| Hotline: 0983.970.780

Sáp nhật bộ máy ngành NN-PTNT: Bài học Quảng Ninh

Thứ Sáu 16/11/2018 , 14:35 (GMT+7)

Một năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh đã sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tạo sự đồng thuận và đạt hiệu quả công việc cao.

Chuyển giao, sáp nhập cho các địa phương

Đảo Hà Nam (TX Quảng Yên) có cao độ bình quân thấp hơn mực nước triều cường khoảng 1,5 - 2m, nên khi có sự cố về đê điều, đảo luôn được đặt trong tình trạng báo động cấp vô cùng nguy hiểm. Bởi vậy, đê Hà Nam được Trung ương đặc cách là đê cấp 3 và đây cũng là tuyến đê cấp 3 duy nhất trên địa bàn tỉnh. 

13-32-49_thuy_sn
Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của nông nghiệp Quảng Ninh

Ngoài ra, trước đây, tình trạng vi phạm về xây dựng lấn chiếm đê, xe ô tô tải trọng cao ngang nhiên chạy trên đê vẫn thường diễn ra đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới kết cấu, độ an toàn của công trình. Theo đánh giá của Hạt Quản lý đê Quảng Yên, từ năm 2011, khi cơ đê hình thành tuyến đường thì các xe phục vụ công trình dự án thường sử dụng cung đường này để vận chuyển vật liệu.

Giữa năm 2018, Sở NN-PTNT Quảng Ninh quyết định chuyển giao Hạt Quản lý đê về trực thuộc UBND TX Quảng Yên để chính quyền thống nhất quản lý, vận hành một cách hiệu quả. Từ đó, các kiểm sát viên của Hạt thường xuyên phối hợp với các xã, phường tổ chức tuyên truyền, vận động những hộ dân sống quanh đê không lấn chiếm hành lang an toàn đê, xử lý dứt điểm xây dựng công trình nhà cửa vi phạm Luật Đê điều. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tham mưu thị xã đầu tư đúc và lắp đặt lại các biển báo trọng tải tại các điểm xung yếu, xây các mố ngăn xe quá khổ, quá tải đi qua đê.

Để đảm bảo an toàn cho tuyến đê này, thời gian qua, Hạt Quản lý đê Quảng Yên đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, lụt bão, đảm bảo an toàn hệ thống đê. Hạt đã tham mưu UBND TX sớm hoàn thành công tác tu bổ đê kè, cống và các công trình phục vụ phòng chống lụt bão theo kế hoạch. Hạt cũng chủ động xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho dân cư sống ở khu vực nguy hiểm, sát mép đê khi có bão. Mặc dù cán bộ, nhân viên của Hạt chỉ có 4 người nhưng đơn vị rất nỗ lực, phối hợp chặt chẽ cùng các xã, phường nơi có tuyến đê đi qua tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện sự cố về đê điều và các công trình thuỷ lợi. 

Ông Lê Văn Tuân, kiểm sát viên của Hạt chia sẻ: Việc xô sạt đê có thể xảy ra bất ngờ cho nên với vai trò kiểm sát viên, chúng tôi thường xuyên đi tuần tra, xem xét. Bằng kinh nghiệm, cùng với chuyên môn sâu về thủy lợi, kiểm sát viên có thể nhìn con nước lên xuống, căn cứ vào độ ngậm phù sa để đoán biết nước nông hay sâu, các hiện tượng, nguy cơ xói lở... để kịp thời báo cáo, xử lý. Công tác chuẩn bị vật tư thiết yếu để phòng chống lụt bão cũng được đơn vị thực hiện một cách đầy đủ. Hiện tại kho của Hạt Quản lý đê Quảng Yên đã dự trữ trên 2.000 rọ thép, hơn 13.300 bao tải, 2.100m2 bạt chắn sóng; hơn 9.700m3 đá hộc và các công cụ khác.

Với các phương án đồng bộ được Hạt Quản lý đê Quảng Yên triển khai đã góp phần đảm bảo an toàn cho tuyến đê Hà Nam, giảm thiểu mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và hoa màu trong mùa mưa bão.

Không chỉ có Hạt Quản lý đê Quảng Yên được chuyển giao, 1 năm qua, ngành NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã chuyển giao, sáp nhập các trạm bảo vệ thực vật, trạm thú y, trạm khuyến nông về các địa phương và thành lập trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập ở 13/14 huyện, TX, TP; Hoàn thành đề án chuyển một bộ phận thuộc Chi cục Phát triển nông thôn trùng chức năng, nhiệm vụ với Ban Xây dựng nông thôn mới về Ban Xây dựng nông thôn mới từ 1/6/2018.

Giảm 8 phòng thuộc 6 Chi cục do sắp xếp các phòng chuyên môn thuộc chi cục theo hướng rõ chức năng, giảm đầu mối, mỗi chi cục có không quá 3 phòng trực thuộc.

Theo ông Nguyễn Hữu Giang, GĐ Sở NN-PTNT Quảng Ninh, riêng đối với các đơn vị sự nghiệp, tỉnh chuyển đổi mô hình hoạt động của 5 đơn vị sự nghiệp từ hưởng ngân sách nhà nước sang mô hình tự chủ 100% kinh phí hoạt động và 1 đơn vị còn lại tự chủ từ 30% kinh phí hoạt động, trong đó, Trung tâm Tư vấn và Kiểm định chất lượng công trình xây dựng nông nghiệp đã chuyển sang Cty cổ phần từ 1/7/2018; 3 đơn vị đang trong quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động, thực hiện công tác cổ phần hóa đơn vị, lộ trình cổ phần hóa theo kế hoạch của UBND tỉnh.

“Chúng tôi cũng chỉ đạo Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự án đầu tư công trình xây dựng cấp nước sạch nông thôn thuộc Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn dựa trên kết quả đầu ra vay vốn Ngân hàng Thế giới để hoàn thành việc giải thể Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn trong năm 2019”, ông Giang cho hay.
 

Giảm 100/470 biên chế công chức

Theo ông Giang, việc tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế phù hợp với chủ trương của Đảng, yêu cầu cải cách hành chính và đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn của ngành NN-PTNT Quảng Ninh về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ, tinh gọn, hiệu quả.

Ngoài ra, việc này còn nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong hoạt động cũng như trong công tác quản lý tổ chức, cán bộ và sử dụng kinh phí hoạt động.

"Tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn ngành; giúp cho cán bộ, công chức, viên chức không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả công tác đáp ứng tiêu chuẩn, chức danh vị trí đảm nhiệm; ý thức trách nhiệm công vụ được nâng lên; bảo đảm nền hành chính công hoạt động ngày càng hiệu quả, tinh gọn”, ông Giang nói.

Cũng theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp Quảng Ninh, việc sáp nhập, chuyển giao một số đầu mối về địa phương cũng giúp tiết kiệm được ngân sách nhà nước để đầu tư cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện tuyển dụng được đội ngũ cán bộ chất lượng cao ngày một đáp ứng tốt hơn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành và của tỉnh.

Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, cụ thể, một số cán bộ, công chức, viên chức thuộc các phòng chuyên môn, các cơ quan, đơn vị trực thuộc có tâm lý lo lắng, nếu không làm tốt công tác tư tưởng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác; đặc biệt là cán bộ lãnh đạo các phòng, chi cục, đơn vị sự nghiệp nằm trong diện phải giải thể, sáp nhập hoặc chuyển đổi mô hình, số lượng cấp phó thừa, việc bố trí đội ngũ cán bộ này gặp khó khăn.

Ông Giang cho biết: “Số lượng biên chế công chức giảm nhiều, tính đến năm 2018 giảm 100/470 biên chế công chức. Thế nhưng, nếu giảm nhiều nữa thì sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là Chi cục Kiểm lâm (giảm 50 biên chế công chức)".

Để đảm bảo vừa triển khai tinh giản biên chế nhưng các đơn vị vẫn có đủ biên chế thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, hiện Sở NN-PTNT Quảng Ninh đang đề nghị UBND tỉnh xem xét lại việc giảm biên chế công chức từ năm 2019 đến năm 2021 theo tỷ lệ 5,5% so với năm 2018.

“Nếu tiếp tục giảm biên chế công chức từ năm 2019 đến năm 2021 theo tỷ lệ 5,5% so với năm 2018 (tương đương giảm thêm 20 công chức); tính từ năm 2017 đến năm 2021, Sở NN-PTNT giảm 120/470 biên chế công chức (chiếm 25,53%) sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao của Sở”, ông Giang cho hay.

Tại nhiều tỉnh đồng bằng sông Hồng, qua trao đổi với lãnh đạo một số Sở NN-PTNT, câu chuyện sáp nhập các đơn vị trong ngành cũng được bàn luận khá nhiều.

Đa số các ý kiến đồng tình việc nhập các chi cục, trung tâm, phòng, ban trực thuộc Sở NN-PTNT; nhập các trạm huyện (vốn thuộc các chi cục của tỉnh)... vào nhau. Nhưng nhập như thế nào, khi nào nhập; vai trò, nhiệm vụ, chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành của các đơn vị sau sáp nhập ra sao; cơ chế hoạt động, báo cáo công việc với cấp trên và các cơ quan cùng cấp... như thế nào luôn là những câu hỏi được đưa ra bàn bạc, xới xáo, cân nhấc.

Nhiều đơn vị nhập cơ học vào nhau bước đầu chỉ giảm đầu mối, chứ chưa giảm biên chế được ai, người đơn vị cũ ngó nghiêng người đơn vị mới, không khí làm việc nặng nề. Vài ba đơn vị cùng cấp sáp nhập làm một, anh nào làm trưởng, anh nào xuống làm phó cũng không hề đơn giản.

Vì vậy mới có tình trạng, có ông chi cục trưởng, trưởng phòng thuộc Sở NN-PTNT, ông trạm trưởng cấp huyện khi cấp trên yêu cầu sáp nhập cứ chùng chình không muốn làm ngay, chờ về hưu để cố giữ cái ghế cấp trưởng... Vài ba ông trưởng còn yêu cầu: Nhập gì thì nhập, nhập đâu thì nhập, nhưng phải giữ cho tôi cái hệ số lãnh đạo như cũ.

 

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.