kg lạc bán được 22 nghìn đồng. Một sào lạc người dân lãi khoảng 1,8 triệu đồng. Dù giá trị kinh tế không bằng vụ đông nhưng theo người dân đó là mức “tạm được”.

12-05-53_2
Chăm sóc cho cây khoai tây

“Khánh Hải không xây dựng chợ trung tâm xã. Hiện có một DN lớn về xã xin được xây dựng trung tâm thương mại. Chúng tôi phê duyệt kế hoạch, dự án đang được triển khai. Kỳ vọng đây sẽ là nơi trao đổi hàng hóa, kinh doanh cho người dân trong xã cũng như vùng lân cận”, ông Nguyễn Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Khánh Hải.

Vụ mùa sâu bệnh, nắng mưa thất thường, người dân tỏ ra không hào hứng. Một số ít diện tích, người dân cũng đã chuyển sang trồng cây bí xanh. Tuy nhiên, theo ông Quốc, đây chỉ là những diện tích ở xa, khó khăn về nguồn nước. Và tất nhiên, không phải chân đất nào cũng có thể trồng cây màu vào vụ mùa như vậy.

“Thực ra người dân trồng lúa mùa chỉ mang tính chất cải tạo đất. Giúp đất tơi xốp, sạch bệnh để làm cây vụ đông thôi. Một sào tạ, tạ rưỡi thóc thì lời lãi được bao nhiêu”, ông Quốc phân trần.

Từ khi có dự án trồng rau sạch, người dân càng hăng say SX. HTX được phân công hướng dẫn kỹ thuật cho người dân đồng thời bảo vệ, vận hành tưới tiêu, chống úng.

Ông Nguyễn Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Khánh Hải, bảo rằng, làm NTM, đòn bẩy chính là SXNN, mà tiêu biểu là làm cây vụ đông. Tăng giá trị SXNN, tăng thu nhập cho người dân chính là điểm mấu chốt để xây dựng NTM ở Khánh Hải.

Phương châm làm NTM của địa phương là làm từ ngoài đồng về nhà. Tập trung chuyển đổi cơ cấu, đưa các mô hình hiệu quả, tiến bộ kỹ thuật vào SX. Toàn xã có 534ha đất canh tác thì diện tích cây vụ đông làm được khoảng 230ha. Tính cả các loại rau màu khác, diện tích cây vụ đông ở Khánh Hải luôn đạt trên 350ha.

Đỉnh điểm như năm 2012, Khánh Hải SX được 412ha, đạt 90% diện tích canh tác, đạt danh hiệu “quán quân” cây vụ đông của huyện Yên Khánh. Năm 2014, giá trị SXNN của Khánh Hải ước đạt 130 triệu đồng/ha. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm từ 15,5% (2011) xuống còn 2,73% (2014).

Tuy nhiên, ông Phong cho rằng, xây dựng NTM mà chỉ dựa vào SXNN là chưa đủ: “Chúng tôi phải huy động mọi nguồn lực, lồng ghép nhiều dự án, xã hội hóa nhiều dự án để xây dựng. Trong quá trình triển khai, người dân đều đồng thuận, nhiệt tình tham gia. Các tổ chức, DN cũng chung tay góp sức”.

Tổng nguồn vốn Khánh Hải huy động được là gần 250 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp được gần 20 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí kể trên, Khánh Hải đã đầu tư kiên cố 100% đường giao thông. Các tiêu chí khác cũng đã được Khánh Hải hoàn thành.

Ngày 12/11 vừa qua, UBND tỉnh Ninh Bình đã ký quyết định công nhận Khánh Hải là xã đạt chuẩn NTM.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm