| Hotline: 0983.970.780

Sáu nguyên nhân thất bại thường gặp trong nông nghiệp

Thứ Tư 04/08/2010 , 10:15 (GMT+7)

Đây là những ý kiến trải lòng với bà con nông dân của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, dựa vào những kinh nghiệm phong phú, dạn dày của ông.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn.
Bằng kinh nghiệm phong phú, dạn dày của mình, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã trải lòng phân tích cho bà con nông dân về những nguyên nhân thất bại thường gặp khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp…

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về loạt bài: “Chúng tôi từng thất bại” mà NNVN đã đề cập trên nhiều số báo vừa qua?  

Hầu như tôi không bỏ sót số báo nào của loạt bài này. Tôi thấy bên cạnh tuyên truyền cái tốt chúng ta nên nói thêm về những rủi ro trong nông nghiệp để người nông dân lường hết trước khi đầu tư. Đối tượng của sản xuất nông nghiệp là những sinh vật sống (cây, con) cho nên khó hơn nhiều so với sản xuất công nghiệp. Thành công hay thất bại trong nông nghiệp phải xét trên cả ba yếu tố: năng suất, chất lượng, hiệu quả. Mấy chục năm qua, chúng ta đã mò mẫm để phát triển nông nghiệp. Thành công cũng lớn mà thất bại cũng không ít, trong đó có thất bại do người nông dân tự gây ra, có thất bại do nhà nước chủ trương.

Là một người gắn bó với ngành nông nghiệp quá nửa đời người, ông có thể tổng kết, cho một mẫu số chung của những dạng thất bại?

Theo tôi thất bại có 3 nguyên nhân chủ quan. Thứ nhất là đưa đối tượng sinh vật (cây trồng, vật nuôi) nông nghiệp vào sản xuất ở vùng trái với quy luật sinh lý của nó (khí hậu, đất đai và các điều kiện sinh thái khác). Khi đầu tư, bà con cần biết, trong khí hậu phải lưu ý đến cả tiểu khí hậu. Trong sinh lý của cây, con nên biết có loại thích nghi biên độ sinh thái rộng, hẹp khác nhau. Hễ lệch pha là hỏng. Hợp với sinh lý, sinh thái, đối tượng nuôi trồng cho năng suất tốt, hiệu quả cao còn xung khắc sẽ cho chất lượng tồi, giá thành đắt, thậm chí chết sạch. Ví dụ vải thiều Bắc đưa vào Nam sẽ không ra quả vì không có mùa đông lạnh, ngược lại nếu đưa cây chôm chôm từ Nam di ra Bắc cũng không thể tốt tươi, sai quả được. Về vật nuôi từng có nhiều bài học đắt giá như khi hoà bình lập lại, ta nhập giống cừu xứ lạnh của Mông Cổ về chỉ một thời gian là chết hết.

Nguyên nhân thất bại thứ hai là làm trái quy luật kinh tế nông nghiệp. Cái này loạt bài vừa rồi NNVN có nói nhưng cần phân tích rõ hơn. Kỹ thuật nông nghiệp không phải là kỹ thuật chính xác mà có biên độ co giãn. Nông dân phải trông trời, trông đất, trông mây. Cứ cắm đầu, cắm cổ làm như cái máy sẽ thất bại liền. Kinh nghiệm của cả thế giới là chủ lao động phải tự làm, tự sản xuất, phải “của đau, con xót” mới được chứ thuê người làm công, ăn lương, không tự giác rất dễ thất bại. Thuê lao động trong nông nghiệp cần bỏ ra chi phí giám sát rất cao mới đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật. Mà chi phí cao thì hiệu quả thấp. Những khâu kỹ thuật đã được cơ giới hoá, tự động hoá, kiểm soát được bằng máy móc có thể thuê thoải mái còn không theo tôi phải trực tiếp làm. Thực tế rất nhiều trang trại ở ta dựa vào lao động làm thuê. Đại bộ phận trong số đó thất bại mặc dầu có thể bố trí cây con đúng bài vở. Tôi đã từng thăm một trang trại trồng vải diện tích rộng 4 ha ở huyện Ba Vì (Hà Nội) do 4 công nhân trông nom. Cây trồng đã trên 10 năm, phát triển tốt, thu được quả nhưng tiền bán không đủ nuôi 4 công nhân. Sản xuất lớn dựa vào trang trại là xu hướng đúng nhưng nên trực canh đến đâu làm đến đấy chứ đừng phát triển ào ào.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn thăm một mô hình phát triển nông nghiệp.
Nguyên nhân cuối cùng là, dù bố trí đúng quy luật cây con, quy luật kinh tế nông nghiệp nhưng do áp dụng công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp vẫn thất bại như thường. Ví dụ trước đây chúng ta nhập những giống bò sữa chưa tốt, năng suất chỉ 2-3 tấn/chu kỳ. Với sản lượng đó nuôi là lỗ, giờ có những giống bò nhập năng suất 7-8 tấn/chu kỳ thì lời to. Giống mía trước đây năng suất chỉ 40 tấn/ha, giờ có những giống dân trồng được 80 tấn/ha mới đem lại hiệu quả khá…

Người ta ví nông nghiệp là công xưởng ở ngoài trời nên ngoài những thất bại có yếu tố chủ quan còn phụ thuộc nhiều thứ khác?

Đúng, do vậy mà tôi nghiệm ra có 3 rủi ro khách quan, bất khả tiên lượng, ít ai dám “nói thánh, nói tướng” khi đầu tư trong nông nghiệp. Thứ nhất rủi ro về thiên tai. Cái này thực sự khó đối phó dù chất lượng công tác dự báo đến nay có được nâng lên nhưng cũng không thể thật chính xác đối với yêu cầu của sản xuất nông nghiệp. Rủi ro thứ hai là sâu bọ, dịch bệnh. Chúng là chỉ thị phản ánh mâu thuẫn giữa tự nhiên và cây trồng, vật nuôi của con người, luôn luôn có, luôn luôn biến đổi, phải phòng là chính. Rủi ro thứ ba là thị trường giá cả. Có những cái sản xuất ít thì bán được với giá cao, lãi lớn đến khi nông dân đổ xô làm lại lỗ to.

Tôi nghiệm ra, có rất nhiều động cơ làm trang trại ở ta. Một loại người có tiền làm trang trại để lấy chỗ nghỉ ngơi cuối tuần, lấy nơi để sản xuất một ít nông sản sạch chở về thành phố dùng dần. Họ không tính toán lỗ lãi, hạch toán thu chi. Loại thứ hai làm trang trại để đầu cơ đất vì một tương lai kinh doanh bất động sản. Loại thứ ba đam mê nông nghiệp, muốn lập nghiệp thật nhưng chủ quan, cứ tưởng dễ, làm là được đến lúc thực tế va vấp mới nếm mùi. Sau khi nếm mùi rồi họ sẽ tự điều chỉnh, phát triển tiếp hay rút lu, bỏ nghề. Loại cuối cùng là những người sức đến đâu, làm đến đấy, tính toán căn cơ, số này phần đa thành công.

Ví dụ xưa vải thiều chỉ có ở Thanh Hà (Hải Dương) với diện tích rất khiêm tốn thì cho thu nhập cao nhưng khi các địa phương nhất là Lục Ngạn (Bắc Giang) trồng ào ào lại gặp quả đắng. Họ trồng thành công, đúng khí hậu, rất được mùa đấy nhưng lượng quả quá lớn, bán tươi không hết, chế biến cũng không xuể đành bán với giá rẻ mạt. Trước tình thế đó, nông dân chặt vải đi cũng tiếc cả chục năm vun trồng mà để lại chẳng cho thu hoạch mấy. Đó là bài học đau xót nhỡn tiền. Hay chuyện cây thanh hao hoa vàng vài năm rồi nhiều nông dân thấy lợi, ào ào bỏ lúa, ngô, khoai, sắn để trồng. Trồng nhiều đến mức chỉ để làm củi chứ chẳng xuất nổi cho ai. Trong nông nghiệp làm một đến hai héc ta thì thu nhập tỉ đồng/ha cũng có nhưng làm nhiều quá nhu cầu có khi một héc ta chẳng được nổi một xu. Những nông sản có thể bảo quản còn tạm trữ được chứ những thứ cần dùng tươi khi ế ẩm là hỏng hẳn.

VN chưa tìm được phương thức sản xuất gắn với thị trường. Cứ được giá ào ào làm, thất bại thì bỏ rồi chờ cái gì được giá lại ào ào làm tiếp. Trước đây chúng ta nghe chuyện nông sản của nước ngoài khi ế bị đổ ra sông, ra biển nhằm giữ giá thì lạ lắm nhưng giờ cũng thấy điều đó hết sức bình thường. Đó là sự khắc nghiệt của quy luật kinh tế thị trường…Cho nên muốn phát triển thứ gì phải thử nghiệm từng bước mà việc thử nghiệm này nhà nước nên làm chứ đừng thử nghiệm trên vai người nông dân. Thử nghiệm, khảo nghiệm thành công mới đưa vào sản xuất đại trà tuy mặt trái của nó sẽ khiến tốc độ ứng dụng cái mới không nhanh…Tôi có lời khuyên thành thực như thế này, nông dân làm gì cũng phải tính toán. Tính kỹ quá nhiều khi mất cơ hội, vội vàng, hấp tấp lại dễ thất bại. Kỹ và vội-những yếu tố này rất khó định lượng cụ thể, để tránh rủi ro trong sản xuất, ngoài đối tượng đầu tư chính cần có đối tượng phụ. Các cụ ta chẳng đúc kết: “Được mùa chớ phụ ngô khoai” là gì?

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm