| Hotline: 0983.970.780

Sang Nhật Bản xem làm GAP

Thứ Bảy 01/09/2012 , 08:08 (GMT+7)

Mặc dù nhiều GAP nhưng SXNN theo hướng an toàn ở Nhật Bản không hề bị rối, quy trình quản lý 5 bước rất gọn và hiệu quả...

Trong chương trình hỗ trợ của Chính phủ Nhật bản cho lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam, một dự án của JICA với tính chất hỗ trợ kỹ thuật được triển khai tại Bộ NN-PTNT, gồm 2 tiểu hợp phần: Bảo hộ giống cây trồng và hệ thống SXNN an toàn.

Thái Bình là một điểm “vệ tinh” của dự án trong tiểu hợp phần SXNN an toàn, tôi được tham gia đoàn công tác để tham quan học tập SX tại Nhật, xin được chia sẻ cảm nhận của cá nhân sau chuyến đi ngắn này.

1. Đa dạng GAP ở Nhật Bản: Mỗi tiêu chuẩn GAP tạo nên thương hiệu riêng cho một vùng, một DN. Quả thật đây là một điều thú vị và ngạc nhiên với tôi, khi mà một đại diện lãnh đạo của phòng GAP thuộc Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản giới thiệu, nước này có nhiều tiêu chuẩn GAP gồm:

-GAP cơ bản: Do Bộ Nông lâm ngư nghiệp ban hành. GAP này khá đơn giản, chỉ bao gồm những tiêu chí dễ thực hiện nhất, dễ tiếp cận nhất (20 tiêu chuẩn), song nguyên tắc bao trùm của nó là đảm bảo để sản phẩm nông sản đưa ra thị trường đáp ứng các tiêu chí ATVSTP và điều chỉnh nó là Luật Phát triển nông nghiệp bền vững (GAP cơ bản chỉ chiếm tỷ lệ 4%).

-GAP của JA (Liên minh HTX): Có các tiêu chuẩn khắt khe hơn, được cụ thể hóa và đưa ra các tiêu chí chặt hơn GAP cơ bản do JA xây dựng, thống nhất với các thành viên khi tham gia và đồng ý áp dụng vào SX tiêu chuẩn GAP. GAP của JA chiếm tỷ lệ thực hiện 32%, mặc dù tiêu chí chặt chẽ, khắt khe hơn nhưng tỷ lệ thực hiện cao gấp 4 lần GAP cơ bản.

-GAP của các Cty tham gia chuỗi SX nông sản (gọi là GAP khác), tỷ lệ thực hiện chiếm 37%, cao hơn cả GAP của JA. Các Cty, liên minh hợp tác với nông dân, tổ chức SX và tiêu thụ sản phẩm, tổ chức bán hàng trực tiếp hoặc chế biến, tiêu chuẩn SX an toàn và mức độ kiểm soát chặt chẽ góp phần tạo nên thương hiệu sản phẩm cho chính họ.

Ở Nhật một số tỉnh trọng điểm về SX rau như Chiba, Fukushima, Hokkaido, Ibaraki… đều có GAP riêng. Ngoài ra một số tổ chức tư nhân cũng xây dựng GAP riêng để tạo ra sự đảm bảo về chất lượng và mức độ an toàn cao hơn nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường nội địa.

Cùng với GAP, các chương trình phát triển nông nghiệp bền vững khác cũng đang được phổ biển và triển khai ở các vùng nông nghiệp trọng điểm như: Canh tác theo tiêu chuẩn “nhà nông xanh” triển khai từ 1999, canh tác hữu cơ (JAS) từ năm 2000, tiêu chuẩn nông sản đặc biệt từ 1992; tiêu chuẩn nông sản an toàn 1992. Chiba là tỉnh đưa ra tiêu chuẩn “nông sản xanh Chiba Eco” từ năm 2002.

Các tiêu chuẩn canh tác đều có những quy định rõ ràng về chế độ, cách thức, chủng loại phân bón, thuốc BVTV, làm đất. Riêng nước tưới ở Nhật, hầu hết 100% đạt tiêu chuẩn theo luật định nên họ không có các quy định về tiêu chí này. Việc quy định các cơ quan thẩm định và cấp chứng nhận cũng có những tiêu chuẩn cụ thể và chứng nhận các tiêu chuẩn nông sản trên có giá trị trong toàn quốc.

