| Hotline: 0983.970.780

Sau một năm đìu hiu, niềm vui bắt đầu ùa về bãi biển Nhật Lệ

Thứ Sáu 14/04/2017 , 09:45 (GMT+7)

Buổi chiều cuối giờ, nghe tiếng điện thoại reo. Bạn gọi, "Ra quán bờ kè". Nườm nượp người, xe cộ, vui, náo nhiệt và không khí ăn nhậu tưởng chừng không nơi nào có được.

Tuấn "xông ke ne" - chủ quán phóng vội ra, chụp lấy tay tôi: "Hơn năm trời mới gặp lại quan bác. Mừng quá. Mừng vì quan bác trở lại, mừng vì em thoát cảnh nợ nần và mướt xác vì đi phụ hồ"...
 

Tưng bừng trở lại

Du khách đến với Đồng Hới - Quảng Bình chắc hẳn cũng có ít nhất một lần ngồi nhậu quán "bờ kè". Cũng chẳng có biển hiệu nào, nhưng cứ nghe nói quán "bờ kè" là ai cũng biết và chạy ra ngay.

23-23-32_nnvn-1-bo-ke-nht-le
Bờ kè Nhật Lệ đã hút khách trở lại

Con đường Trương Pháp, chạy ven cửa sông Nhật Lệ nối dài ven biển Nhật Lệ đến giáp xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch). Khi chiều xuống là có đến hơn trăm quán nhậu bình dân được dựng lên, khoảng chục bộ bàn ghế được bày ra và góc bếp được quây bằng mấy tấm chắn rực lửa hồng.

Thấy đám bạn tôi dừng xe, Tuấn "xông ke ne", chủ quán phóng ra đôn đã: "Mời các quan anh. Hôm nay mới có mớ cá ong đang bơi, em nướng mỗi quan anh một con là mê như con tê tê ngay". Tôi quen Tuấn lúc học lái xe với nhau. Một lần chạy tập, nó cầm lái ô tô và cho luôn một con xe công nông xuống ruộng. Để nhớ, tôi phong luôn cho Tuấn biệt danh "xông ke ne", đọc lái lại là "xe công nông".

Tuấn khoái với cái hỗn danh tây ta lộn ngược này lắm. Gọi riết thành quen. Nó bảo: "Tên như diễn viên Hàn Quốc". Khách tới chỉ cần gọi "xông ke ne" là coi như bạn thân rồi. Đưa mồi, bày bia, bỏ đá, miệng Tuấn "xông ke ne" cứ như bắn súng: "Nhật Lệ - Đồng Hới kéo khách đến là nhờ hệ thống quán bờ kè này đây chớ chưa hẳn nhờ vô mấy cái "rì sọt" hay khách sạn lắm sao mô. Mỗi đêm, hệ thống quán bờ kè tiếp đãi khoảng vài ngàn khách ăn nhậu. Toàn đồ tươi sống với khẩu hiệu ngon - bổ - rẻ thì ai mà chẳng mê".

Mà thật, từ tôm, cua, ghẹ, cá mú, cá nục, cá ong, mực cơm, mực một nắng đến các loại ốc hương, đá, mỡ, nón ngao... đều tươi roi rói được chế biến bằng nhiều hình thức như luộc, chiên, nướng. Khói sương đượm mùi biển bay mù níu kéo du khách. Đi nhậu cỡ 6 người, mồi đặc sản, bia đến chếnh choáng chỉ hết chừng mỗi người độ trăm ngàn.

Theo Tuấn "xông ke ne", đầu tư mỗi quán nhậu cũng không nhiều, chỉ sắm cái xe kéo, bàn ghế, bạt dù, ly cốc, chén... hết hai, ba chục triệu tùy độ "hoành tráng". Nếu thiếu vốn đầu tư thì chỉ cần vài triệu với bàn ghế đơn sơ cũng được. Khách cứ nhộn nhịp như quán khác. "Mỗi năm làm được tám chín tháng tùy theo mùa. Mỗi tháng sau khi trừ thêm tiền công, tiền vệ sinh, an ninh... trung bình, mỗi quán cũng kiếm được hơn chục triệu" - Tuấn "xông ke ne" nói.

Sau sự cố môi trường biển, Nhật Lệ đùi hiu, không một du khách. Hàng quán tiêu xiêu. Bàn ghế, bảng hiệu dầm mưa gió bợt bạt chỏng chơ. Quán bờ kè tan tác. Du khách không đến vì cá chết, biển chết; người Đồng Hới quay lưng vì sợ chất độc không dám ăn nhậu. Lần đó, gặp Tuấn "xông ke ne" trong đám thợ hồ. Nó chạy vội ra cầm tay tôi lắc lắc, mừng lắm mà mặt cứ như cái bánh đa bẻ ngược: "Em đi phụ hồ tạm qua ngày. Mọi người đóng quán hết chứ không chỉ mình em đâu. Thôi, mong cho hết đợt khốn khó này, biển sạch trở lại thì em sẽ được dịp hầu chuyện quan anh. Thôi em đi cho kịp việc đã nhé".

23-23-32_nnvn-2-phuc-vu-dc-sn
Phục vụ đặc sản biển cho du khách

Tôi nhìn dáng nó tất tả chạy theo đám phụ hồ mà thấy se sắt trong lòng. "Mời bác một ly" - tiếng thằng Tuấn "xông ke ne", rổn rảng. Có lẽ thấy tôi thừ người nhớ lại chuyện của chẵn năm trước biển chết nên nó đến. Cụng ly một phát "cốp", ực hết ly bai, nó toác miệng cười: "Bây giờ biển sống, người đông rồi. Tý em nướng cho bác dĩa mực tươi. Mực có cơm, đừng thắc mắc vì sao ngon nhé".
 

Cả năm nhịn... thèm

Buổi trưa, tôi phóng xe ra dãy quán "đệ nhất" đối diện với khách sạn Công đoàn. Nói dãy quán đệ nhất bởi đây được đầu tư bờ kè đẹp, quán lợp lá rộng rãi và có dãy phi lao tỏa bóng. Khách ở đây đông từ sáng đến nửa đêm.

Ông Nguyễn Văn Kỳ - Phó Giám đốc Sở Du kịch Quảng Bình cho biết, để phục vụ tốt cho du khách đến với Quảng Bình dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Sở đã phối hợp chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường kiểm tra về giá cả và chất lượng phục vụ. Các nhà hàng hải sản phải thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá. Chú trọng khâu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn trên khu vực tắm biển.

Ông Trần Văn Quyết, chủ quán Kiên Quyết không còn ngồi buồn trên ghế dưới gốc cây phi lao ngóng khách như trước đây nữa. Ông chạy đi chạy lại, xếp xe cho khách, điều hành nhân viên phục vụ đến oải người nhưng nét mặt thì rạng lắm.

Ông Quyết kể trước đây quán có 6 người phục vụ với ăn nhậu cho khách. Trung bình mỗi tháng tiền công không dưới 4 triệu đồng và được bao cơm. Còn lại tiền dư cũng trên chục triệu. Sau sự cố môi trường biển, quán chết hẳn, người làm công phải bỏ đi. Hơn một năm rõng, bây giờ mới có khách trở lại. "Tuy chưa được như trước, nhưng những người làm đã tìm về. Khách quen cũng đã dập dùi đến hay gọi điện hỏi thăm và hẹn đến sớm" - ông Quyết vui vẻ cho hay.

Đi hết dãy quán nhà lá là đến "phố" đặc sản biển Nhật Lệ. Nói là phố bởi tất thảy nhà hàng, quán đặc sản đều được đầu tư lớn, sang trọng và phục vụ nhu cầu của những quý khách có nhiều tiền. Nhiều nhà hàng loại sang được khách nhớ tên như Hải Yến, Vạn Tuế, Quốc Dũng... Những nhà hàng này đến mà không đặt chỗ trước là cầm chắc trong tay việc không có chỗ ngồi.

Sau một năm đìu hiu, vắng lặng, bây giờ phố đã có hơi thở mới. Anh Nguyễn Văn Huân - chủ nhà hàng Hải Yến bộc bạch: "Nếu như những tháng cao điểm (từ tháng 4 đến tháng 9) thì doanh thu nhà hàng trung bình mỗi tháng không dưới 1,5 tỷ đồng. Nhân viên phục vụ từ 30-40 người mà làm không kịp việc. Bây giờ, khách có giảm đôi chút nhưng mà mừng lắm rồi. Cả năm ngồi chơi, tiền cứ như đổ trôi ra biển". Cũng theo anh Huân, nhà hàng đã bắt đầu nhận "đơn hàng" của du khách cho dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

23-23-32_nnvn-3-dem-ben-bien
Đêm bên bãi biển Nhật Lệ

Niềm vui ùa về cho tất cả bãi biển Nhật Lệ. Dãy quán nhà bạt cũng nổi lửa đón khách. Ông Lý - một chủ quán đặc sản vừa kiêm vai trò cung cấp hàng tươi sống kêu tôi vào góc quen rồi gọi con ơi ới đưa đá lạnh ra cho khách. Ông Lý là thợ lặn chuyên nghiệp. Từ rạng sáng, ông ra biển với bộ nghề lặn và xuống vùng rạn đá cách bờ biển chừng 2 hải lý để bắt các loại hải sản.

Sản phẩm của ông và mua thêm của bạn lặn cũng vừa phục vụ cho khách. Vì hải sản được xem như "của nhà làm ra" nên giá tính cho khách rẻ hơn nhiều so với quán khác. Đó cũng là chuyện để khách đến quán Hải Lý của ông ngày một đông hơn.

"Tui là dân biển mà cả năm nay cũng ngần ngại không dám ăn một loại chi. Có ngày thèm con cá biển, con mực tươi mà dại cả người. Có ngày tới bữa ăn mà trong người cứ bức bối, khó chịu và thấy miệng mồm nhạt ra. Thèm đồ biển đó mà. Bữa nay thì đỡ rồi. Hôm qua, cả nha tui luộc nguyên nồi mực tươi. Cha con ăn thoải mái. Không còn sợ sệt chi nữa. Thật là đã đời" - ông Lý nói mà cứ như vừa mới ăn xong tức thì.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm