| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 12/10/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 12/10/2017

Sắp xếp tinh gọn bộ máy phải thực chất!

Chuyện 5 ban quản lý dự án của Hà Nội sau sắp xếp, với gần cả ngàn người nhưng hoạt động kém hiệu quả, phải xin ngân sách để trả lương, là ví dụ cho thấy việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế thiếu thực chất.

19-06-22_le_cong_bo_quyet_dinh_thnh_lp_5_bn_qun_ly_du_n_cu_thnh_pho_h_noi_su_khi_sp_nhp_26_bqld

Cuối năm 2016, theo báo cáo, TP Hà Nội đã hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy 22 sở và tương đương nên lãnh đạo cấp sở và cấp phòng, ban trực thuộc đã tinh gọn hơn trước, giảm được 46/204 phòng với tỷ lệ giảm 22,5%.

Về bộ máy các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ngành TP giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị, tương ứng 30,2%.

Kết quả sắp xếp lại và hợp nhất thành 5 ban quản lý dự án (BQLDA) từ 26 ban trước đây, đã giảm 73/108 phòng, đạt tỷ lệ 67,6%; giảm 177/308 lãnh đạo trưởng, phó đơn vị, trưởng phó phòng, đạt tỷ lệ 57,5%; giảm được 7/23 trụ sở làm việc với tỷ lệ 30,4%.

Thế nhưng thực chất và hiệu quả của các việc sắp xếp này thì sao? Việc sáp nhập 26 BQLDA thành 5 BQLDA, trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài sản.

Thành ra, tổng số cán bộ của 5 ban lên tới 984 người, trong đó có 5 công chức, 706 viên chức và 273 lao động hợp đồng. Hoạt động của các “siêu” ban này thì vẫn kém hiệu quả. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Hà Nội, tính đến cuối tháng 8/2017, số giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017 chỉ đạt 1/4. Đa số các ban đều trong tình trạng duy trì hoạt động hoặc dự kiến phải ứng ngân sách để chi lương. Nguyên nhân quan trọng nhất là bởi số lượng cán bộ, người lao động nhiều hơn so với khối lượng công việc tương ứng số lượng dự án, kế hoạch vốn được giao trong chính các “siêu ban” này.

Như vậy, những cách thức sắp xếp tổ chức bộ máy làm việc như hiện nay của TP Hà Nội  thì không hề giảm được số biên chế, số nhân sự, mà chỉ là thuần túy ghép các đầu mối làm việc, chỉ “thay tên, đổi họ”. Và thực chất của việc “tinh gọn số lượng lãnh đạo” chỉ là bỏ chức danh, thôi không điều hành, còn lương thì vẫn thế. Vậy nên số lượng nhân sự vẫn thế, số cán bộ tinh giản thì không được bao nhiêu, và được lý giải là vì không phải họ không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định để tinh giản, nên hầu hết chỉ chuyển sang bộ phận khác chứ không thể cho thôi việc(!)

Đã đến lúc, cần phải đánh giá hiệu suất lao động thực sự của mỗi người thông qua việc xác định định lượng công việc để đánh giá, rồi sàng lọc, kiên quyết với nguyên tắc ai không đạt hiệu quả thì chuyển đi làm việc khác, nơi khác hoặc cho nghỉ. Nếu không, việc sắp xếp tinh gọn bộ máy làm việc, giảm biên chế, nhân sự như đang diễn ra, sẽ không thể hiệu quả vì không thực chất, và sẽ chỉ là sự “sắp xếp tinh gọn” nửa vời, là trò chơi “tung hứng” với các con số đẹp đẽ và thơm phức mà thôi.

Bình luận mới nhất