| Hotline: 0983.970.780

Sắp nở rộ ứng dụng robot trong nông nghiệp

Thứ Ba 14/05/2019 , 09:00 (GMT+7)

Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp khối G20 với thông điệp kêu gọi thúc đẩy nông nghiệp toàn cầu bền vững bằng trí tuệ nhân tạo, robot và máy bay không người lái.

Robot ba lô- sáng chế của Đại học Nông nghiệp Tokyo

Các đại biểu đồng thời tăng cường hợp tác giữa nông dân, các doanh nghiệp phi nông nghiệp và các viện nghiên cứu mới có thể giải được bài toán nuôi sống dân số thế giới trong tương lai.

Hội nghị vừa kết thúc tại Nhật Bản, quy tụ 20 vị Bộ trưởng Nông nghiệp khối G20 gồm Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, đại diện EU, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Nam Phi, Nga, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ.

Tờ Japantimes dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản Takamori Yoshikawa, sự kiện thường niên năm nay đã khẳng định tầm quan trọng  của việc khuyến khích phát minh mới trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến, bao gồm các công nghệ thông tin và truyền thông mới nhất như trí tuệ nhân tạo (AI) và robot.

Robot sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến nền sản xuất nông nghiệp trong tương lai gần
Ngoài máy kéo không người lái tự hành, tại sự kiện triển lãm bên lề hội nghị còn trưng bày máy bay không người lái để theo dõi cây trồng, robot hái cà chua và “robot ba lô”, giúp người mang có thể dễ dàng thao tác không có cảm giác bị đau lưng. Nhờ trọng lượng siêu nhẹ và gắn 8 động cơ, robot balo gắn 16 cảm biến  giúp người già có thể dễ dàng thu hoạch cà chua, khoai tây. Dự tính ba năm nữa loại rô bốt này sẽ được bán rộng rãi trên thị trường với giá từ 5.000- 10.000 USD.

Theo ước tính của tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO), dân số thế giới hiện đã đạt 7,7 tỷ người và dự đoán sẽ đạt mốc 9,8 tỷ vào năm 2050.

Theo ông Yoshikawa, Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với nghịch lý cấp bách trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cụ thể là sức ép suy giảm dân số cũng như sự lão hóa ngày một tăng là những nguyên nhân gây thiếu hụt lực lượng lao động.

Bên lề hội nghị, các công ty công nghệ đã giới thiệu hàng loạt sáng kiến ​​ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao như  như máy kéo tự hành và máy bay không người lái giám sát mùa màng.

Ngay ở bên ngoài hội trường lớn, nước chủ nhà đã thiết lập những màn hình trình chiếu các công nghệ phần cứng và phần mềm ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Robot tự động hóa có khả năng phân loại cà chua để thu hái

Trong tuyên bố chung của hội nghị, các Bộ trưởng lưu ý, việc đánh mất đa dạng sinh học là một trong những thách thức lớn của nhân loại khiến nền nông nghiệp bị tổn thương cũng như bày tỏ sự quan ngại đặc biệt về biến đổi khí hậu. Do vậy, để giúp người nông dân giảm thiểu thiệt hại mùa màng do thiên tai thì việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh trong dự báo, bao gồm phần mềm cho phép truy cập nhanh hơn, dễ dàng hơn vào dữ liệu thời tiết mới nhất phải được khuyến khích.

Ngoài ra, một vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu và đặc biệt quan trọng đối với nước chủ nhà là làm thế nào để thu hút những người trẻ tuổi tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp. Tại cuộc họp báo hôm 12/5,  ông Luis Miguel Etcheveherearge, đại biểu đến từ Argentina cho biết, chính những nền tảng công nghệ mới sẽ là động lực để thu hút giới trẻ tham gia và nó là điểm mấu chốt và thị trường mở là chìa khóa của vấn đề.

“Nếu bạn muốn thấy những người trẻ tuổi làm nông nghiệp, trước hết nó phải sinh lời. Tóm lại, để có lợi nhuận, các sản phẩm nông nghiệp trên toàn thế giới phải được tiếp cận thị trường”, ông Luis khẳng định.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.