| Hotline: 0983.970.780

"Sao Thần nông" biến đất sỏi thành vàng

Thứ Năm 30/08/2012 , 09:17 (GMT+7)

Với thành tích phát triển chăn nuôi đáng nể, năm 2010, ông Nguyễn Văn Nam là 1 trong số 34 nông dân trong toàn quốc vinh dự được nhận giải thưởng “Sao Thần nông”.

Ở các xã phía tây thuộc TX An Nhơn (Bình Định) đất không thiếu, nhưng cằn cỗi, muốn nó "đẻ ra tiền" không phải chuyện dễ. Khao khát làm giàu ấp ủ mãi nhưng chưa biết làm cách gì thì phong trào phát triển kinh tế trang trại "nổ ra". Nó như câu thần chú “vừng ơi...” đã mở ra cho nông dân Nguyễn Văn Nam cánh cửa đi tìm “kho báu”.

Đất cằn hóa vàng

Về xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn) hỏi thăm ông Nguyễn Văn Nam, 1 lão nông đang vác cuốc thăm ruộng vỗ đùi cái đét, nói ngay: “À, ông “Sao Thần nông” ấy mà. Trang trại chăn nuôi của ổng ở thôn Đông Bình, về đó hỏi thăm đến cả con nít cũng biết, nó to đùng ấy”.

Sau 1 tiếng chậc lưỡi, lão nông này lại nói: “Ban đầu thấy ổng làm, nông dân tụi tui ai cũng cho là ổng nổi cơn gàn thật sự rồi, chứ từ bên xã Nhơn Tân qua đây đổ tiền đầu tư chuồng trại kiểu ấy thì biết bao giờ mới lấy lại được đồng vốn, đó là chưa biết làm ăn có thuận buồm xuôi gió không. Ấy vậy mà ổng ăn nên làm ra thật sự, chỉ mới hơn 10 năm mà từ khó khăn ổng nhanh chóng đã trở thành người giàu có nhất vùng. Mỗi năm thu nhập bốn, năm trăm triệu đồng thì không giàu mới lạ”.

Còn ông Nam (1951) thì nói về con đường làm giàu của mình rất đơn giản: “Hình như cái chất nông dân đầy trong máu tui hay sao không biết mà từ nhỏ tui đã say mê chuyện ruộng vườn, chăn nuôi, đào ao thả cá. Lớn lên 1 chút tui có ngay ước mơ làm giàu ngay trên đồng đất quê hương mình. Ngặt nỗi là vùng quê bán sơn địa nên đất đai cằn cỗi, trồng cây gì cũng èo uột".

"Hồi đó tui nghiện đọc báo, xem ti vi lắm, chỉ là để học hỏi cách làm ăn. Năm 2000, qua các phương tiện thông tin đại chúng tui biết Chính phủ ban hành Nghị quyết số 03 khuyến khích phát triển trang trại, trong khi đó tại một số nơi trong tỉnh đang làm mạnh mô hình chăn nuôi gia công heo, gà công nghiệp cho Cty C.P (Thái Lan), tui hít liền. Sau khi bàn bạc với bà vợ, vét hết tiền dành dụm của gia đình, vay thêm bà con họ hàng, đi tìm nơi thuê đất đầu tư xây dựng chuồng trại, ký kết hợp đồng chăn nuôi với Cty C.P và bước vào cuộc làm ăn cho đến nay”, ông Nam nhớ lại.


Ông Nam đang chăm sóc đàn gà

Bằng niềm đam mê làm ăn lớn của ông Nam, vùng đất đồi gò hoang hóa tại thôn Đông Bình nhanh chóng trở thành vùng đất “đẻ” ra vàng. “Sở dĩ tui chọn vùng cằn khô đầy đá sỏi này để phát triển trang trại vì khu đất khá rộng rãi, lại cách ly với khu dân cư. Đây là điều kiện tốt nhất để phát triển trang trại theo quy mô khép kín. Chuyện chăn nuôi của mình không ảnh hưởng đến môi trường chung quanh, lại có khả năng cách ly dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm cao nên khi được chính quyền địa phương đồng ý giao đất là tui mừng đến run".

"Ngay sau đó tui tập trung bắt tay vào việc xây dựng cơ sở chuồng trại. Hiện nay, trang trại của tui được xây dựng theo quy mô khép kín, chuồng trại chăn nuôi gà, heo được xây dựng cách xa nhau để tránh lây lan dịch bệnh. Chất thải của đàn gia súc, gia cầm được tận dụng để nuôi cá, vừa tránh gây ô nhiễm môi trường, vừa cho mình thêm tiền”, ông Nam cho biết thêm.

Nhìn những dãy chuồng, trại bề thế, hiện đại của ông Nam được xây dựng trên vùng đất rộng 7 ha gồm các khu chăn nuôi gà, heo; khu chăn nuôi bò lai; khu chăn nuôi cá; khu trồng rừng, khu trồng mía... tôi nghĩ, ông Nam đã “trút” vào vùng đất này không ít tiền. Quả là như vậy, ông Nam xác nhận: “Từ năm 2000 đến nay, tui đã đầu tư cho trang trại này ngót nghét 10 tỷ đồng. Ngoài ra, hằng năm tui còn đầu tư trong chăn nuôi khoảng 12 tỷ”.


