| Hotline: 0983.970.780

Sáng kiến của nông dân Pắc Nặm: Chống hạn bằng cọn nước

Thứ Năm 15/04/2010 , 10:38 (GMT+7)

Người dân vùng cao của huyện nghèo Pác Nặm (Bắc Kạn) quay về dùng một công cụ truyền thống để lấy nước trồng lúa, đó là cái cọn nước làm 100% bằng tre, gỗ.

Cả nước đang hạn hán. Vùng đồng bằng dùng máy bơm chống hạn, nhưng vùng cao lấy đâu ra máy móc. Vả lại có máy rồi thì kiếm đâu ra dầu "nuôi" máy. Thế là người dân vùng cao của huyện nghèo Pác Nặm (Bắc Kạn) quay về dùng một công cụ truyền thống để lấy nước trồng lúa, đó là cái cọn nước làm 100% bằng tre, gỗ.

Chiếc cọn nước gắn bó với đời sống nông dân vùng cao Pác Nặm từ nhiều đời, thế nhưng bị bỏ quên vào những năm 1990 khi máy bơm nước Trung Quốc chạy bằng dầu điêzen có ưu điểm là tưới nước tốc độ nhanh, tiện lợi lan tràn khắp các cánh đồng. Từ đó người dân không còn để ý đến chiếc cọn.

Thế nhưng, ở một số chân ruộng nhỏ lẻ, soi bãi ven sông suối vẫn còn những chiếc cọn nước miệt mài bám trụ khi mà nhiều nông dân nghèo chưa thể mua được máy bơm nước và nếu có bán bò mua được máy bơm, cũng không đào đâu ra tiền mua dầu cho máy chạy vào mùa giáp hạt, khi dầu thắp sáng còn chẳng đủ. Một thực tế cho thấy, nhiều diện tích gieo cấy nhỏ lẻ, phân tán, mỗi bãi soi chỉ có vài trăm hoặc vài nghìn m2 đất ruộng trồng lúa, nếu đầu tư đập thuỷ lợi dâng nước sẽ quá lãng phí, còn nhà nông cũng chẳng bao giờ dám nghĩ tới bỏ sức ngăn sông lấy nước tưới lúa.

Khoảng 5 năm trở lại đây, vụ xuân nào hạn hán cũng leo thang, giá xăng dầu cũng lại đắt đỏ, thế là cọn nước lại được phục hồi tại khắp các con suối thuộc 10/10 xã của huyện Pác Nặm, nhiều nhất là xã Bằng Thành, Bộc Bố, Giáo Hiệu, An Thắng. Theo ước tính của một cán bộ làm công tác khuyến nông tại huyện Pác Nặm, vụ xuân này đã có khoảng 120 chiếc tham gia chống hạn, tăng 30 chiếc so với vụ xuân năm trước, chủ yếu dọc theo các suối nhỏ, nhiều nhất là đầu nguồn dòng sông Năng chảy vào hồ Ba Bể.

Ông Hoàng Văn Bảo – Bí thư Đảng uỷ xã Bằng Thành là người gắn bó với chiếc cọn gỗ từ thủa nhỏ, hiện nay gia đình ông vẫn đang sử dụng một chiếc cho hay làm một chiếc cọn chỉ mất vài cây tre, tổng chi phí cho chiếc cọn có đường kính khoảng 5 đến 6 mét mất hơn triệu bạc, bình thường sử dụng được 2 năm, nếu gặp lũ to không tháo gỡ kịp thì coi như mất của.  Khi được hỏi tại sao không dùng máy bơm nước, ông cho biết những đám ruộng của nhà là ruộng chân cát, chỉ ngừng bơm nước một hai ngày là cạn kiệt vì độ thẩm thu rất nhanh, nếu dùng máy bơm thì không chịu nổi tiền dầu. Trước đây, một số gia đình đã bán bò mua máy bơm nước, nhưng rồi bỏ đó vì không có tiền mua dầu- ông Bảo cho hay.

Rời Pác Nặm trong lòng tôi luôn day dứt, nơi huyện nghèo này “bao giờ mới thoát nghèo” (Pác Nặm là 1/61 huyện nghèo của cả nước), khi nhiều địa phương khác trong cả nước chống hạn bằng máy bơm điện siêu tốc, còn nơi đây thì chiếc cọn tre vẫn kẽo kẹt đong từng hạt nước.

Dọc theo dòng sông Năng chảy qua các thôn như: Bản Mạn, Khâu Ban, Nà Trang, Bản Dù, Nà Vài, Nà Lẳng, Bản Khúa, Khuổi Lính, Pác Nặm của xã Bằng Thành, chúng tôi đếm sơ bộ được hơn 50 chiếc cọn, hầu hết mới làm đầu vụ xuân này, cây tre còn tươi nguyên, chiếc nhỏ nhất cũng có đường kính hơn 3 mét. Riêng thôn Bản Vài là nhiều nhất với 14 chiếc đang ngày đêm kẽo kẹt cõng từng giọt nước chống hạn. Năm nay hạn hán giữ quá, nhiều khe núi hiện đang cạn kiệt nước, cả xã Bằng Thành có 145 ha lúa xuân thì 40% diện tích bị thiếu nước, xã chỉ đạo nhân dân dùng mọi biện pháp chống hạn, trong đó chủ lực là tăng cường làm cọn.

Trao đổi với chúng tôi về giá trị kinh tế cũng như tiện lợi của chiếc cọn nước, ông Nguyễn Thế Hoàng – Phó Chủ tịch UBND xã Giáo Hiệu khẳng định dùng cọn nước rất kinh tế, lắp đặt đơn giản, vật tư không tốn nhiều tiền, vì vậy các hộ dân tộc Sán Chí ở thôn Nà Thiếp duy trì từ lâu đời, lúa của bà con luôn đạt năng suất cao. Tuy nhiên cũng có ý kiến trái ngược. Ông Nông Văn Hộ thôn Nà Phẩm xã Bộc Bố cho rằng bất tắc dĩ mới phải dùng cọn nước, vì mỗi trận mưa lớn lại mất công tu sửa lắt nhắt lắm…

Theo thống kê của Phòng NN huyện Pác Nặm, vụ xuân này gieo trồng khoảng 2.800 ha lúa, màu. Tính đến thời điểm này, diện tích trồng lúa trên địa bàn là 755 ha, bà con đã cơ bản cấy xong. Mặc dù huy động từ những dụng cụ cổ nhất như chiếc cọn để chống hạn, nhưng Pác Nặm vẫn còn 123 ha đất trên các thửa ruộng cao không thể cày xới để trồng ngô, vì nước nguồn các khe núi đã khô cạn, mưa lớn chưa đến. 

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.