| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất nông nghiệp Quảng Bình lo không có lụt

Thứ Tư 21/11/2018 , 09:50 (GMT+7)

Giữa tháng 11, trời vẫn nắng chang chang. Hai bên đường, hoa lau đồng loạt nở trắng, dập dờn trong gió. Ông Nguyễn Thặng (73 tuổi, ở xã Gia Ninh - Quảng Ninh - Quảng Bình, nguyên Chủ nhiệm HTXNN) mắt dõi theo con nước ngoài xa mà lo lắng: “Vậy là hết bão, lụt (lũ) rồi. Năm ni không có lụt thì làm nông khó lắm...".

Ngóng mưa từng ngày

Vùng đồng hai huyện Quảng Ninh - Lệ Thủy được ví “nhất Đồng Nai - nhì hai huyện”, là vựa lúa lớn của tỉnh. Nông dân quen với mỗi năm có vài cơn lụt thì việc đồng áng mới hanh thông, thuận lợi. Thông thường, vào cuối tháng 8, đầu tháng 10 (âm lịch) là mùa mưa lụt, bà con chuẩn bị thuyền bè, lương thực để sẵn sàng đón lũ về.

Ông Nguyễn Thặng bấm đốt ngón tay rồi chậm rãi: “Dân gian quan niệm ngày 25/9 là lụt Ông, đến ngày 3/10 là lụt Bà. Mỗi năm 2 cơn lụt như rứa. Cũng có năm không có lụt Ông thì ắt sẽ có lụt Bà. Mới nên có câu: “Ông tha nhưng Bà chẳng tha. Bà cho cái lụt mùng ba tháng mười”.

15-04-41_nnvn__1-_ong_nguyen_thng
Ông Nguyễn Thặng: “Lụt không về sản xuất vụ ĐX sẽ gặp khó khăn”

Cũng theo ông Thặng, thời tiết năm nay thay đổi hẳn, cuối tháng 9 (ÂL) trời vẫn nắng. Đến ngày 3/10 thì có đổi chiều, có mưa cả ngày. Bà con ai cũng mừng vì có thể mưa vài ngày là có lụt. “Không dè, mưa chỉ trong ngày 3/10. Hôm sau, trời tạnh ráo và nắng đến rũ lá cả vạt cây sắn”, ông Thặng nói.

Không chỉ ông Thặng lo. Nhiều nông dân cũng lo đến nghẹn lòng. Ai cũng nói, biến đổi khí hậu trên báo đài nói bây giờ đã nhìn thấy rõ. Lẽ ra, đang vào mùa mưa phùn, gió bắc, rét đến thấu xương thì lại phải đánh trần cho mồ hôi chảy vì… nắng.

Ông Huế, người cùng thôn đang lên mấy vạt đất trồng hoa màu. Nghỉ tay, ông cho hay, lụt không về nên việc gieo cấy lúa sẽ gặp khó. Vì vậy, ông chủ động chuyển đổi đám ruộng lúa sang trồng rau màu cho chắc ăn. “Không có lụt, phù sa không về, đất ruộng rồi cũng chai bạc, cây lúa cứ đứng đồng chứ không được tươi tốt như năm nào có lụt”, ông Huế nói.

Cả hai nông dân cũng khẳng định, vùng đất hai huyện Quảng Ninh - Lệ Thủy hiếm thấy không có mưa lụt. Lụt mang phù sa, tôm cá về, làm trôi trứng, mầm sâu bệnh, cỏ dại thay rửa chua phèn trên đồng… “Kinh nghiệm rồi, nếu năm nào mưa lụt ít thì sẽ xảy ra rét muộn rét đậm, rét hại. Theo thời vụ khi đó lúa đã gieo cấy xong thì gặp rét muộn thiệt hại lớn lắm. Có năm phải gieo lại gần như toàn bộ”, ông Thặng lo lắng thêm.
 

Đối phó với... không lụt

Ông Võ Doãn Dực, Giám đốc HTXNN Hoành Vinh (xã An Ninh - Quảng Ninh) bày tỏ nỗi lo nhất là nạn chuột. Quê ông có gần 400 ha trồng lúa 2 vụ nằm tiếp giáp với vùng đất Lệ Thủy. Hằng năm, mưa lụt về làm phần lớn chuột bọ chết, trôi theo lụt hoặc bị bắt. “Năm nay không có lụt thì xem như nạn chuột hoành hành rồi. Ở đây đã từng xảy ra nạn này. Có năm, chuột ăn mất trắng đồng lúa”, ông Dực nói.

15-04-41_nnvn__2-_nong_dn_qung_binh
Nông dân Quảng Bình chủ động chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng màu

Về huyện Lệ Thủy, thấy nỗi lo hiển hiện trong mỗi nông dân. Ông Nguyễn Văn Hoàng (xã Phong Thủy) cho hay: “Năm nay ít mưa, lụt không về là báo hiệu khó khăn cho mùa màng. Lo thiếu nước tưới, lo gieo gặp rét, lo chuột bùng phát phá lúa và kèm theo đó là cỏ dại chen cây lúa sẽ tăng gấp nhiều lần. Sâu bệnh theo đó mà phát triển. Người nông dân bỏ chi phí bảo vệ thực vật tăng nhiều lên”. Nói xong, ông Hoàng kéo vạt áo lau mồ hôi.

Vụ ĐX năm nay, Lệ Thủy gieo cấy gần 11 ngàn ha lúa. Việc mưa ít và lụt không về đến thời điểm này cũng làm lịch nông vụ thay đổi để thích ứng. Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho hay, sẽ thay đổi cơ cấu bộ giống với các loại ngắn và trung ngày. Trên cơ sở đó, các địa phương rà soát và có phương án chuyển đổi diện tích lúa sang các loại cây màu phù hợp với việc tưới tiêu. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương tích cực, chủ động vét kênh mương, be đắp hồ đập lớn nhỏ để giữ nước.

“Nếu đến hết tháng mà không có lụt về thì Phòng NN-PTNT sẽ tham mưu cho UBND huyện quyết liệt thực hiện diệt chuột đợt 1 trước khi xuống giống vụ ĐX. Dự trù kinh phí khoảng 700 triệu đồng để mua bả sinh học và hỗ trợ cho nông dân 50% kinh phí”, ông Vương cho biết.

Chuẩn bị vào vụ ĐX, không có lụt về, ông Dực đã bàn với Ban Giám đốc lên kế hoạch dự trù kinh phí chống… chuột. Phải hợp đồng với bên cung cấp dịch vụ cung ứng thuốc, bả sinh học sớm để chủ động. Mua thêm ni lông để thực hiện chắn, bao quanh bờ ruộng ngăn chuột, phát động phong trào diệt chuột cứu lúa. “Chỉ mới dự trù chi phí tăng thêm cho việc phòng trừ chuột trên đồng cũng đã gánh lên gần tỷ bạc rồi chứ không phải là nhỏ”, ông Dực lo âu.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.