Đàn heo siêu nạc trong trang trại của ông Nam

Thế mới biết cái gan làm giàu của ông Nam lớn dường nào. Nhưng cũng đáng, bởi hiện nay, trang trại này hằng năm cho vào túi ông Nam món lãi ròng hơn 400 triệu đồng. “Riêng chăn nuôi gia công cho Cty C.P, mỗi lứa tui nuôi khoảng 9.000 con gà siêu thịt, mỗi năm nuôi 5 lứa; đàn heo 700 con/lứa, mỗi năm 2 lứa. Riêng khoản này tui thu lãi từ công ty là 350 triệu đồng. Ngoài ra, các khoảng trồng trọt, chăn nuôi còn lại tui có nguồn thu trên 50 triệu đồng/năm nữa”, ông Nam phấn khởi.

Trở thành “Sao Thần nông”

Với thành tích phát triển chăn nuôi đáng nể kể trên, năm 2010, ông Nguyễn Văn Nam là 1 trong số 34 nông dân trong toàn quốc vinh dự được nhận giải thưởng “Sao Thần nông”. Đây là giải thưởng dành cho những nông dân xuất sắc, đại diện cho hàng triệu nông dân trên cả nước bởi đã có sáng kiến, cách làm hay mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm giàu cho gia đình và đất nước. Giải thưởng nhằm tôn vinh những nông dân có thành tích đặc biệt trong thi đua SXKD giỏi, vượt khó làm giàu chính đáng và tích cực tham gia giúp đỡ cộng đồng xóa đói, giảm nghèo.


Ông Nguyễn Văn Nam nhận giải thưởng “Sao Thần nông”

Thành công của ông Nam đã khiến bà con trong địa phương “lác mắt”, rồi từ khâm phục tiến tới mạnh dạn học tập làm theo. Hiện nay, tại thôn Đông Bình đã có đến 15 hộ gia đình đầu tư phát triển trang trại để chăn nuôi gia công. Ai muốn học tập kinh nghiệm, ông Nam luôn sẵn sàng hướng dẫn. Cả thôn hiện đang nuôi đàn gà với khoảng 25.000 con/lứa, đàn heo 6.000 con/lứa. Mỗi năm thôn Đông Bình thu lãi từ việc chăn nuôi gia công trên 4 tỉ đồng. “Ngoài khoản thu nhập từ làm ăn, đây cũng là niềm vui lớn của tui bởi ngày càng có nhiều nông dân trong xóm cũng biết cách làm giàu như mình”, ông Nam nói.

+ “Mặc dù trong thời gian vừa qua giá heo, gà tuột thấp khiến người chăn nuôi khốn đốn, nhưng ông Nam vẫn ổn định tổng đàn heo và gà của mình nhờ được bao tiêu sản phẩm. Tháng 6 vừa rồi, ông Nam tiếp tục được chọn đi dự Hội nghị nông dân SX giỏi cấp TƯ”, ông Phan Hữu Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Thọ cho biết.

+ “Trong phát triển kinh tế trang trại, vốn là vấn đề quan trọng hàng đầu. Thế nhưng hiện nay người nông dân muốn vay được vốn không phải dễ, thủ tục vay còn rườm rà, số vốn vay giới hạn nên rất khó cho đầu tư phát triển. Mong sao, trong thời gian tới, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ hơn để người nông dân ngày càng có nhiều hơn cơ hội làm ăn để vươn lên làm giàu”, ông Nguyễn Văn Nam trăn trở.

Theo ông, sở dĩ ông chọn mô hình chăn nuôi gia công để phát triển vì đây là cách làm ăn theo mô hình liên kết giữa nông dân và DN, có sự cộng hưởng trách nhiệm từ 2 phía. Về phần nông dân, chịu trách nhiệm đầu tư cơ sở chuồng trại, công chăm sóc; còn phía DN cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm nông sản làm ra theo hợp đồng, đầu tư toàn bộ con giống, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật thú y…

Do vậy, người nông dân không đơn độc, nếu trong quá trình chăn nuôi có xảy ra bất trắc gì thì luôn được hỗ trợ kịp thời. Và sự lựa chọn của ông Nam đã cho thấy sự đúng đắn, bởi ông liên tục gặt hái thành công trong làm ăn. Lúc đầu, do áp dụng kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi chưa tốt, cộng với kinh nghiệm chưa có, nên đã có lúc ông Nam gặp thất bại. Thua keo này bày keo khác, ông Nam không nản chí. Vừa làm, ông vừa rút kinh nghiệm, tiếp tục tích lũy vốn để đầu tư mở rộng quy mô, dần dần hiện đại hóa trang trại và thành công đã đến.

“Theo tui, để làm kinh tế trang trại thành công đòi hỏi người nông dân phải dám nghĩ, dám làm; kiên trì, sáng tạo trong lao động, SX. Bên cạnh đó, người nông dân cũng phải nhạy bén với thị trường, biết nhìn nhận và đánh giá thị trường để làm ra các loại nông sản có giá trị cao", theo "Sao Thần nông".

"Một vấn đề nữa là các sản phẩm mình làm ra phải tìm được nơi tiêu thụ rõ ràng, có ký kết bao tiêu sản phẩm, mức giá sàn phù hợp nhằm tránh tình trạng “được mùa, mất giá” hoặc “mất mùa, mất giá”. Bởi lẽ, rủi ro thường xuyên trong lĩnh vực nông nghiệp là sự bấp bênh của giá cả. Nếu không có sự tính toán, khả năng dự báo thị trường tốt thì nguy cơ thất bại là rất cao”, ông Nam chia sẻ.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất