| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất vacxin nội địa: Việt Nam làm được tới đâu?

Thứ Sáu 01/08/2014 , 09:35 (GMT+7)

Theo ông Nguyễn Hữu Vũ, Chủ tịch HĐQT – TGĐ Cty Hanvet, điểm hạn chế nhất để SX vacxin thực sự có chất lượng ở Việt Nam đang nằm ở ba vấn đề chính./ Không thể chậm trễ

Mới đây, Bộ NN-PTNT đã thành lập BCĐ Quốc gia phát triển, Sản xuất (SX) vacxin phòng bệnh gia súc, gia cầm. Điều này thể hiện quan điểm quyết liệt nhằm sớm thoát khỏi tình trạng liên miên phụ thuộc vào vacxin NK, nhất là vacxin NK từ Trung Quốc.

Vậy khả năng SX vacxin của Việt Nam hiện nay tới đâu? Khó khăn nào đang cần tháo gỡ? Ông Nguyễn Hữu Vũ (ảnh), Chủ tịch HĐQT – TGĐ Cty CP Dược và Vật tư thú y (Hanvet), DN Việt Nam tiên phong đang sắp cho ra lò sản phẩm vacxin phòng bệnh tai xanh đã chia sẻ với NNVN.

Sản xuất vacxin chết không khó

Phải khẳng định rằng, SX vacxin không phải là chuyện đơn giản. Thế giới hiện nay, cũng chỉ có mấy hãng lừng danh, với năng lực tài chính hàng tỉ đô la SX được vacxin. Ngay như Trung Quốc, chỉ có một số trung tâm nghiên cứu lớn mới làm được vacxin, và cả Trung Quốc cũng chỉ có hơn 10 NM SX vacxin cho ngành thú y. Ở Đông Nam Á (ĐNA), Malaysia chỉ có 1 NM SX vacxin, Singapore có 1 NM, Thái Lan 1 đến 2 NM, Indonesia 1 NM...

 Nhưng tất cả các NM ở ĐNA đều có các tập đoàn nước ngoài đứng đằng sau chống lưng, chứ bản thân họ không tự SX được, và chất lượng vacxin của những nước trong ASEAN chỉ ở mức tàm tạm, không có gì xuất sắc lắm. Chỉ có Trung Quốc là mạnh.

Ở Việt Nam, khá may mắn khi từ trước năm 1960, chúng ta đã được nước ngoài giúp đỡ xây dựng một NMSX vacxin khổng lồ, đó là Xí nghiệp Thuốc thú y TƯ (thường gọi là XN Phùng, nay là Cty Vetvaco) trên diện tích tới 25 ha, với dự tính NM này có thể cung cấp vacxin cho cả ĐNA. Tuy nhiên suốt 55 năm qua, do nhiều nguyên nhân mà có thể nói XN Phùng chưa khẳng định được gì nhiều trong mảng SX vacxin.

Ở phía Nam, Cty Navetco có bề dày trên 40 năm, nhờ có sự hỗ trợ rất lớn từ nhà nước và lối đi đúng đắn nên có thể nói họ có nhiều tiến bộ, đặc biệt là trong SX vacxin. Hai đơn vị khác hiện cũng SX vacxin là Phân viện Thú y Miền Trung (Viện Thú y) có bề dày 30 năm, và Xưởng thực nghiệm của Viện Thú y.

Như vậy tổng cộng đến nay, các đơn vị trong nước chỉ có vẻn vẹn 4 nơi SX vacxin. Theo thống kê, nếu gom tất cả doanh thu từ việc SX vacxin của cả 4 đơn vị này, hiện chỉ chiếm chưa tới 5% thị phần vacxin trên thị trường, còn lại 95% thị phần là vacxin NK. Điều đó cho thấy VN đang phụ thuộc vào vacxin nước ngoài rất lớn và rất tốn ngoại tệ để NK mặt hàng này.

Vậy khả năng SX vacxin của các đơn vị, DN trong nước hiện nay ra sao? Theo tôi, với hệ thống nghiên cứu, cơ sở kỹ thuật của các đơn vị, DN trong nước hiện nay, việc SX vacxin, kể cả đối với các bệnh khó như cúm gia cầm (CGC), tai xanh là không khó.

 Tuy nhiên, với trình độ hiện nay, chúng ta chỉ có thể SX được các loại vacxin vô hoạt, và cần đặt vấn đề chất lượng và hiệu quả của vacxin đó đến mức nào. Hiện tại, ngoài Cty Navetco đã SX được vacxin CGC vô hoạt, một số đơn vị và DN khác cũng đang gấp rút xúc tiến SX các loại vacxin khó như tai xanh và CGC, trong đó có Cty Vetvaco, Cty Marfavet, Cty CP Thuốc thú y TƯ I...

Cty Hanvet chúng tôi đã nghiên cứu xong và hoàn thành việc đăng ký SX vacxin tai xanh. Nếu Bộ NN-PTNT chủ trương muốn sớm có vacxin tai xanh SX nội địa cũng như tạo điều kiện đẩy nhanh thủ tục pháp lí, Hanvet sẽ sớm SX vacxin tai xanh ngay trong tháng 8/2014 này.

