| Hotline: 0983.970.780

Sau gia súc đến lượt cá chết rét

Thứ Tư 19/01/2011 , 09:36 (GMT+7)

Nhiều chủ ao đầm thủy sản tại miền Bắc đang tái tê lòng bởi cá sắp sửa thu hoạch phục vụ dịp Tết Nguyên đán đang chết rét kín mặt đầm như vãi trấu.

Nhiều chủ ao đầm thủy sản tại miền Bắc đang tái tê lòng bởi cá sắp sửa thu hoạch phục vụ dịp Tết Nguyên đán đang chết rét kín mặt đầm như vãi trấu.  

Dưới cái rét 7-8 độ C như chích vào da thịt, nhưng dọc theo vùng nuôi thủy sản trọng điểm ven sông Hồng thuộc các huyện Mê Linh (Hà Nội), Yên Lạc, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), nhiều chủ đầm vẫn cắn răng lội đầm kéo cá “chạy rét”. Tại khu vực đầm nuôi thủy sản ngoài đê sông Hồng thuộc xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội), cá chết rét nổi kín mặt nước, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều chủ đầm phải đốt lửa sưởi ấm, tranh thủ nướng cá ăn lót dạ để khẩn cấp kéo cá bán nếu không muốn thấy cá chết rét.

Anh Ngô Văn Diệp, chủ đầm cá ở xã Tráng Việt mặt tím tái vì rét, bê rổ cá rô phi đã chết cứng đơ vừa vớt dưới đầm lên đổ vào thùng cho một chủ buôn, lập bập cho biết: “Mất hết cả rồi chú ạ! Rô phi to cỡ 4-5 lạng nếu còn sống bán giá không dưới 25 nghìn/kg. Bây giờ thì chết sạch rồi, bán đổ bán tháo giá 7-8 nghìn đồng/kg chẳng ma nào mua. Còn rô phi cỡ bé bị chết rét thì chỉ có tranh thủ vớt lên lúc còn tươi, bán cho người nuôi lợn giá 2-3 nghìn đồng/kg chứ biết đổ đi đâu”.

Giọng chua xót, anh Diệp kể thêm: Khu đầm ngoài đê rộng 80 hecta này do anh và gia đình người em gái đấu thầu của UBND xã với giá 100 triệu đồng/năm để thả các loại cá như trắm, chép, rô phi, cá chim... Hầu hết cá được thả từ tháng 7/2010, hiện đã lớn từ 1,2 – 1,5kg và dự tính bán vào dịp Tết Nguyên đán. Chăm bẵm nửa năm trời, thu nhập cả năm cũng như tiêu pha Tết của cả đại gia đình đều trông hết vào đầm cá. Thế mà chỉ chưa đầy nửa tháng nay trời rét buốt đợt này chồng lên đợt kia, đặc biệt gặp đợt rét đậm tới 7-8 độ C vào tuần trước thì cá trong đầm bắt đầu nổi bụng lên chết như vãi trấu. 

Đến thời điểm này, hai loại cá chịu rét kém là rô phi và cá chim trong ao nhà anh Diệp đã gần như bị chết rét hoàn toàn. Nguyên tiền giống cá chim trắng đầu vụ phải đầu tư mất hơn 40 triệu. Cá rô phi năm 2009 đầm anh Diệp thu hơn 230 triệu nhưng năm nay trắng tay, mới chỉ kéo bán chạy rét được hơn 30 triệu. Anh Diệp ước tính: Nếu cá không chết rét thì năm nay, mỗi người ít cũng lãi hơn 100 triệu. Còn bây giờ thì tổng đầu tư tiền giống, tiền công, thức ăn cho đầm cá hết hơn 170 triệu cũng khó mà hòa được vốn.

Các chủ đầm cá cho biết, cái khó là nếu muốn kéo lưới để bán bớt cá “chạy rét” cũng không được, bởi hiện cá trong ao đã ngừng ăn và trốn kỹ dưới bùn để tránh rét. Chỉ cần đụng lưới một cái, làm chúng bị kinh động nổi lên thì xem như cả ao sẽ chết sạch.
Chị Ngô Thị Ngọt, em gái ruột cùng đấu thầu chung đầm với anh Diệp kể như mếu: “Cá cỡ lớn chết rét vẫn còn vớt vát được giá 6-7 nghìn đồng/kg, chứ cá chết cỡ bé, có ngày chết nổi hàng tạ, người ta chỉ mua cá chết về bón vào gốc bưởi. Cá chết không vớt lên thì ao thối, con nào còn lại cũng bị chết theo. Mà đi thuê người kéo cá chết lên thì 300 nghìn/ngày không ai chịu làm vì rét quá. Có ông đi kéo cá cho nhà tôi cách đây mấy ngày, đang kéo thì chân tay còn sưng vù lên, lở lói vì rét, suýt phải cấp cứu".

Tại vựa ao đầm lớn nhất tỉnh Vĩnh Phúc thuộc các xã Nguyệt Đức, Tam Hồng, Yên Đồng (huyện Yên Lạc) những ngày này mọi năm là ngày vui vì bắt đầu tháo đầm thu hoạch cá. Thế nhưng năm nay, chủ đầm nào cũng co ro buồn nát ruột vì cá chết. Anh Nguyễn Tuấn Hòa, một chủ đầm tại thôn Ninh Tiến, xã Nguyệt Đức vừa phải tháo ao thu hoạch cá để “chạy rét” cho biết: Vài vụ gần đây, nhiều chủ đầm ở Nguyệt Đức vừa đưa con cá tra và basa ra miền Bắc nuôi thử thành rất thành công. Riêng tại Nguyệt Đức có hơn 200 chủ đầm thủy sản cỡ lớn từ 2-3 hecta đều có thả cá tra và basa xen kẽ. Thế nhưng hiện tại, 100% cá tra và basa đều đã bị chết vì rét. Tỉ lệ cá rô phi và cá chim trắng chiếm từ 20-50% tổng lượng cá các đầm cũng đang bị chết rét rất nghiêm trọng.

Anh Hòa tính, do ao đầm ở Yên Lạc thường sâu hơn vùng khác nên hiện các loại cá chịu rét kém như rô phi và chim trắng hiện vẫn... chưa bị chết rét hết. Tuy nhiên nếu khoảng 5-7 ngày tới mà tình hình rét hại không khả quan lên thì 100% cá chim trắng và rô phi sẽ bị “xóa sổ” hoàn toàn.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm