| Hotline: 0983.970.780

Sắt son nghề dệt chiếu

Thứ Năm 15/03/2012 , 09:50 (GMT+7)

Nghề này tuy thu nhập không cao nhưng không vất vả dầm mưa dãi nắng, không đòi hỏi thời gian lao động...

Thôn Công Thạnh, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) có hơn 20 ha đất nhiễm phèn nặng, không thể canh tác các loại cây lương thực nào khác ngoài cây lát. Cũng chính nhờ cây lát đã giúp người dân nơi đây có nghề dệt chiếu.

Chúng tôi đến thôn Công Thạnh thấy bạt ngàn cây lát được bà con phơi bên lề đường, hầu như nhà nào cũng có từ 1- 2 khung dệt. Hộ có sẵn ruộng trồng lát thì có nguồn thu cao hơn người làm gia công hoặc mua nguyên liệu các nơi về dệt. Hiện nay, thôn Công Thạnh có hơn 400 khung dệt thủ công và 13 máy dệt chiếu công nghiệp.

Công suất dệt bằng máy nhanh gấp 4 lần dệt tay. Sản phẩm của hai cách dệt đều cho chất lượng và giá thành như nhau. Chiếu của làng hiện nay được tiêu thụ khắp vùng và lên tận Tây Nguyên. Trung bình mỗi năm, nơi đây SX và bán ra thị trường khoảng từ 700- 800 ngàn mét vuông chiếu, giải quyết cho hơn 500 lao động nông nhàn của địa phương, tăng thêm nguồn thu nhập đáng kể. Nếu thợ giỏi trung bình hàng ngày với hai công lao động phụ, họ có thể làm được từ 2,5 đến 3 đôi chiếu. Sau khi trừ chi phí cho thu nhập từ 30.000-50.000 đ/người.

Theo cụ Ngô Tường (80 tuổi) cho hay, từ khi mới lên 20 tuổi đã có nghề dệt chiếu. Nghe các bậc cao niên trong thôn nói lại là nghề dệt chiếu này có thể có nguồn gốc từ thôn Chương Hoà (Hoài Châu Bắc) ngày nay. Nghề dệt chiếu Công Thạnh vẫn SX theo lối truyền thống. Nhiều người già như bà Huỳnh Thị Tính (78 tuổi), Phạm Thị Pha (75 tuổi)… vẫn còn đam mê với nghề.

"Nghề này tuy thu nhập không cao nhưng không vất vả dầm mưa dãi nắng; không đòi hỏi thời gian lao động; các thành viên trong gia đình đều có thể dệt được. Nhờ thuận lợi vậy nên nên thu nhập chung cho cả gia đình cũng tương đối ổn định. Đặc biệt, lớp người cao tuổi của làng vẫn sắt son với nghề dệt chiếu. Hàng chục người dệt cao niên đều có chung suy nghĩ "ông cha ngày xưa cũng sống chết với nghề, chúng tôi hôm nay cũng thế". Có như vậy con cháu mới theo gương giữ lấy nghề tổ", ông Tường bộc bạch.

Điều đáng quan tâm, hầu như tất cả bà con trong thôn đều dệt bằng tay nên năng suất và hiệu quả kinh tế còn thấp. Sản phẩm chiếu dệt làm ra chủ yếu là dạng trơn (chưa có công đoạn in hoa văn) đầu ra cho sản phẩm không ổn định chỉ dựa vào các chủ nậu nên giá thành hạ, đôi khi người dệt còn bị ép giá. Theo cụ Tường, làng nghề hiện nay chủ yếu dệt 4 loại chiếu từ 0,8 đến 1,6 mét, giá cả khoảng 50.000 đ/đôi (loại 1,6 mét) và 20.000 đ/đôi (loại 0,8 mét).

Điều đáng phấn khởi là Công Thạnh đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống, được các cấp, các ngành và địa phương cùng hỗ trợ xây dựng con đường trong thôn có tổng chiều dài trên 1,1km với kinh phí gần 1 tỷ đồng, giúp cho bà con thuận lợi hơn trong đi lại, giao thương...

Xem thêm
Sản xuất tôm giống nước lợ đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi

NINH THUẬN Năm 2023, cả nước có 2.270 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, sản lượng đạt 153 tỷ con, đáp ứng đủ cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.