| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất phân bón hữu cơ đạt chuẩn Châu Âu

Thứ Sáu 06/12/2019 , 14:18 (GMT+7)

Đó là mục tiêu trước mắt của Cty Cổ phần T&T 159, song song việc chăn nuôi đại gia súc sử dụng đệm lót sinh học.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT tham quan trang trại bò tại xã Yên Mông.

Tham quan trang trại bò của T&T 159, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, trang trại này thực sự là mô hình đáng học hỏi trong lĩnh vực chăn nuôi hiện nay.

Trang trại hiện diện tại xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) với quy mô chăn nuôi thiết kế lên tới gần 4 nghìn đại gia súc.

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Cty CP T&T 159 cho biết, doanh nghiệp tuân thủ theo quy trình chăn nuôi tuần hoàn khép kín. Đó là sử dụng toàn bộ phụ phẩm nông nghiệp kết hợp men vi sinh làm đệm lót sinh học cho vật nuôi. Độ dày của đệm lót khoảng 50cm, 1 tháng thu 1 lần. Toàn bộ phế phẩm này sau đó được thu gom để sản xuất phân bón hữu cơ.

Ông Thắng khẳng định, với cách thức này thì một giọt nước tiểu của vật nuôi cũng không rơi ra ngoài. “Mỗi ngày một con bò trưởng thành có thể thải ra 20kg phân, 40 lít nước tiểu. Chúng tôi sẽ tận dụng toàn bộ để làm phân bón hữu cơ. Sau một năm nghiên cứu cho thấy, đàn bò giảm hẳn bệnh tật, môi trường không bị ô nhiễm”.

Phụ phẩm nông nghiệp được tận dụng làm phân bón hữu cơ.

Theo tính toán của T&T 159, không chỉ giảm giá thành sản xuất bò thịt, còn tạo ra giá trị thặng dư tương đối lớn từ nguồn lợi phân bón hữu cơ. Riêng tại trang trại bò Yên Mông, mỗi năm doanh nghiệp này có thể sản xuất được 25 nghìn tấn phân bón hữu cơ/năm. Mục tiêu sau này là 100 nghìn tấn/năm.

Về đầu ra, doanh nghiệp chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác. Theo đó, trước khi sản xuất, phải nghiên cứu thổ nhưỡng, loại cây trồng để đưa ra thành phần hữu cơ thích hợp trong phân bón. Phân bón hữu cơ của T&T 159 cũng đang chờ được cấp chứng chỉ đạt chuẩn Châu Âu.

Hiện T&T 159 đang liên kết với nhiều hộ dân tại 2 tỉnh Phú Thọ và Hòa Bình để sản xuất nguyên liệu thức ăn, cũng như thu gom phụ phẩm. Đồng thời chuyển giao đệm lót sinh học giúp người chăn nuôi cải thiện chất lượng đàn bò cũng như môi trường.

Sản phẩm phân bón hữu cơ của Cty CP T&T 159 đã được phép lưu hành trên thị trường.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Q. Cục trưởng Cục Chăn nuôi đề nghị lãnh đạo Bộ NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc vào cuộc giúp doanh nghiệp đầu tư, phát triển. Như Cục trồng trọt cần chỉ ra các loại cây trồng nào, phù hợp với phân bón nào giúp đẩy mạnh đầu ra cho phân bón hữu cơ.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thì cho biết, tới đây trung tâm sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp. Lồng ghép các sản phẩm hữu cơ, đệm lót sinh học vào mô hình sản xuất. Thông qua đó, vừa giúp doanh nghiệp đồng thời hỗ trợ người dân sản xuất xanh, sạch hơn.

Doanh nghiệp này cho biết sẽ mở rộng liên kết với người dân để trồng cỏ.

Nhận định về định hướng sản xuất của T&T 159, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, đây là mô hình đáng học hỏi. Doanh nghiệp đã và đang phát triển đúng hướng, bền vững. Việc tận dụng được mọi phủ phẩm tạo ra phân bón hữu cơ sẽ giúp doanh nghiệp có một công nghệ chăn nuôi tuần hoàn. Khi đầu vào rẻ, đầu ra hiệu quả thì kinh doanh gần như nắm chắc thành công.

Thứ trưởng đề nghị các Cục: Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, BQL dự án Các bon thấp TƯ… cần phối hợp chặt chẽ doanh nghiệp, đưa các tiến bộ kỹ thuật tới người dân để nâng cao giá trị sản xuất.

“Doanh nghiệp cũng cần tiếp tục với các địa phương, cơ quan chức năng phát triển, mở rộng mô hình phát triển kinh tế. Làm sao để doanh nghiệp, người dân và địa phương cùng được thừa hưởng lợi ích”, Thứ trưởng Doanh nhấn mạnh.

Tới nay, T&T 159 đã đầu tư vào hệ thống nuôi bò thịt, sản xuất phân bón hữu cơ với số tiền ngót 1 nghìn tỷ đồng. Đầu năm 2020, doanh nghiệp sẽ khánh thành thêm một tổ hợp tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

“Mục tiêu cao nhất, chúng tôi sẽ tiến tới sản xuất 1 triệu tấn phân bón hữu cơ/năm tại nhiều trang trại khác nhau. Ngoài vật nuôi chủ lực là bò thịt, chúng tôi đang tiến hành gây dựng cả đàn trâu, dê, bê sữa. Chúng tôi cũng may mắn giữ được 3.000 con giống lợn Móng Cái bản địa an toàn qua bão dịch tả Châu Phi”, ông Thắng tiết lộ.

 

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.