| Hotline: 0983.970.780

Sắp xếp, đổi mới DNNN: Trọng trách nằm trên vai lãnh đạo doanh nghiệp

Thứ Hai 14/02/2011 , 10:10 (GMT+7)

* 71/74 Tập đoàn, TCty, Cty thành viên đã được sắp xếp lại hoạt động

Cuối tuần qua, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác sắp xếp, đổi mới DN năm 2010 và phương hướng nhiệm vụ năm 2011. Bên cạnh những kết quả rất khả quan đã đạt được trong năm 2010, những tồn tại, vướng mắc trong quá trình sắp xếp, đổi mới DN cũng đã được đề cập thẳng thắn tại hội nghị.

Tăng trưởng mạnh sau cổ phần hóa

Thực hiện Nghị định số 25/2010 của Chính phủ về chuyển đổi Cty nhà nước thành Cty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Cty TNHH 1TV) và tổ chức quản lí Cty TNHH 1TV do nhà nước làm chủ sở hữu, Bộ NN-PTNT đã đôn đốc, chỉ đạo các TCty, Cty thành viên tiến hành xây dựng đề án, kế hoạch, thời gian thực hiện. Đầu năm 2010, tổng số Cty thuộc Bộ chưa được sắp xếp chuyển đổi còn 74 đơn vị gồm 16 Cty mẹ và 58 Cty thành viên.

Sau một năm triển khai Bộ đã thẩm định và ra quyết định chuyển đổi 45 đơn vị thành Cty TNHH 1TV; giải thể Cty Xây lắp và Tư vấn đầu tư mía đường là đơn vị phức tạp đã kéo dài nhiều năm mới giải quyết được. Đối với 4 Cty mẹ của Tập đoàn và TCty 91 do Thủ tướng CP quyết định phê duyệt Bộ cũng đã tổ chức góp ý Đề án chuyển đổi và Thẩm định Điều lệ trình Thủ tướng; 4 đơn vị sáp nhập của TCty Cà phê được Thủ tướng ủy quyền Hội đồng quản trị TCty quyết định và TCty đã quyết định xong.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su cũng đã chuyển đổi xong và 17 đơn vị trực thuộc tuy đang trong lộ trình chuyển đổi nhưng hầu hết đã chuyển sang hoạt động theo luật doanh nghiệp. Hiện có 2 doanh nghiệp thuộc TCty Dâu tằm tơ còn tồn tại vướng mắc đang có quyết định đình chỉ phá sản và đã được tiến hành thủ tục cơ cấu lại DN. Như vậy toàn bộ đã sắp xếp được 71/74 đơn vị, chỉ còn 3 đơn vị chưa sắp xếp được là Cty mẹ và 2 Cty thành viên của TCty Dâu tằm tơ.

Đồng thời với việc thực hiện đổi mới sắp xếp lại, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trực thuộc Bộ đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Mặc dù bối cảnh kinh tế năm 2010 diễn biến phức tạp, chỉ số giá tiêu dùng trong nước tăng nhưng hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của tập đoàn và các TCty đều tăng: Vốn chủ sở hữu tăng 13%, doanh thu tăng 50%, lợi nhuận sau thuế đạt 8635 tỉ tăng 69%. Lỗ lũy kế giảm 39%. Thu nhập bình quân đạt 6,1 triệu đồng, tăng 52%. Các khoản nộp ngân sách đạt 4629 tỉ đồng. Đặc biệt có thể nói năm 2010 là năm kinh doanh thành đạt đối với Tập đoàn Cao su với doanh thu đạt 25.642 tỉ đồng (tăng 74%), lợi nhuận sau thuế đạt 5.980 tỉ đồng (tăng 97%), và nộp ngân sách tới 2.344 tỉ đồng, chiếm 50% tổng số ngân sách các đơn vị thuộc Bộ nộp về. 

Tương tự, các DN ngành lương thực như TCty Lương thực miền Bắc, TCty Lương thực miền Nam cũng vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, vừa gia tăng giá trị sản xuất kinh doanh đem lại lợi nhuận từ 700 – 1.000 tỉ đồng. Các đơn vị còn lại như TCty Cà phê, mía đường, chăn nuôi, lâm nghiệp… cũng đều kinh doanh có lãi. Ngay cả DN khó khăn như TCty Chè, nợ trả quá hạn tới 40 tỉ đồng và luôn trong hoàn cảnh thiếu vốn lưu động nhưng trong năm qua cũng đã khắc phục được tình trạng kinh doanh thua lỗ, đã giảm 24,8 tỉ đồng nợ phải trả quá hạn và lãi 200 triệu đồng. 