Có thể nói đến thời điểm này, Việt Nam đang trong quá trình hình thành một thị trường vacxin nội địa, và chắc chắn sẽ sớm có sự cạnh tranh giữa các DN SX vacxin nội địa với nhau. Vacxin NK sẽ dần được thay thế, bởi điểm yếu của vacxin NK là tính phù hợp với chủng virus tại Việt Nam thường không cao.

“Toàn cõi Việt Nam hiện nay không thể tìm ra đâu được một nguồn vật liệu như là gà sạch, lợn sạch hay trứng sạch thực sự để thí nghiệm và SX vacxin, bởi không phải nuôi ở môi trường dịch bệnh, thì trong vật nuôi thí nghiệm cũng đã có sẵn kháng thể của loại vacxin cần thí nghiệm rồi.
Ngay như vacxin dịch tả lợn, một loại vacxin cổ điển thôi, Cty Hanvet chúng tôi đã phải thử nghiệm khá lâu nhưng không thể nào cho ra được sản phẩm vacxin cuối cùng, bởi không thể kiếm đâu ra con lợn sạch đúng nghĩa để thử nghiệm vacxin. Đụng vào chỗ nào cũng thấy lợn nhiễm đủ loại virus ,vi khuẩn, có khi kháng thể của loại vacxin cần thử nghiệm đã bão hòa, công cường độc cũng chẳng chết...
Với môi trường như ở Việt Nam, thật khó để tạo ra nguồn vật nuôi sạch bệnh thực sự. Nói thật, trại lợn dùng để thí nghiệm của Cty chúng tôi ở Hòa Bình, dù cố gắng lắm nhưng cũng chỉ dám nói là sạch tàm tạm thôi, chứ làm sao đạt yêu cầu!”. - (Ông Nguyễn Hữu Vũ).

Vì thế, chủ trương của Bộ NN-PTNT nhằm tăng cường chỉ đạo, gắn kết “3 nhà” giữa nhà nước, DN và nhà khoa học để đẩy nhanh tiến độ nội địa hóa vacxin trong thời điểm này là rất đáng ủng hộ và cần làm rốt ráo hơn nữa.

Đối với vacxin sống (vacxin nhược độc), đặc biệt là vacxin tái tổ hợp, theo tôi có thể còn lâu nữa chúng ta mới tự SX được. Tuy nhiên, chúng ta cần có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị nghiên cứu, DN từng bước tiếp cận với SX vacxin nhược độc, có thể phải liên kết với các DN nước ngoài.

Với vacxin LMLM, ngay cả Trung Quốc hiện nay cũng phải chào thua khi mới chỉ SX được vacxin typ O và O Asean..., còn các typ khác chưa thực sự thành công. Vì vậy, SX được vacxin LMLM sẽ là một khó khăn lớn cho nước ta.

Bài toán an toàn sinh học và vật nuôi sạch

Điểm hạn chế nhất để SX vacxin thực sự có chất lượng ở Việt Nam hiện nay theo tôi đang nằm ở ba vấn đề chính: Một là phòng nghiên cứu, thí nghiệm đảm bảo toàn sinh học (ATSH) cũng như môi trường đảm bảo ATSH phục vụ cho nghiên cứu, thử nghiệm và SX vacxin; hai là nguồn nguyên vật liệu sạch dùng để phục vụ cho nghiên cứu SX vacxin và ba là nguồn giống vacxin.

Hiện nay, ngoài phòng ATSH của ngành y tế tại Viện Pasteur Nha Trang, ngành thú y chưa có phòng ATSH nào thực sự đạt tiêu chuẩn để thực hiện các thí nghiệm trong quá trình nghiên cứu, thí nghiệm vacxin. Bên cạnh đó, chưa có địa điểm nào để đặt các khu thí nghiệm cũng như NM SX vacxin được cách li đảm bảo ATSH.

Tại Trung Quốc, khu vực nghiên cứu, thí nghiệm vacxin CGC với hệ thống thí nghiệm vô trùng phải đặt tít tận vùng Tây Tạng xa xôi biệt lập, có lực lượng quân đội hỗ trợ cách li hoàn toàn với dân sinh, và phải có biện pháp ngăn chặn chim trời (chim hoang dã).

 Chỉ có như vậy, họ mới tạo ra được các nguồn vật liệu thí nghiệm cũng như dùng trong SX vacxin như gà thí nghiệm sạch (FPS), trứng gà FPS (dùng nhân giống vacxin)... Bên cạnh đó, nhờ môi trường sạch đúng nghĩa cũng như hệ thống ATSH, các thí nghiệm vacxin thực địa cũng đảm bảo độ chính xác gần như hoàn toàn.

Ở Việt Nam, hiện các nguồn vật liệu phục vụ thí nghiệm và SX vacxin chỉ ở mức độ sạch tương đối, nghĩa là nguồn vật nuôi thí nghiệm, nguồn vật liệu phục vụ SX vacxin chỉ mới đảm bảo không có virus hoặc kháng thể của loại vacxin cần SX...

Về lâu dài, bản thân các DN trong nước sẽ không đủ khả năng kinh tế để đầu tư cho những vấn đề này, mà cần có sự đầu tư của Chính phủ. Thậm chí, có thể phải có chiến lược xây dựng các khu vực ATSH phục vụ cho thí nghiệm và SX vacxin tại các đảo ngoài biển Đông hoặc các vùng miền núi cách biệt.

(Chủ tịch HĐQT – TGĐ Cty Hanvet)

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.