Ở Nhật, dù là GAP cơ bản hoặc SX nông nghiệp theo các tiêu chí cao hơn (các GAP khác), việc công khai thông tin luôn được xem là điểm quan trọng hàng đầu. Người SX phải ghi chép đầy đủ thông tin sản phẩm và cập nhật trên máy, post lên mạng các website của tỉnh hoặc DN liên kết.

2. Quản lý quy trình GAP với 5 bước hiệu quả

Mặc dù nhiều GAP nhưng SXNN theo hướng an toàn ở Nhật Bản không hề bị rối, quy trình quản lý 5 bước rất gọn và hiệu quả, dù là loại GAP nào, quy trình quản lý cũng thực hiện như sau: Thảo luận để đồng thuận rồi mới làm (xây dựng các quy trình kỹ thuật, kế hoạch thực hiện, kiểm tra đánh giá việc thực hiện), thực chất đây là quá trình quan trọng và nông dân rất tự giác thực hiện việc này.

Việc đánh giá kiểm tra dựa trên việc ghi chép nhật ký SX của nông dân, quá trình SX được nông dân cập nhật vào hệ thống máy tính, lưu lại hàng vụ, hàng năm và khi bán sản phẩm cho DN hoặc đưa vào cửa hàng bán trực tiếp thì “hồ sơ” nông sản phải rất đầy đủ sản phẩm đó mới được nhập; cuối cùng là quá trình đánh giá bổ sung, tiêu chí có thể được bớt đi hay tăng lên để hợp lý và sức cạnh tranh mạnh hơn, việc điều chỉnh này sẽ dựa trên những đánh giá và tiếp nhận thông tin từ thị trường.

Như vậy, không riêng gì Nhật Bản, các nền nông nghiệp phát triển và hướng vào SX nông sản an toàn bền vững đều rất chú trọng tới việc ghi chép và chính việc này sẽ làm cho người SX ý thức hơn với việc sử dụng các chất hóa học, kiểm soát và sử dụng đúng theo hướng dẫn. SXNN ở Nhật nếu ai đó nói tào lao rằng họ không sử dụng, hoặc rất ít thuốc BVTV, chất hỗ trợ tăng trưởng, phân qua lá.. là không đúng.

Hướng dẫn và quản lý thuốc BVTV ở đây là theo hoạt chất (nếu phun một loại thuốc nhưng là hỗn hợp 3 loại hoạt chất sẽ được tính cho 3 lần phun, vì vậy họ rất ít sử dụng các loại thuốc phổ rộng và hỗn hợp) và sử dụng đúng nguyên tắc, đúng hướng dẫn trên bao bì, đúng chủng loại và được cụ thể hóa trong các tiêu chí GAP.

Việc phân tích chất lượng sản phẩm, dư lượng các độc chất và gần đây là phóng xạ sau sự cố sóng thần với nhà máy điện nguyên tử ở vùng bị ảnh hưởng được hỗ trợ và công khai thông tin phân tích trên các "trang chủ".

3. Thị trường tiêu thụ nông sản được tổ chức bài bản, hiệu quả

Chuỗi SX, tiêu thụ nông sản hiện có các kênh sau: Phần lớn các sản phẩm nông sản của Nhật được tiêu thụ trong thị trường nội địa thông qua các chợ đầu mối. Chợ đầu mối được tổ chức cực kỳ bài bản và khoa học. Họ có một bộ luật riêng về chợ đầu mối và các chợ đều hoạt động tuân thủ luật này.

Với khoảng 15 triệu dân nhưng thủ đô Tokyo có tới 11 chợ đầu mối chuyên về nông sản, mỗi chợ có diện tích từ 3-10 ha; chợ lớn nhất là Ota với diện tích gần 40 ha, hệ thống kho lạnh, kho mát và sàn đấu giá hiện đại, mỗi ngày có vài chục ngàn tấn nông sản tiêu thụ qua chợ này để đi các kênh bán lẻ ở Tokyo và các tỉnh thành khác. Nông dân có thể mang nông sản đến đây bán nhưng thông qua hệ thống văn phòng đại diện của các HTX mà họ là thành viên.

Nông sản được tiêu thụ thông qua HTX nông nghiệp. HTX là đầu mối giao dịch và tiêu thụ, thanh toán tiền bán nông sản cho nông dân qua hệ thống các chợ đầu mối. HTX cũng tổ chức các cửa hàng bán nông sản và hình thức bán hàng này họ gọi là “cửa hàng bán trực tiếp”. Hiện các HTX đang mở rộng kiểu bán hàng này, hình thức bán hàng là ủy thác, người SX sẽ toàn quyền quyết định giá bán từng mặt hàng nông sản của họ tùy thời điểm và mức độ tươi ngon, an toàn nông sản.

Một kênh tiêu thụ khá mới nữa đó chính là các DN liên kết với nông dân. DN sẽ tạo nên thương hiệu sản phẩm của họ dựa trên liên kết và hỗ trợ nông dân SX theo những tiêu chuẩn "GAP" riêng của họ. Một số DN tiêu biểu mà chúng tôi đến thăm là tập đoàn Pasona với cái tên rất hấp dẫn là “nông trại đô thị”.

Tại đây họ có các mô hình trình diễn biện pháp canh tác hữu cơ, khí canh, thủy canh, kết hợp các hệ thống dịch vụ ăn uống, hội nghị, hội thảo mà xung quanh là các mô hình rau, củ quả trồng trong các chậu giá thể, tưới nước nhỏ giọt và giàn leo là các cọc nhựa composite, lưới nilon. Cả tòa nhà mấy chục tầng của họ đều bài trí kiểu như vậy.

Mọi người đến đây đều có cảm giác như đang ở giữa một nông trại. Rau củ, quả thu hoạch đủ phục vụ cho vài ngàn nhân viên làm việc và hội thảo tại tòa nhà này. Quả là một kiểu PR độc đáo, tập đoàn này trước đây chủ yếu ở lĩnh vực cung ứng và đào tạo lao động, nhưng họ đang vươn ra XK nông sản hữu cơ.

Vài DN nữa mà chúng tôi đến tham quan như Wagoen, Cty CP Phát triển nông nghiệp Miharunosato… ở tỉnh Chiba đều có hình thức tổ chức SX và liên kết với nông dân để làm các mặt hàng rau quả theo tiêu chuẩn GAP riêng. Các DN này không chỉ tiêu thụ dạng hàng tươi sống mà còn chế biến để người tiêu dùng có thể ăn liền, cả những cửa hàng phục vụ ăn trưa, ăn tối do họ xây dựng.

Nông dân liên kết tham gia chế biến, phục vụ trong các hệ thống cửa hàng này như là một kiểu nhân viên làm việc bán thời gian (part time). Rõ ràng đây là một hình thức tổ chức chuỗi SX khép kín và giá trị gia tăng sẽ cao lên rất nhiều với hình thức tổ chức từ A-Z này. Theo đánh giá thì kênh thông qua cửa hàng trực tiếp của HTX và liên kết với DN đang có xu thế mở rộng.

Điều mà chúng tôi thấy ở tất cả các kênh tiêu thụ là thông tin sản phẩm phải rõ ràng, tuân thủ tiêu chí SX an toàn và ghi chép là điều kiện tiền đề để sản phẩm có đứng được ở các kênh tiêu thụ đó hay không.

Kênh tiêu thụ nữa cũng phổ biến vừa vừa ở Nhật là, người tiêu dùng phi nông nghiệp (gia đình cán bộ, công chức, công nhân..) đặt hàng và mua thẳng từ người SX dựa trên uy tín, độ tin cậy và thực tiễn trong vùng. Kênh này thì người tiêu dùng, người SX biết rõ nhau, sản phẩm vì thế không thể “ù xọe” được.

4. Sơ chế: Đây là khâu được hết sức chú trọng, điều kiện sơ chế phải đảm bảo an toàn và tránh tái nhiễm bẩn, nông dân có trình độ cao và sản phẩm sau thu hoạch được đóng gói, in nhãn mác, thông tin cơ bản đi kèm rất đầy đủ. Người tiêu dùng Nhật Bản rất coi trọng mẫu mã và hình thức sản phẩm, độ đồng đều rất cao, vì vậy mà những ruộng trồng các loại củ, quả (dưa chuột, dưa lê, dưa vân lưới, dưa hấu...) dị dạng, không nây đều, méo mó sẽ bị loại bỏ (có khi tới 1/4-1/5 số quả).

5. Chính sách và truyền thông, quảng bá nâng cao nhận thức

HTX ở Nhật Bản khá mạnh và là HTX đa năng, đa lĩnh vực. Việc tổ chức SX và bán hàng trực tiếp nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ hệ thống ngân hàng, tài chính của Nhà nước, hiệp hội.

Những mô hình tổ chức SX xanh, bảo vệ môi trường, được ngân sách hỗ trợ xứng đáng và làm ra tấm ra miếng để vừa quảng bá cho cả người SX lẫn người tiêu dùng.

Quảng bá nông nghiệp ở Nhật Bản được chính quyền các địa phương rất quan tâm, cả các DN, HTX cũng tổ chức các hình thức giao lưu, trải nghiệm giữa người tiêu dùng ở TP với người SX và với các công việc nhà nông. Vì vậy mà khoảng cách giữa SX và tiêu thụ gần hơn, sự hiểu biết để thấy được giá trị của sản phẩm an toàn nâng cao hơn, người tiêu dùng biết mặt người SX là một trong các cách giới thiệu sản phẩm nông sản sạch hiệu quả.

Chúng ta học được gì?

VN đang bước đầu vận động và triển khai SXNN theo hướng an toàn, các văn bản pháp quy cũng đã và đang được hoàn thiện. Tiếp cận cách làm GAP của Nhật Bản thấy cũng nhiều cái chúng ta có thể học được, ở góc nhìn của tôi thì trên hết vẫn là nhận thức, nhận thức của cả người tiêu dùng lẫn người SX.

Không ít mô hình SX rau an toàn của chúng ta đã đổ bể và không có tính bền vững, cái chính là không tạo được thương hiệu sản phẩm và lòng tin của người tiêu dùng, bản thân người tiêu dùng cũng còn lơ mơ về sản phẩm an toàn, thông tin thì không đầy đủ. Mọi sự phát triển đều có thang bậc, có quy luật, đi từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, chúng ta không thể đốt cháy giai đoạn một cách chóng vánh khi mà nền tảng nhận thức vẫn còn cách biệt.

VN nên có một lộ trình và hãy bắt đầu từ cái cơ bản trước, từ cơ bản sẽ áp dụng cho diện rộng. Tiêu chuẩn SX an toàn sẽ do DN xây dựng dựa trên nền tảng của cái cơ bản nhưng mức độ sẽ cao hơn, chính cái đó tạo ra sự khác biệt và làm nên danh tiếng cho DN.

Trước mắt việc liên kết như chúng ta đang phát động và xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn là đúng hướng. CĐML có DN tham gia, có thể quản lý tốt phần đầu vào và quy trình canh tác, sản phẩm nông sản sẽ gắn với thương hiệu của DN. Chẳng hạn Cty ADC với tiêu chuẩn SX lúa theo Globle GAP. Lúa thương phẩm được thu mua, chế biến thành gạo, được đóng gói với nhãn hiệu gạo “Tứ quý”. Cty CP BVTV An Giang với các vùng nguyên liệu lúa XK, có thể quản lý tốt quy trình từ sử dụng giống, phân bón, thuốc BVTV...

SX các loại nông sản theo VietGAP không thể thiếu DN hoặc ít ra là hệ thống HTX đủ mạnh để có thể là tổ chức gắn kết những người SX, hợp tác với DN để SX ra các sản phẩm nông sản mà quy trình thực hiện được áp dụng đồng bộ và hiệu quả.

Nông dân tham gia liên kết có nghĩa vụ tuân thủ các quy trình và đặc biệt là việc ghi chép thông tin kiểu như “nhật ký SX”. Chỉ các nông dân tuân thủ quy trình và ghi chép đầy đủ thông tin thì sản phẩm mới được thu mua và thu mua giá cao hơn mới hấp dẫn được họ. Nông dân sẽ so sánh nếu tốn thêm chút công ghi chép, hạch toán... lời hơn rõ rệt. Cùng với việc tập huấn hàng vụ, hàng năm, ý thức về ghi chép (nhằm giúp truy nguyên nguồn gốc) hằn sâu vào ý thức họ, khi đó một thế hệ nông dân mới sẽ hình thành.

DN liên kết với đội ngũ nông dân thì việc tạo nên sản phẩm nông sản là thương hiệu của mình mới có thể hội nhập và cạnh tranh vô tư trên thị trường quốc tế. Điều này chúng ta thấy rất rõ, từ các sản phẩm thủy sản, nông sản xuất vào các thị trường EU, Mỹ, Nhật đều không thể thiếu các thông tin SX, và đó cũng là bằng chứng để cam kết rằng quá trình SX được đảm bảo an toàn.

Tổ chức lại hay “tái cấu trúc” hình thức SX để liên kết bền vững hơn trên nền tảng lợi ích của tất cả các bên là rất khó với chúng ta vì “nhận thức” luôn là vấn đề mấu chốt, song không phải không làm được. Người Nhật Bản nói như vậy và cần một ý chí và sự quyết tâm, sự vào cuộc của cả nhà nước với những chính sách hợp lý, những “cú hích” ban đầu cho cả DN và nông dân.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất