| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 02/08/2016 , 08:23 (GMT+7)

08:23 - 02/08/2016

Sao không xây dựng 'Bộ quy tắc ứng phó' bão?

Có người đặt câu hỏi rằng, tại sao một đất nước mà mỗi năm hứng chịu cả chục cơn bão, thiệt hại đều đặn mỗi năm ít thì cũng vài ngàn tỷ, lại không xây dựng một bộ quy tắc chung để ứng phó.

Ứng phó với bão cũng giống như chiến đấu với địch, cần nhanh gọn và hiệu quả. Những chỉ đạo theo cách phân cấp mức độ nguy hiểm, phân công cụ thể, chi tiết nhiệm vụ cho các đơn vị và cá nhân, là rất cần thiết. Để không phải lúng túng trong việc ứng phó với hàng chục cơn bão hằng năm. Để ai cũng biết việc mình phải làm.

Quy trình ứng phó hiện nay mỗi khi được tin có bão là gì? Đầu tiên là soạn công điện. Những công điện ấy, nếu thử liệt kê thì luôn có các đầu việc sau đây: “Theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật diễn biến của bão; kịp thời chỉ đạo các cấp chính quyền ở địa phương và người dân; triển khai các biện pháp chủ động phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả; kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan; thực hiện nghiêm túc nội dung công điện; bằng mọi biện pháp thông báo, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu; chủ động rà soát, kiểm tra đê điều; tổ chức trực ban...”.

Có người đặt câu hỏi rằng, tại sao một đất nước mà mỗi năm hứng chịu cả chục cơn bão, thiệt hại đều đặn mỗi năm ít thì cũng vài ngàn tỷ, lại không xây dựng một bộ quy tắc chung để ứng phó.

Ở trong quân đội, người ta phân ra 4 cấp sẵn sàng chiến đấu. Với ý nghĩa rằng, ở mỗi cấp tức là mỗi mức độ báo động, khi người chỉ huy phát lệnh thì các đơn vị dưới quyền, từng chiến sĩ sẽ nhanh chóng vào vị trí đã được phân công và hành động theo những quy định các việc phải làm cho mỗi cấp độ báo động. Khi đó, sự triển khai lực lượng để ứng phó với địch là nhanh nhất và đạt hiệu quả cao nhất.

Mỗi cấp gió đang được sử dụng tại Việt Nam, đều được quy định chi tiết. Ví dụ, cấp bão 12: tốc độ gió 118 - 133 km/h, gió bão cực mạnh, sóng cao từ 14m trở lên, biển có các con sóng khổng lồ, không gian bị bao phủ bởi bọt và bụi nước, biển hoàn toàn trắng với các bụi nước. Đất liền thì nhiều công trình hư hỏng nặng.

Như vậy, với mỗi cấp bão, hoàn toàn có thể xây dựng, biên soạn được “bộ ứng phó” với bão, bao gồm những quy định chi tiết, cụ thể nhiệm vụ cho mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan và thậm chí cho mỗi cá nhân từ lãnh đạo cho đến người dân trong vùng chịu bão. Trong các ngành sản xuất và dịch vụ, bộ quy tắc ISO 9001 đưa ra các chuẩn mực cho hệ thống quản lý chất lượng.

Việc áp dụng ISO 9001 vào doanh nghiệp đã tạo được sự chuẩn hóa các quy trình hoạt động, loại bỏ được nhiều thủ tục rườm rà không cần thiết, rút ngắn thời gian và giảm chi phí phát sinh do xảy ra những sai lỗi trong công việc, đồng thời làm cho năng lực trách nhiệm cũng như ý thức của cán bộ công nhân viên nâng lên rõ rệt.

Biên soạn “bộ ứng phó” với bão, thực sự là đòi hỏi gấp gáp của đất nước, dành cho những nhà quản lý có trách nhiệm!