| Hotline: 0983.970.780

Sập cầu Thanh Trì: Đổ lỗi đi đâu?

Thứ Ba 20/04/2010 , 09:49 (GMT+7)

Sáng 19/4, CA Hà Nội đã tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ sập cầu cạn Pháp Vân, thuộc tiểu dự án cầu Thanh Trì và đường vành đai 3 Hà Nội.

Sáng 19/4, CA Hà Nội đã tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ sập cầu cạn Pháp Vân, thuộc tiểu dự án cầu Thanh Trì và đường vành đai 3 Hà Nội. Sự cố xảy ra tại nhịp 73, gói 3A, do Công ty cầu 7 Thăng Long, Tổng công ty xây dựng cầu Thăng Long thi công. Bốn trong số năm phiến dầm cầu đã gãy, thiệt hại ban đầu ước tính 600 triệu đồng.

>> Dầm cầu Pháp Vân đổ sập là do thanh chống
>> Gãy một nhịp đường dẫn lên cầu Thanh Trì-Hà Nội

Cho đến nay, chưa có kết luận cụ thể về nguyên nhân sập cầu nhưng phía Tổng Cty xây dựng Thăng Long đang tạm thời đưa ra giả thiết rằng trong quá trình chờ đổ bê tông, chịu tác động rung do nằm gần đường giao thông nên các thanh gỗ chống đỡ bị dịch chuyển, gây sập thanh dầm thứ tư nằm giữa, rồi tác động làm 3 dầm nằm ngoài đổ sập theo hiệu ứng domino.

Giả thiết này của phía đơn vị thi công đưa ra khó có thể chấp nhận vì trên thực tế khi được gác lên mố cầu, phần lớn các thanh dầm bê tông đều dùng chính trọng lượng của nó để cố định, nếu cần thiết hơn nữa sẽ phải dùng tới biện pháp khoan, giằng cố định chứ không thể trông chờ vào vài thanh chống gỗ.

Hơn nữa, trước khi xây dựng cầu phải đảm bảo thiết kế chịu tải, rung chấn trực tiếp cho hàng nghìn lượt xe tham gia cùng lúc giao thông không thể có một thiết kế nào cho cầu “tự sập” bởi những rung chấn từ xa, nơi ven quốc lộ. Được biết, những thanh dầm này dài 33m, cao 1,6 m. Bằng quan sát trực quan, trong số các thanh dầm bị sập, thanh ngoài cùng không bị gãy, chỉ cong và nứt, các thanh bên trong đều gãy ở giữa làm 2 đoạn, 4 đoạn. Với những đoạn đứt gãy này cần phải đặt giả thiết cốt thép trong những thanh dầm không chịu nổi trọng lượng của chính nó.

Vì vậy, điều dư luận quan tâm hiện nay là Tổng Cty xây dựng Thăng Long đã sử dụng loại thép nào và lõi thép có đảm bảo đúng các tiêu chuẩn kĩ thuật trong thiết kế hay không? Hiện Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long, nhà thầu, tư vấn giám sát khẩn trương tập trung khắc phục sự cố, xác định nguyên nhân và nhanh chóng báo cáo Bộ.

Xung quanh sự cố này, ông Đỗ Quang Minh, Giám đốc dự án cầu cạn Pháp Vân (Thuộc Ban quản lý dự án Thăng Long - Bộ GTVT) đã có cuộc trả lời PV NNVN:

- Thưa ông, hiện nay đã xác định được nguyên nhân vụ việc chưa?

Chúng tôi đang mời Hội đồng nghiệm thu nhà nước xuống kiểm tra tìm nguyên nhân. Theo tôi, khả năng do dầm ngang chưa thi công xong. Dầm ngang là cái để giữ yên vị trí dầm dọc. Dầm dọc dài 33 mét có 5 dầm ngang. Đáng ra việc lắp dầm dọc xong thì phải làm dầm ngang luôn, nhưng thi công hai công đoạn này không đồng thời. 

- Có ý kiến cho rằng, Cty Cầu 7 chỉ đặt dầm dọc còn việc dầm ngang không phải của họ?

Cái này thuộc về Tổng Cty Thăng Long; chúng tôi không xem xét trách nhiệm của Cty cầu 7.

- Quy định bao nhiêu lâu thì đặt dầm ngang sau khi đã hoàn thành dầm dọc, thưa ông?

Công an cũng hỏi chúng tôi nhưng hiện không có quy định nào. Nhưng phương án thi công phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Đáng ra, ngay sau khi lắp dầm dọc xong thì phải làm dầm ngang ngay. Nếu không làm đồng thời thì một vài ngày sau cũng phải làm ngay chứ không thể để lâu được. Trong khi đó, dầm dọc được gác lên từ tháng 12 nhưng đến nay vẫn chưa làm dầm ngang.

- Những vấn đề này Ban quản lý dự án đã từng nhắc nhở nhà thầu chưa?

Có nhắc nhở nhiều lần, nhắc cả tổng giám đốc Tổng Cty Thăng Long. Họ có nghe và đồng ý ngay, nhưng thực hiện lại không nhanh lắm.

- Vậy trách nhiệm khắc phục sự cố này thuộc về ai, thưa ông?

Đơn vị thi công mà cụ thể là Tổng Công ty xây dựng Thăng Long phải chịu trách nhiệm. Họ phải làm bù 4 dầm ngay lập tức. Kể cả việc dầm đã được nghiệm thu, nhà thầu vẫn phải làm lại.

- Nhiều người cho rằng có hiện tượng rút vật liệu các thanh dầm. Theo ông, có khả năng này không?

Qua khảo sát sơ bộ thấy không có hiện tượng rút cốt thép. Tuy nhiên, chúng tôi đã cấp hồ sơ thiết kế cho công an để kiểm tra.

-Liệu khi hoàn thành xong việc khắc phục, công trình có an toàn?

Tôi cho rằng hoàn toàn yên tâm.  

 - Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.