Vẫn còn vướng mắc

 Theo ông Phạm Quốc Doanh – Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Văn phòng Chính phủ, với việc thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại 71/74 DN, hiện Bộ NN-PTNT đang đứng thứ 2 trong các Bộ ngành về cổ phần hóa DN. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới các đơn vị vẫn còn gặp nhiều hạn chế, một số DN phát sinh vấn đề phức tạp khi quyết toán vốn nhà nước lần II như: Cty Thương mại lâm sản Hà Nội, Cty Tư vấn và Đầu tư kĩ thuật cơ điện, Cty Mía đường Nông Cống… Mỗi đơn vị, mỗi đặc thù lại nảy sinh những vấn đề khác nhau cần giải quyết. Như trường hợp 2 đơn vị trực thuộc TCT Cơ điện Xây dựng NN&TL, ông Lê Văn An – TGĐ cho rằng khó khăn duy nhất là xác định giá trị lợi thế địa lí của đất.

Chỉ cần dứt điểm vấn đề này là đơn vị sẽ hoàn thành xong việc cổ phần hóa. Còn vấn đề của Tập đoàn Công nghiệp Cao su, theo ông Lê Quang Thung là ở chỗ xác định nguồn vốn còn bất cập. Đặc thù của ngành cao su phải đầu tư vùng sâu, vùng xa, phải thực hiện nhiệm vụ chính trị đảm bảo công ăn việc làm cho bà con dân tộc, miền núi chứ không thuần túy là làm kinh tế nhưng quy định nguồn vốn điều lệ chỉ là 30%, tỉ lệ vốn vay lên tới 70% như vậy nảy sinh nghịch lí là có tiền nhưng lại phải vay vốn chịu lãi suất dẫn tới gặp khó khăn. Do vậy ông Thung đề nghị Chính phủ đổi tỉ lệ 70% vốn điều lệ và 30% vốn vay.

Việc thông qua Hội đồng quản trị tại TCty trực tiếp giám sát cũng còn bộc lộ một số tồn tại dẫn đền chưa kịp thời phát hiện những yếu kém trong hệ thống quản lí của TCty. Do quy định về mối quan hệ làm việc, phân cấp giữa Hội đồng quản trị và Ban điều hành một số TCty chưa rõ dễ dẫn đến chồng chéo trong chỉ đạo, làm giảm hiệu quả quản lí của doanh nghiệp. Phát biểu về vấn đề này, ông Trần Đức Sinh – Chủ tịch HĐQT TCty Lâm nghiệp VN cho rằng ngoài việc tách bạch chức danh CTHĐ QT và TGĐ cần đặt trọng tâm vào đại diện quản lí vốn. Để nâng cao hiệu quả kinh doanh, cần phải tiến hành kiểm tra rà soát định kì nguồn vốn sở hữu nhà nước tại các đơn vị khác. Để làm việc này chúng ta có chức danh Kiểm soát viên nhưng: “Đây là chức danh mới, hiện các Kiểm soát viên vẫn không biết mình phải làm gì”, vì vậy, cần có hướng dẫn cụ thể hoạt động cho chức danh Kiểm soát viên. Nhìn chung từng khó khăn của các tập đoàn, TCty đều được lãnh đạo Bộ xem xét, đánh giá kĩ lưỡng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng vướng mắc về tỉ lệ vốn phần nhiều do các tập đoàn, các TCty không lường trước, trong quá trình đóng góp ý kiến trình Chính phủ. Về đánh giá giá trị lợi thế địa lí của đất Bộ cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, Thành phố trên cả nước để sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, xác định giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế địa lí nhằm sử dụng có hiệu quả tài sản đất. Tính đến T6/2010, đã giải quyết trên 50 trường hợp tại TP HCM và TPHN và hiện đang tiếp tục xem xét giải quyết.

Việc cổ phần hóa DN đã được thực hiện trong hàng chục năm, thời gian đó liên tục nảy sinh những khó khăn phức tạp. Không thể một sớm một chiều giải quyết mọi vấn đề nhưng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát nhiệm vụ cổ phần hóa cũng như bảo toàn, phát triển nguồn vốn sở hữu nhà nước là trọng trách đặt trên vai mỗi lãnh đạo doanh nghiệp, đòi hỏi phải phát huy tối đa năng lực điều hành của mỗi người.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.