| Hotline: 0983.970.780

Sáp nhập các BQL rừng phòng hộ, cuộc 'hôn phối' gượng ép

Thứ Hai 28/03/2016 , 09:10 (GMT+7)

Sáp nhập 2 BQL rừng phòng hộ Mù Cang Chải, Trạm Tấu và một phần bộ máy lâm trường Văn Chấn thành BQL rừng tỉnh Yên Bái. Việc sáp nhập này được ví là cuộc “hôn phối” gượng ép.

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch 40/KH-UBND ngày 11/3/2016 về Cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, công chức và thực hiện tinh giản biên chế trong các các cơ quan hành chính, sự nghiệp cấp tỉnh. Trong đó sáp nhập 2 BQL rừng phòng hộ Mù Cang Chải, Trạm Tấu và một phần bộ máy lâm trường Văn Chấn thành BQL rừng tỉnh Yên Bái. Việc sáp nhập này được ví là cuộc “hôn phối” gượng ép.

Tỉnh Yên Bái có hai BQL rừng phòng hộ Mù Cang Chải và Trạm Tấu đóng trên hai huyện vùng cao nơi đầu nguồn sông Đà và Ngòi Thia. Ban QLR phòng hộ Mù Cang Chải được thành lập trên cơ sở Lâm trường Púng Luông, hiện đang quản lý 50.042 ha rừng và đất rừng. Trong đó có 48.279,6 ha rừng, diện tích rừng trồng 14.737 ha, rừng tự nhiên 32.041 ha, rừng mới trồng chăm sóc năm 2-3 là 1.550 ha.

Rừng Mù Cang Chải cung cấp nguồn nước cho hệ thống bậc thang thủy điện Mường Kim, Hồ Bốn, Khau Mang thượng, Khau Mang hạ tổng công suất 81,5MW, thủy điện La Pán Tẩn hiện đang trong quá trình khảo sát. Ngoài ra rừng Mù Cang Chải bổ sung nguồn nước không nhỏ cho thủy điện Huội Quảng nằm trên địa phận tỉnh Lai Châu và thủy điện Ngòi Hút 1 và 2 nằm trên địa phận huyện Văn Yên.

Ban QLR phòng hộ Trạm Tấu quản lý 49.304,1 ha rừng và đất rừng, trong có 25.307,1 ha rừng tự nhiên, 7.843,9 ha rừng trồng. Rừng Trạm Tấu cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện Nậm Đông 3-4, Hát Lừu, Loong Phai, Nậm Tăng 3 và Văn Chấn tổng công suất khoảng 100MW, trong đó thủy điện Văn Chấn 57 MW. Các khu rừng đó còn cung cấp nước cho cánh Mường Lò vựa lúa thứ nhì vùng Tây Bắc.

Trải qua 40 năm, những cánh rừng Mù Cang Chải, Trạm Tấu hiện đang xanh tốt góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế, phòng thủ quốc gia và giúp người dân nơi đây có cuộc sống ngày càng no ấm hơn.

08-59-39_1
Rừng Trạm Tấu cung cấp nguồn nước chủ yếu cho cánh đồng Mường Lò và nhiều nhà máy thủy điện Văn Chấn, Loong Phai, Nậm Tăng…

Lâm trường Văn Chấn hiện đang quản lý 6.042 ha, trong đó rừng và đất rừng 6.038 ha, bao gồm rừng tự nhiên 5.567,6 ha, rừng trồng 311,2 ha, đất chưa thành rừng 159,3 ha. Hiện lâm trường chủ yếu bảo vệ rừng, nguồn sống của lâm trường là tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, năm 2015 được 950 triệu. Lâm trường Văn Chấn sáp nhập với Ban QLR phòng hộ Mù Cang Chải là hợp lý nhất. Bởi rừng của lâm trường liền kề với rừng Mù Cang Chải lại nằm trên trục quốc lộ 32, cách xa nhau 40 km.

Hàng năm các khu rừng của hai Ban QLR phòng hộ vào mùa khô thường xảy ra cháy rừng, do tập quán canh tác đốt nương làm rẫy để lửa bén vào rừng, hoặc do những phần tử cố tình đốt nhằm phá hoại hay làm bãi chăn thả đã khiến hàng trăm ha rừng bị thiêu rụi. Mùa khô 2014-2015 vụ cháy rừng trồng phòng hộ xảy ra đêm 18/3/2015 tại thôn Cang Chi Khúa, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu làm thiệt hai 122,3 ha rừng thông từ 4-15 tuổi.

08-59-39_2
Rừng tái sinh phòng hộ Mù Cang Chải

Mùa khô 2015-2016 huyện Mù Cang Chải liên tục xảy ra cháy rừng trồng và rừng tự nhiên tái sinh. Vụ cháy rừng trồng ngày 9/3/2016 tại tiểu khu 340 khoảnh 13, 16 thuộc bản Háng Cơ Pua, xã Púng Luông thiêu rụi 50 ha rừng thông 20 năm tuổi, vụ cháy rừng ngày 18/3/2016 tại thôn Tu San, xã Nậm Có thiệt hại trên 50 ha rừng trồng và rừng tái sinh, vụ cháy ngày 22/3 xảy ra tại khoảnh 2 và 7 tiểu khu 339 bản Kẻ Cả, xã Chế Tạo nằm trong Khu bảo tồn loài, sinh cảnh Mù Cang Chải đã thiêu rụi khoảng 50 ha rừng tự nhiên.

Tiếp đến ngày 23/3 vụ cháy rừng trồng và rừng tái sinh xã Lao Chải, diện tích cháy chưa được thống kê, nhưng theo ước tính thiệt hại trên dưới 30-40 ha. Tổng diện tích rừng Mù Cang Chải bị cháy năm 2016 thống kê đến ngày 24/3 khoảng 200 ha. Thủ phạm đốt rừng Háng Cơ Bua đã bị bắt là Giàng A Sử, sinh năm 1988, còn thủ phạm 4 vụ đốt rừng: Tu San, Kẻ Cả, Kháu Nhà và Lao Chải đến nay vẫn chưa lộ diện.

Huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu cách nhau trên 100km nên việc tỉnh Yên Bái sáp nhập 2 Ban QLR phòng hộ và một phần rừng lâm trường Văn Chấn thành Ban QLR tỉnh Yên Bái không chỉ gượng ép, có tính cơ học rất phi thực tế.

08-59-39_4
Người dân Mù Cang Chải thu hoạch thảo quả từ rừng

Trải qua 40 năm hai Ban QLR rất ổn định, họ đã giao từng m2 rừng cho từng hộ dân bảo vệ, chăm sóc. Điều đó đã hạn chế những vụ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào vào mùa khô. Khi cháy rừng xảy ra toàn bộ Ban QLR đều lên rừng chữa cháy.

Nay Ban QLR tỉnh Yên Bái lại đặt chung chiêng ở huyện Văn Chấn trên vị trí lâm trường Văn Chấn thuộc xã Nậm Púng cách Mù Cang Chải 60 km, cách Trạm Tấu gần 70km chưa kể các khu rừng nằm xa vài chục cây số đường rừng vô cùng khó khăn. Khi cháy rừng xảy ra thì Ban QLR Yên Bái sẽ xử lý như thế nào, khi mà họ ở xa rừng, xa dân? Đấy là chưa kể các hoạt động trồng rừng, chăm sóc rừng, ký hợp đồng giao đất, giao rừng cho người dân… sẽ ra sao?

Mặc dù trong kế hoạch thành lập Trạm tiểu khu Mù Cang Chải và Trạm Tấu đặt ở hai huyện, nhưng hai trạm này không có tiếng nói và vai trò quyết định để giải quyết các mối quan hệ với chính quyền địa phương và người dân.

08-59-39_5
Thủy điện Mường Kim nằm trên đất Mù Cang Chải

Ngoài ra số cán bộ của hai Ban QLR ở hai huyện lại phải di chuyển tới địa điểm mới cách xa mấy chục cây số, hàng loạt vấn đề về nhà cửa, gia đình… không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai, cuộc sống của họ sẽ vô cùng khó khăn.

Việc sáp nhập phải căn cứ vào tình hình thực tế các đơn vị sao cho phù hợp, không gây ra sự xáo trộn mà nâng cao được sức mạnh sau khi sáp nhập. Việc sáp nhập hai Ban QLR chỉ giảm được đầu mối đơn vị sự nghiệp, chưa giảm được biên chế, nhất là không tạo ra sức mạnh cho việc bảo vệ và phát triển rừng. Khi mà chủ rừng nằm xa rừng, xa dân thì hệ lụy thật khó lường. Đó là hệ quả của cuộc “hôn phối” gượng ép mà tỉnh Yên Bái cần phải xem xét lại việc làm này.

 

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất