| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất& tiêu thụ khóm

Thứ Năm 27/06/2013 , 09:58 (GMT+7)

Tại Hậu Giang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp về chuyên đề SX và tiêu thụ khóm (dứa) an toàn.

Sáng 25/6, tại TP Vị Thanh (Hậu Giang), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp về chuyên đề SX và tiêu thụ khóm (dứa) an toàn.

Tại diễn đàn, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân đã có nhiều tham luận, trao đổi kinh nghiệm để tìm hướng phát triển cây khóm an toàn, bền vững.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Mai Thành Phụng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nêu thực trạng: “VN là 1 trong 10 nước có sản lượng khóm cao trên thế giới nhưng lại không được xếp hạng trong nhóm các nước xuất khẩu do phẩm chất trái và công nghệ chế biến kém.

Riêng khu vực Đông Nam Á, VN đứng thứ 3 về diện tích nhưng năng suất lại đứng thứ 5, do đó sản lượng chỉ đứng thứ 4. Vì vậy, việc đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cây khóm hiện nay là rất cần thiết”.

Tại ĐBSCL, các tỉnh có diện tích trồng khóm lớn là Kiên Giang, Tiền Giang, Long An và Hậu Giang. Năng suất khóm bình quân hiện nay chỉ ở mức 13 - 15 tấn/ha, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân do giống đã thoái hóa, dịch bệnh nhiều, kỹ thuật canh tác chưa đáp ứng được yêu cầu thâm canh SX hàng hóa…


Khóm Cầu Đúc Hậu Giang từ lâu đã trở thành thương hiệu nổi tiếng

TS. Lê Văn Bé, Khoa Nông nghiệp & sinh học ứng dụng, Trường ĐH Cần Thơ chỉ ra những hạn chế yếu kém của nông dân trong canh tác khóm hiện nay là bón phân không cân đối, nhất là bón thừa đạm, chưa có biện pháp phòng trừ dịch hại hiệu quả.

Tập quán sử dụng chồi của vụ trước đã bị nhiễm bệnh để làm giống cho vụ sau làm cho bệnh héo khô đầu lá ngày càng nặng, làm giảm năng suất và chất lượng trái khóm.

Cũng cùng quan điểm này, TS Nguyễn Trịnh Nhất Hằng, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam cho rằng, để góp phần nâng cao năng suất và chất lượng của khóm Queen thì việc chọn giống và tiêu chuẩn giống tốt là một yêu cầu cấp thiết đang được đặt ra cần sớm giải quyết.

Vì thực tế hiện nay nông dân sử dụng giống tự phát, từ nhiều nguồn khác nhau nên chất lượng không đồng đều, dạng quả không đạt yêu cầu chế biến. Ngoài ra, cách thu hoạch khóm rồi thả xuống mương nước để vận chuyển ra ngoài cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng.

Ông Lê Văn Đời, PGĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, khóm là một trong 4 cây trồng chính của tỉnh Hậu Giang, sau cây lúa, mía và cây ăn quả. Những năm qua tỉnh đã có nhiều chính sách để khôi phục, phát triển thương hiệu khóm Cầu Đúc (giống khóm Queen nổi tiếng của Hậu Giang).

Thời đỉnh điểm, diện tích khóm Cầu Đúc lên đến 7.000 ha nhưng hiện nay sụt giảm chỉ còn 1.680 ha. Nguyên nhân do thời gian qua cây khóm bị bệnh nhiều, cộng với việc nông dân ít đầu tư cải tạo dẫn đến giống dần bị thoái hóa.

Từ thực trạng đó, tỉnh đã phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ để triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng KHKT phát triển vùng chuyên canh khóm Queen sạch bệnh ở Hậu Giang” với quy mô 35 ha, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Ngoài ra, Trung tâm KN-KN tỉnh cũng xây dựng mô hình SX khóm Cầu Đúc theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 9 ha, nhằm nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân.

Thông qua diễn đàn lần này, sẽ giúp nông dân Hậu Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung có được nhiều thông tin, nắm được các tiến bộ KHKT để áp dụng vào SX, tạo hướng phát triển và tiêu thụ khóm bền vững.

Theo ông Đời, để phát triển cây khóm, ngoài việc đầu tư cho công tác giống, quy trình canh tác thì cần phải gắn kết chuỗi giá trị giữa SX, chế biến và tiêu thụ. Đồng thời tăng cường thông tin dự báo thị trường, xúc tiến thương mại để tìm đầu ra ổn định, giúp nông dân yên tâm SX.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thành Nhơn cho rằng, từ lâu khóm Cầu Đúc đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng nhờ chất lượng cao, với hương vị thơm ngon mà ít có cây khóm nơi nào sánh được.

Trước đây, khóm Cầu Đúc đã từng có thời phát triển rất mạnh và được chế biến xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, do chuỗi SX, chế biến, tiêu thụ chưa được chú ý, thiếu tính bền vững đã khiến người trồng khóm gặp khó khăn, diện tích bị sụt giảm.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.