| Hotline: 0983.970.780

Sau 53 năm, Nhật hoàng Akihito cùng hoàng hậu trở lại Ấn Độ

Thứ Năm 02/03/2017 , 14:13 (GMT+7)

53 năm là quãng thời gian có thể thay đổi mọi thứ, từ tâm lý dân tộc, sắp xếp quyền lực hay chính sách ngoại giao. Và sau 53 năm, Nhật hoàng Akihito cùng hoàng hậu trở lại Ấn Độ.

Lần đầu, họ tới đây với tư cách Hoàng thái tử và công chúa Nhật Bản. Nhưng theo tiến sỹ Sreeram Chaulia, chuyến thăm 6 ngày của Nhật hoàng, diễn ra cuối năm 2013, hoàn toàn làm thay đổi thế giới.

Vị giáo sư đến từ Trường Quan hệ quốc tế Jindal, Ấn Độ, viết trên trang Russia Today rằng: “Ấn Độ ngày nay khác xa Ấn Độ thời Thủ tướng Jawaharlal Nehru, người thân chinh có mặt tại sân bay Delhi vào năm 1960 khi cặp đôi mới cưới, Hoàng thái tử Akihito và công chúa Michiko bước xuống thang máy bay”.

Lần này cũng vậy. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tới tận sân bay quân sự ở New Delhi để đón Nhật hoàng, như một động thái đặc biệt, phá bỏ các quy ước ngoại giao thông thường. Nhưng Ấn Độ ngày nay có vai trò to lớn trên trường quốc tế hơn thời đại của Nehru.
 

Một Ấn Độ khác

Ở thời điểm 1960, cho dù chào đón nồng hậu vợ chồng Hoàng thái tử Nhật Bản, Ấn Độ khó có thể bác bỏ thực tế rằng Nhật là một quốc gia đồng minh của Mỹ, và Ấn Độ với tư cách là một quốc gia thuộc Phong trào Không liên kết khó có thể hợp tác sâu rộng với quốc gia này. 5 thập kỷ sau đó, Nhật vẫn là trụ cột quan trọng trong khối liên minh của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

nht-hong-n-do-216054346
Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko lên đường thăm Ấn Độ, cuối năm 2013
 

Nhưng Ấn Độ cũng đã thay đổi âm thầm, đặc biệt từ thời điểm bước sang thiên niên kỷ mới. Vị trí trung tâm của Nhật Bản trong chiến lược địa chính trị của phương Tây không còn là hàng rào ngăn cản việc xây dựng một mối quan hệ “đối tác chiến lược” giữa New Delhi và Tokyo.

Tính đến thời điểm đó, Ấn Độ đã công nhận khoảng 20 quốc gia là “đối tác chiến lược” (bao gồm Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Iran, Hàn Quốc, Australia và Mỹ). Trong số này có cả những đối thủ chiến lược tiềm tàng, khiến ý niệm “chiến lược” đôi khi gây ra cảm giác mơ hồ. Nhưng Nhật Bản đã nhanh chóng leo lên hàng đầu trong danh sách đối tác chiến lược của Ấn Độ.

Trong bối cảnh ấy, chuyến thăm của Nhật hoàng Akihito bắn đi một tín hiệu rất rõ ràng từ chính giới Nhật Bản rằng Ấn Độ là một phần sống còn trong chiến lược của Tokyo ở châu Á.

Với lời mời còn đang hiệu lực từ gần 50 nước, lý do Nhật hoàng chọn đến thăm Ấn Độ trước rõ ràng là hiện thực hóa mong muốn làm sâu sắc thêm mối bang giao giữa hai nước của Thủ tướng Shinzo Abe, hơn nữa còn ở cấp độ tinh thần cao nhất.

Bởi Nhật hoàng là giáo chủ Thần đạo, quốc giáo Nhật Bản và ông là người đại diện nhà nước. Nhật hoàng đại diện cho người dân Nhật nhiều hơn là chính phủ. Đại sứ quán Nhật Bản ở New Delhi nhấn mạnh rằng “hoàng đế đại diện nhân dân Nhật, và chuyến thăm của ngài là để củng cố mối quan hệ giữa hai dân tộc, giữa nhân dân hai nước”.

Cần nhớ rằng New Delhi đã mời Nhật hoàng qua thăm từ cả một thập kỷ trước, nhưng chỉ khi Thủ tướng Shinzo Abe, người rất nóng lòng muốn xích lại gần Ấn Độ lên nắm quyền, chuyến thăm mới trở thành hiện thực.

Ông Abe sẽ là khách quan trọng trong dịp Ấn Độ kỷ niệm Ngày Cộng hòa vào tháng 1/2014. Chuyến đi của Nhật hoàng, lãnh đạo tinh thần của Nhật Bản, vì thế sẽ mở đường cho lãnh đạo chính phủ bước các bước tiếp theo trong chiến lược tăng cường quan hệ đối tác với Ấn Độ.
 

Các mục tiêu lớn

Kinh tế là yếu tố quan trọng trong mối bang giao Nhật-Ấn. Bằng chứng là viện trợ và đầu tư từ Nhật Bản trong lĩnh vực phát triển và hạ tầng đứng đầu ở Ấn Độ. Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko đã tới thăm thành phố Chennai phía nam Ấn Độ, nhằm ủng hộ một số lượng lớn các nhà sản xuất ô tô, điện tử và chế biến thực phẩm Nhật Bản đang làm ăn ở đây.

nht-hong-ndo160543155
Chuyến đi của vợ chồng Nhật hoàng đã mở ra cơ hội hợp tác Nhật-Ấn

 

Theo tờ Economic Times của Ấn Độ, chỉ tính riêng bang Tamil Nadu với thủ phủ Chennai đã có 360 công ty Nhật Bản với hơn 700 công dân Nhật đang đầu tư, làm ăn. Tăng trưởng thương mại Nhật - Ấn tại thời điểm ấy đã đạt con số 18,5 tỷ USD/năm.

Động lực cho mối quan hệ kinh tế giữa New Delhi và Tokyo còn phải kể đến những rắc rối mà các nhà đầu tư Nhật Bản gặp phải trên thị trường Trung Quốc do những bất đồng chính trị giữa hai nước và tinh thần chống Nhật dâng cao trong dân chúng Trung Quốc, bắt nguồn từ các tranh chấp lãnh thổ.

Mức lương trung bình ở Trung Quốc tăng lên cũng khiến quốc gia này kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư Nhật Bản nếu so với các quốc gia thuộc khối ASEAN hay Ấn Độ.

Một yếu tố khác cũng cực kỳ quan trọng: Cả Ấn Độ lẫn Nhật Bản đều có những xung đột về lãnh thổ với Trung Quốc trong khi Bắc Kinh ngày càng tỏ ra tự tin và quả quyết hơn. Cần nhắc lại rằng ở thời điểm đó, truyền thông thế giới đang ầm ĩ về cái gọi là “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và những chồng lấn đầy nguy cơ của ADIZ với không phận của Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Nhật sẵn sàng giúp đỡ Ấn Độ về an ninh hàng hải thông qua việc cung cấp các thủy phi cơ tân tiến. Thường xuyên tập trận hải quân chung với hải lộ từ ngoài khơi vịnh Bengal tới biển Hoa Đông cũng là dấu hiệu cho thấy hai bên ngày càng “khăng khít” ra sao.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất