| Hotline: 0983.970.780

Sạt lở dọc sông Lam: 52 hộ dân tại xã Hưng Hòa kêu cứu

Thứ Ba 14/08/2012 , 11:15 (GMT+7)

Tại hiện trường, chúng tôi chứng kiến một dải bờ đất cao đến ngang tầm ngực dài khoảng 100 mét nằm phía trên của xóm Đà Lam bị xói lở ngổn ngang đang phơi mình bên mép nước đục ngầu.

Thấy tôi ghé vào phòng, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB tỉnh Nghệ An liền hỏi: Anh có bận gì không, đi với tôi xuống xóm Đà Lam, xã Hưng Hoà (TP Vinh, Nghệ An) xem thực hư việc sạt lở đất ở đó xem sao! Ông Thương, xóm trưởng gọi điện lên đây kêu cứu liên tục.

Tại hiện trường, chúng tôi chứng kiến một dải bờ đất cao đến ngang tầm ngực dài khoảng 100 mét nằm phía trên của xóm Đà Lam bị xói lở ngổn ngang đang phơi mình bên mép nước đục ngầu. Ông Hiếu bảo tôi đi về phía xóm dân cư xem sao.

Thấy chúng tôi ghé vào kiểm tra điểm sạt lở phía dưới những rặng tre, hóp đã bị bạt rễ, đổ nghiêng xuống mép nước, bà Nguyễn Thị Tiến, 67 tuổi, trú tại xóm Đà Lam liền cho biết: Nhà tôi chỉ cách mép nước khoảng 2,5 mét nên sợ lắm. Nếu không có dãy tre, hóp chắn phía mép sông, chắc ít hôm nữa căn nhà này cũng sạt xuống sông Lam. Tôi có 5 đứa con thì tất cả đều phải vào Nam kiếm ăn, giờ chỉ còn hai vợ chồng già nên đêm đến không sao chợp mắt được. Cứ lo ngay ngáy là có ngày sẽ bị nước cuốn về biển Đông lúc nào không biết!


Khu vực bờ đất bị sạt lở

Ông Đậu Xuân Thương, xóm trưởng, cho biết: Xóm Đà Lam nằm phía ngoài đê sông Lam (nơi rộng nhất khoảng 200 mét, nơi hẹp nhất khoảng 90 mét). Cả xóm có 52 hộ dân với 195 nhân khẩu, chủ yếu làm nghề đánh bắt cá, thu nhập thấp nên bà con ở đây cơ bản nghèo. Chuyện sạt lở đất, sạt lở nhà là nỗi lo lắng thấp thỏm thường trực của mọi người. Năm 2007, nhờ được UBND thành phố hỗ trợ 26 tấn xi măng, UBND xã hỗ trợ đá nên bà con trong xóm tự đóng góp công sức, tiền mua cát xây kè được 256 mét chạy dọc mép sông của xóm.

Do công trình dân tự làm, kinh phí quá ít, không có thiết kế khoa học lại chỉ cao khoảng 1 mét nên đến năm 2011, gió Nam thổi mạnh, sóng nước sông Lam làm lộ móng kè, đợt mưa lũ năm ngoái gây sạt, đổ mất 1/3 diện tích được kè. Năm nay, mới có vài đợt gió Nam thổi mạnh nước sông Lam lại tiếp tục làm sạt thêm khoảng 100 mét nữa. Riêng phần đất chưa được kè tiếp tục bị xói lở mất khoảng 2-3 mét. Cả dãy tre gai, hóp nằm phía mép sông hàng chục năm nay cũng bật gốc, đổ nghiêng xuống mặt nước. Bà con trong xóm vì thế càng thêm lo lắng, ăn không ngon, ngủ chẳng yên...


Kè dân tự làm bị sạt xuống sông Lam

Bà Đậu Thị Năm, 51 tuổi, thấy chúng tôi đang kiểm tra dọc theo bờ kè, lên tiếng: Nhà tôi nằm cách bờ kè khoảng 5 mét nên càng lo ngay ngáy. Để tránh bị sạt lở thêm, hàng ngày, mỗi khi thuỷ triều rút là mọi người lại rủ nhau ra móc đá đã bị nước cuốn ra bờ sông đưa vào đắp thêm phần móng bờ kè khổ lắm! Tỉnh và các Bộ, ngành TW có cách gì giúp bà con với.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết: Thực ra, lượng kinh phí cần để kè cho cả tuyến sạt lở dọc xóm Đà Lam này cũng không nhiều, chỉ gói gọn trong phạm vi tối thiểu 3 - 4 tỷ đồng (500 mét) và tối đa 6 - 7 tỷ đồng (gần 1 km). Biết rằng theo thứ tự ưu tiên của Nhà nước thì kinh phí dùng để kè chống sạt lở cho các cụm dân cư là ưu tiên thứ 2, nhưng vào thời điểm này (năm 2012), việc xin nguồn vốn TW để kè cho xóm Đà Lam, xã Hưng Hoà, TP Vinh là rất khó. Nguồn kinh phí trong năm đã cấp hết. Nếu xin ngân sách địa phương cũng rất khó, phải chờ sang năm 2013, nhưng nhiều lắm UBND tỉnh cũng chỉ cấp được khoảng 1 tỷ đồng. Số tiền ít ỏi như vậy mà làm sẽ vừa không có hiệu quả vừa không đảm bảo ổn định lâu dài cho bà con...


Rặng tre gai bị sạt trượt xuống mép sông

"Giải pháp trước mắt để giúp bà con là trong một vài ngày tới, chúng tôi sẽ dẫn đoàn JICA của Nhật Bản đang làm việc tại Nghệ An xuống thực địa. Nếu họ đồng ý thì phía Nhật Bản sẽ cấp kinh phí để triển khai kè. Nếu không được họ đồng ý thì đành phải chờ sang năm 2013 làm các hồ sơ thủ tục, trình liên bộ: Bộ Kế hoạch & Đầu tư - Tài chính - NN&PTNT để cử đoàn công tác về kiểm tra để cấp vốn...", theo ông Hiếu.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.