| Hotline: 0983.970.780

Sâu bệnh tấn công vựa cây ăn trái

Thứ Hai 20/02/2017 , 07:15 (GMT+7)

Từ trước và sau Tết Nguyên đán, hàng loạt diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xuất hiện sâu, bệnh hại. Do diễn biến thời tiết bất thường, xuất hiện những trận mưa trái mùa kéo dài khiến một số nơi thiệt hại 100% diện tích…

Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, trước và sau tết có gần 60% diện tích xoài và 50% diện tích điều bị ảnh hưởng. Ngoài ra, 100% diện tích chôm chôm và 20% diện tích sầu riêng ra đọt non vì mưa trái mùa.
 

Nhà vườn thấp thỏm

Như mọi năm, thời điểm này các vườn điều, chôm chôm, xoài… ra đầy quả, một số nơi đã có trái thu hoạch. Tuy nhiên, năm nay cây điều ra bông khá muộn và tỷ lệ bông không cao hoặc ngay từ khi ra đọt non đã bị cháy khô. Nhiều vườn điều ở các huyện Định Quán, Xuân Lộc, Thống Nhất, Cẩm Mỹ… đều ra lộc thay bông. 


Những vườn chôm chôm ra đọt non
 

Ông Phan Chinh, Chủ nhiệm CLB Điều năng suất cao (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) cho biết: “Hiện 100% diện tích điều ở Xuân Lộc bị hư hại, cả hoa và đọt non đều cháy khô. Mặc dù nhà vườn đã tập trung xử lý, phun xịt nhiều loại thuốc nhưng cũng chỉ mong cứu cây, giảm thiệt hại cho vụ sau chứ vụ này xem như hết hi vọng rồi!”.

Theo ông Chinh, chủ yếu diện tích điều trồng trên vùng đất đồi nên việc đảm bảo nguồn nước và chi phí thuê nhân công phun thuốc gặp nhiều khó khăn. Thậm chí nhiều nơi “khát” nhân công phun xịt thuốc vào dịp cao điểm dịch hại. Do vậy, cây điều càng tăng bệnh, nhất là sau những cơn mưa trái mùa, bệnh thán thư tấn công mạnh vào tế bào non, nếu không kịp thời phun thuốc thì cây có thể đã bị nhiễm bệnh.

Có mặt tại TX Long Khánh, chúng tôi chứng kiến rất nhiều vườn chôm chôm đang ra đọt non vì những trận mưa trái mùa vừa qua khiến dự định sẽ thu hoạch sớm vụ trái “ăn” giá cao của nhà vườn bất thành. Theo nhận định của Trạm Khuyến nông TX Long Khánh, mùa thu hoạch chính vụ của chôm chôm, sầu riêng năm nay sẽ trễ hơn khoảng 2 - 3 tháng so với mọi năm...

Chị Hồ Thị Diễm Trang ở ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất than vãn: “Mọi năm, thời điểm nay vườn chôm chôm của gia đình tôi đã ra đầy bông và đến tháng 5, tháng 6 là cho thu hoạch rồi. Vậy mà năm nay ngóng hoài bây giờ cây mới ra đọt non thì sẽ trễ vụ thu hoạch, sâu bệnh nhiều vì dính mùa mưa, năng suất giảm hoặc có thể sẽ thất mùa”.

16-49-03_nh-2-nh-vuon-lo-lng-mu-vu-tre-tht-mu
Nhà vườn lo lắng bị thất mùa
 

Gia đình chị Trang có trên 100 gốc chôm chôm trên diện tích 1ha, lúc này 100% cây đang ra đọt non. Kế bên là vườm chôm chôm của gia đình anh Hồ Quốc Trung, do bị sâu bệnh nhiều, giảm năng suất, thậm chí có năm không cho thu hoạch khiến anh phải đốn bớt 3 sào chôm chôm bệnh để chuyển sang trồng bưởi da xanh với hi vọng thay đổi cơ cấu cây trồng sẽ cắt được nguồn bệnh lây lan.
 

Sâu bệnh tăng đột biến

Ghi nhận của chúng tôi, huyện Thống Nhất cũng đang là “vùng trọng điểm” sâu bệnh tấn công trên các vườn cây trái sau những trận mưa trái mùa vừa qua. Nhiều nhà vườn trồng điều, chôm chôm, xoài, bơ… đang gồng mình phun xịt, xử lý cứu vườn cây. Tuy nhiên, các loại dịch hại, sâu bệnh vẫn gia tăng từng ngày khiến nông dân chán nản.

Anh Nguyễn Thanh Phước, GĐ HTX Ca cao Thống Nhất lo lắng: “Năm nay tỉ lệ và mật độ sâu róm đỏ tăng gấp nhiều lần so với mọi năm, có đến hàng trăm ổ sâu róm/ha. Bọ xít muỗi cũng gia tăng đột biến hút khô các đọt điều non, khiến các vườn điều nay cháy khô như vườn… củi, rất thảm hại. Phần lớn cũng do người dân quá chủ quan, nghỉ tết sớm mà không chịu chăm sóc xử lý vườn thời điểm giáp tết (giai đoạn quan trọng) khiến sâu bệnh càng tấn công mạnh".

16-49-03_nh-3-nh-vuon-don-bo-vuon-chom-chom-benh
Các nhà vườn đốn bỏ vườn chôm chôm bệnh
 

Theo Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, toàn tỉnh ước tính có gần 20.000ha điều bị khô bông, rụng trái và bị nhiễm thán thư, bọ xít muỗi phá hại. Đồng thời, diện tích xoài bị khô bông, rụng trái vào khoảng 6.914ha, trong đó gần 700ha xoài bị nhiễm thán thư và các loại sâu bệnh gây hại. Có trên 11.000ha chôm chôm và 800ha sầu riêng đang thời điểm vào vụ ra hoa, đậu trái non, nhưng hiện nay lại đang đua nhau ra đọt non...

Tương tự, tại huyện Xuân Lộc cũng có trên 1.800ha các loại cây trồng (xoài, tiêu, điều, thanh long, cà phê) bị nhiễm bệnh. Trong đó, có trên 780ha cây hồ tiêu đang đối mặt với các bệnh chết nhanh, chết chậm, rệp sáp, tuyến trùng…

Theo bà Trịnh Thị Dịu, Trưởng Trạm BVTV Xuân Lộc - Long Khánh: “Qua theo dõi thực tế của chúng tôi, do diễn biến thời tiết khí hậu khiến tình hình các đối tượng sâu bệnh đã xuất hiện và phát triển đột biến hơn so với những năm trước. Cụ thể như trên cây điều, bọ xít muỗi và bọ trĩ hại bông điều đang tăng mạnh. Hay sâu bệnh trên cây sầu riêng cũng đang gia tăng hơn nhiều năm trước”.

Theo bà Dịu, năm nay có nhuận tháng 6 âm lịch cùng với tình hình thời tiết ngày càng khó lường nên nông dân càng phải theo dõi sát sao. Với những vườn chôm chôm ra lá non chưa nhiều, nông dân có thể thu gom lá khô hun khói dưới gốc vào sáng sớm để kích thích giai đoạn phân hóa mầm hoa của cây.

Ông Nguyễn Thế Bảo, Chủ nhiệm HTX Xoài Suối Lớn (Xuân Lộc) cho biết, do ảnh hưởng thời tiết, mưa trái mùa nên bị mất mùa liên tục, thậm chí đến nay xoài đã ra bông đến lần thứ tư nhưng vẫn bị hư tới 90% diện tích cây không đậu trái. Nhiều nhà vườn trồng xoài bị thiệt hại nặng, vì xử lý không kịp khi diễn biến thời tiết quá bất thường như vậy.

"Nhà vườn xử lý ra hoa cho cây xoài hay một số loại cây ăn trái khác gặp nhiều khó khăn vì diễn biến thời tiết thất thường. Hơn nữa, do nông dân “ép” xoài ra hoa đậu trái quá mức, dẫn đến cây bị còi cọc, sức chịu đựng kém dần càng tạo điều kiện cho sâu bệnh tấn công mạnh", ông Bảo nói.

Kinh nghiệm của ông Bảo cho thấy, đối với cây xoài, những vườn bị cháy hoặc không ra hoa trong dịp tết vừa qua thì bà con không nên kích ra hoa vào vụ tháng 5 - 6 vì vụ thu hoạch này chi phí đầu tư cao, giá xoài lại thường giảm mạnh vì “đụng mùa” xoài ngoại từ Thái Lan và Campuchia nhập về. Ngoài ra, từ tháng 4 - 6 là đợt cao điểm của dịch hại ruồi vàng. Nông dân nên tập trung chăm sóc gốc, cành để dưỡng cây cho mùa thu hoạch năm sau.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Dồn lực tiêm vacxin phòng bệnh dại trên chó, mèo

Trước diễn biến bệnh dại trên người có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra văn bản chỉ đạo đảm bảo tỷ lệ tiêm vacxin đạt trên 80% tổng đàn chó, mèo.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất