| Hotline: 0983.970.780

Sắp thoát đời bán ngập

Thứ Năm 13/01/2011 , 10:03 (GMT+7)

Hàng ngàn hộ dân đang kỳ vọng dự án bố trí ổn định dân cư vùng bán ngập Hồ Núi Cốc sẽ làm thay đổi cuộc sống bấp bênh của họ.

Chính phủ đã đồng ý cho tỉnh Thái Nguyên thực hiện dự án bố trí ổn định dân cư vùng bán ngập Hồ Núi Cốc. Hàng ngàn hộ dân đang kỳ vọng dự án sẽ làm thay đổi cuộc sống bấp bênh của họ trong cả một thập kỷ qua.

Cuộc sống khổ cực

Năm 1971, công trình đại thủy nông Hồ Núi Cốc được phê duyệt xây dựng, bao gồm 1 đập chính, 7 đập phụ, 2 tràn xả lũ, mực nước lũ theo thiết kế ở cao trình 48,25, mực nước dâng bình thường ở cao trình 46,2, nhằm cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt của tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang.

Với ý nghĩa to lớn này, gần 1.000 hộ dân thuộc các xã sống trong vùng lòng hồ đã hy sinh quyền lợi cá nhân, bỏ lại ruộng vườn, di dời nhà cửa để bàn giao mặt bằng chuyển đến nơi ở mới. Nhưng tại nơi ở mới, cuộc sống của người dân di cư không phát triển được, đất đai cằn cỗi, không thể trồng trọt, chăn nuôi, trong khi đó mực nước hồ mới chỉ ở mức 42,6. Vậy là một số hộ dân đã quay lại mảnh đất của mình. Ban đầu chỉ có vài chục hộ, nay đã tăng lên hàng trăm hộ.

Đến năm 2000, Chính phủ tiếp tục đầu tư 20 tỷ đồng để xây dựng tràn xả lũ số 2, nâng mực nước dự trữ lên đúng thiết kế là 46,2m. Vì vậy, số nhà cửa và ruộng đất của nhân dân vùng bán ngập trước đây nay đã bị ngập hoàn toàn vào thời gian dự trữ nước của Hồ Núi Cốc (từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau). Không có ruộng đất canh tác, người dân chỉ biết trông chờ vào nghề đánh bắt cá ven hồ, đi làm thuê, làm mướn ở vùng khác, thậm chí một số người đã chặt phá rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc để bán kiếm tiền. 

Loay hoay trong cảnh ngập ruộng vườn, nhà cửa vài tháng một năm, các hộ dân trong vùng bán ngập còn bị “mang tiếng” là lấn chiếm lòng hồ. Đất còn, nhà cửa vẫn còn, cộng thêm những khó khăn ở vùng di dân khiến hàng trăm hộ dân lại dắt díu nhau trở lại nơi họ đã phải di dời để nhường cho hồ tích nước. Nhiều năm trôi qua, những thế hệ sau tiếp tục sống và canh tác trên diện tích đất do ông bà, cha mẹ để lại - vốn là phần đất phục vụ công trình thủy lợi Hồ Núi Cốc. Những phần đất đó lại được chính quyền địa phương ở thời điểm đó cấp sổ đỏ. Chính vì lẽ đó, người dân sống ở lòng hồ càng yên tâm an cư lạc nghiệp hơn.

Như anh Trần Văn Dự ở xóm Tiến Thành 3, xã Bình Thuận cùng hai anh trai được thừa hưởng trên 1.000m2 đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do bố là ông Trần Phúc Khang để lại. Cả gia đình sống dựa vào canh tác nông nghiệp: trồng chè, trồng lúa. “Nhưng đến giờ thì quả thực là không chịu nổi rồi anh ạ” - chị Vũ Thị Tường, vợ anh Dự tỏ vẻ chán nản. Khi hồ tích nước, căn nhà của gia đình chị bị ngập đến hơn nửa mét. Trên tường nhà còn nguyên vết nước ngấm lâu ngày. Sống chung với ngập, gia đình đã đổ đất nâng cao vườn tược, phía ngoài xây kè ngăn nước, hiện tại ngôi nhà cấp 4 thường xuyên bị ngập cũng đang được đập bỏ để đổ đất nâng nền xây nhà mới. 

Xã Vạn Thọ (huyện Đại Từ) là xã có số ruộng bị ngập nhiều nhất, toàn xã có 870 hộ thì có tới 257 hộ nghèo. 4 xóm vùng bán ngập (xóm 7, 8, 9, 10) có tỷ lệ hộ nghèo rất cao chiếm tới 70%. Bình quân lương thực của vùng lòng hồ bị ảnh hưởng nghiêm trọng chỉ đạt từ 160-190kg/người/năm, tình trạng thiếu ăn diễn ra thường xuyên. 

Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Đại Từ, cho biết trong vùng bán ngập, có hộ nghèo đủ các tiêu chuẩn được hỗ trợ theo Quyết định 167 song vẫn không xây được nhà. Cơ sở hạ tầng của vùng này cũng không được đầu tư trong nhiều năm. Hiện nay 98,36% đường thôn xóm là đường đất đã xuống cấp; 472 hộ không được dùng điện lưới (chiếm 4,5% tổng số hộ); số hộ dùng nước giếng khoan chỉ chiếm 25%.

Theo thống kê của các ngành chức năng đến hết tháng 3/2010, từ cao trình 48,25m trở xuống có 2.682 hộ sử dụng đất bán ngập với 11.553 khẩu sống ở 8 xã bị ảnh hưởng. Trong đó có 176 hộ nhà ở bị ngập thường xuyên (ở dưới cao trình 46,2m); 537 hộ có nhà ở bị ngập 15 đến 20 ngày/năm (ở từ cao trình 46,2m đến cao trình 48,25m); 1.969 hộ bị ngập 30 - 40% đất sản xuất.

Mở ra tương lai

Trước thực tế đó, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng dự án đầu tư di dân vùng bán ngập hồ Núi Cốc. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 287 tỷ đồng từ nguồn ngân sách với mục tiêu là lập phương án bố trí, ổn định dân cư vùng bị ảnh hưởng trên cơ sở quy hoạch lại sản xuất vùng bán ngập và hỗ trợ các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu. Dự kiến, giai đoạn 2011 - 2012, dự án bố trí ổn định chỗ ở và sản xuất cho 713 hộ. Giai đoạn 2013 - 2015, dự án tiếp tục hỗ trợ hạ tầng và sản xuất để ổn định tại chỗ cho 1.969 hộ. Ngày 01/11/2010, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã ký quyết định đồng ý cho tỉnh Thái Nguyên thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Đình Văn, cán bộ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, cho biết nếu dự án được thực hiện 362 hộ sẽ được di chuyển TĐC, trong đó 176 hộ bị ngập nhà (dưới cao trình 46,2m) và 186 hộ bị bán ngập (nằm giữa cao trình 46,2m đến 48,25m). 2.320 hộ sẽ được ổn định tại chỗ. Dự án thực hiện lại quy hoạch sản xuất, khai thác thế mạnh của vùng về thuỷ sản, quy hoạch thêm 108,9ha mặt nước đưa vào nuôi trồng thuỷ sản (phương án 1) hoặc quy hoạch thêm 92ha đất lúa sản xuất bấp bênh sang nuôi trồng thuỷ sản (phương án 2), thu hút khoảng 1.000 - 1.200 lao động chuyển nuôi trồng thuỷ sản.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.