| Hotline: 0983.970.780

Sáng nay khai mạc kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII

Thứ Hai 22/10/2012 , 08:57 (GMT+7)

Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ 9 tháng, khả năng hoàn thành các mục tiêu năm 2012 và kế hoạch 2013 sẽ là nội dung được quan tâm nhất trong phiên khai mạc.

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ 9 tháng, khả năng hoàn thành các mục tiêu năm 2012 và kế hoạch 2013 sẽ là nội dung được quan tâm nhất trong phiên khai mạc.

Mở đầu cho kỳ họp kéo dài 26 ngày với nhiều nội dung quan trọng của Quốc hội khóa XIII, phiên khai mạc sáng nay được đông đảo cử tri cũng như dư luận chờ đợi với nội dung chính là các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách của Chính phủ sau 9 tháng đầu năm, khả năng hoàn thành các mục tiêu đề ra cho năm 2012 cũng như kế hoạch cho năm 2013.

Quốc hội sẽ dành già nửa thời lượng của kỳ họp lần này (16 ngày) cho công tác xây dựng luật. Ảnh: Tiến Dũng
Quốc hội sẽ dành già nửa thời lượng của kỳ họp lần này cho công tác xây dựng luật.

Sau nghi lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội họp trù bị lúc 8h giờ để thảo luận, thông qua Chương trình kỳ họp và trao đổi về một số vấn đề cần thiết. Đến 9h, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng có bài phát biểu chính thức khai mạc kỳ họp.

Tiếp đó, Quốc hội nghe đại diện Chính phủ trình bày về tình hình và kế hoạch kinh tế - xã hội. Những nội dung này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị trong báo cáo sơ bộ gửi tới Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước kỳ họp. Đây là cơ sở để các Ủy ban chuyên trách của Quốc hội xây dựng báo cáo thẩm tra, cũng sẽ được trình bày trong phiên làm việc sáng nay.

Căn cứ vào báo cáo này thì tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng cũng như cả năm 2012 được Chính phủ đánh giá là “có những chuyển biến tích cực, đúng hướng”, mặc dù vẫn tồn tại không ít khó khăn. Thành tựu lớn nhất được nhắc đến là đưa lạm phát về một con số (dự kiến cả năm khoảng 8%), bên cạnh đó là tăng xuất khẩu (113 tỷ USD, tăng 16,6%), giảm nhập siêu (1 tỷ USD, chiếm 0,9% kim ngạch xuất khẩu)…

Chính phủ thừa nhận là trong số 15 mục tiêu được Quốc hội phê duyệt cho năm 2012, có 5 hạng mục quan trọng khó hoàn thành: tăng trưởng kinh tế (ước chỉ đạt 5,2% so với kế hoạch 6 - 6,5%), tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (chỉ đạt 29,5% GDP), tạo việc làm (đạt hơn 1,5 triệu lao động, so với kế hoạch 1,6 triệu), giảm nghèo (1,7% so với mục tiêu 2%) và tỷ lệ che phủ rừng.

Những con số này, cùng các tham chiếu khác như số lượng doanh nghiệp giải thể (ước hơn 40.000 sau 9 tháng), sức mua yếu, tồn kho nhiều (khu vực chế biến – chế tạo vẫn tồn trên 20%), sức khỏe ngân hàng chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện, tăng trưởng tín dụng thấp… cũng cho thấy nền kinh tế đang tiếp tục trải qua một giai đoạn khó khăn. Báo cáo, cách đánh giá của Chính phủ, cũng những giải pháp rốt ráo để khắc phục tình trạng này, cùng những định hướng cho năm 2013, do đó, càng được trông đợi.

Sau báo cáo của Chính phủ, đại diện Mặt trận Tổ quốc sẽ trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri, trước khi phiên làm việc buổi sáng được khép lại với báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Phiên khai mạc sẽ mở đầu cho 26 ngày làm việc của Quốc hội (22/10 – 22/11), trong đó có 13 buổi được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Là kỳ họp cuối năm nên bên cạnh thời gian xem xét các vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội, Quốc hội cũng sẽ dành thời lượng lớn cho công tác xây dưng pháp luật. Trong số 9 dự án luật và 2 nghị quyết đự kiến được xem xét thông qua, có những nội dung hết sức quan trọng như việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992, Luật sửa đổi – bổ sung luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, Nghị quyết về việc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê duyệt…

Ngoài ra, một nội dung mới cũng được đưa vào chương trình kỳ họp lần này là Quốc hội sẽ nghe và thảo luận báo cáo kết quả thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ tại kỳ họp 2 và 3. "Báo cáo sẽ đánh giá tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông theo lời hứa của Bộ trưởng Giao thông; lời hứa giải quyết khiếu nại tố cáo kéo dài của Tổng Thanh tra Chính phủ... Nếu việc thực hiện của bộ trưởng không đảm bảo thì khi lấy phiếu tín nhiệm sẽ thấp. Hai năm liên tục người đó không vượt 50% thì sẽ phải chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm", Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – Nguyễn Hạnh Phúc cho biết. Đây được xem là một trong những đổi mới quan trọng, thể hiện vai trò giám sát của Quốc hội đối với hoạt động của cơ quan điều hành.

Về mục tiêu của năm 2013, báo cáo trước đó do Bộ Kế hoạch & Đầu tư chuẩn bị dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP tăng khoảng 5,5%, chủ yếu nhờ động lực từ khu vực công nghiệp xây dựng (5,7%) và dịch vụ (6,5%). Tổng kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt khoảng 124,3 tỷ USD, tăng 10% so với 2012, trong đó nhập siêu tương đương khoảng 8% kim ngạch xuất khẩu. Bội chi ngân sách khoảng 4,8% GDP, trong khi tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng giữ ở mức 7 - 8%.

Về mục tiêu xã hội, cơ quan hoạch định đặt mục tiêu tạo việc làm cho 1,59 triệu lao động, trong đó đưa khoảng 85.000 người đi làm việc tại nước ngoài. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị tiếp tục được giữ ở mức dưới 4%. Ngoài ra, cơ quan điều hành cũng sẽ cố gắng đảm bảo một số cân đối lớn của nền kinh tế trong kế hoạch phát triển như cân đối về thu - chi ngân sách, vốn đầu tư phát triển…

Theo Nhật Minh (vnExpress)

Xem thêm
Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.