| Hotline: 0983.970.780

Sau những bàng hoàng

Thứ Sáu 26/01/2018 , 08:32 (GMT+7)

Tin tức về hàng loạt các vụ án kiểu bà giết cháu, vợ giết chồng, cô giáo mầm non đánh đập trẻ, bố đẻ cùng mẹ kế bạo hành con trai, bố chồng giết con dâu... xảy ra liên tiếp gần đây làm tôi nhớ đến một tiểu phẩm của nhà văn Ngô Tất Tố…

Đại ý, trong tiểu phẩm, nhà văn kể có cô gái tên Nội, tuổi 16, 17. Một hôm, cô Nội viết thư để lại cho bố mẹ rồi bỏ nhà đi, theo cô là vì giờ cô đã lớn, muốn thoát khỏi cuộc sống gia đình với những ràng buộc nhằng nhịt của lễ giáo, muốn ra ngoài để tìm kiếm một cuộc sống tự do, phóng khoáng hơn.

Cần nói thêm, trong bối cảnh xã hội đầu thế kỷ 20, đây là việc… cực sốc! Bố mẹ cô gái, đương nhiên vô cùng lo lắng, đăng tin trên báo tìm cô, theo kiểu “tìm trẻ lạc”. Đọc tin này, cụ Ngô - trong tiểu phẩm - mách bố mẹ cô Nội rằng: “Sao không hỏi mấy ông Tự Lực Văn Đoàn?”

Tự Lực Văn Đoàn, như đã biết, trong tôn chỉ và trong các sáng tác văn chương của mình khi ấy tập trung cổ xúy cho tự do cá nhân, chống lại những tư tưởng, lề thói Nho giáo - theo văn đoàn này là rất cổ hủ, lạc hậu, kìm nén con người, nhất là phụ nữ. Trong khi “ông đầu xứ Tố” ngoài là nhà văn còn là một nhà Nho học. Ông không đồng tình, cũng tích cực sử dụng văn chương, báo chí để phản bác lại quan điểm, tư tưởng của Tự Lực Văn Đoàn.

Nhà văn cáo buộc, bằng việc tuyên truyền, cổ xúy cho lối sống tự do, vượt ra ngoài những giá trị được cho là chuẩn mực, khuôn phép khi ấy, Tự Lực Văn Đoàn đã “làm hư” xã hội. Trong tiểu phẩm “Sao không hỏi Tự Lực Văn Đoàn?”, với giọng văn châm biếm, ông chỉ ra rằng việc cô Nội- một cô gái mới lớn dám bỏ nhà đi, dấn thân vào “đời mưa gió” sâu xa là do nghe theo sự “xúi giục” của văn đoàn này. Gần một trăm năm trước, đời sống văn học, báo chí nước nhà đã có những cuộc tranh luận rất thú vị như vậy! 

Kể lại chuyện này không phải và không dám để nói Tự Lực Văn Đoàn và nhà văn Ngô Tất Tố ai đúng ai sai, mà chỉ để thấy rõ hơn một điều, là môi trường sống tác động, ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức, hành vi của con người. Trở lại những vụ án man rợ, xảy ra liên tiếp gần đây thì thấy nguyên nhân nào dẫn đến cơ sự cũng chỉ là những nguyên nhân trực tiếp. Còn nguyên nhân sâu xa?

Không khó để nhận ra, đó là do môi trường sống lâu nay có quá nhiều thứ, nhiều điều bất ổn; sống, ngụp lặn trong đó tâm hồn con người ta, nhất là giới trẻ không bị “nhuộm đen” mới lạ.

Đây! Xã hội thì toàn chuyện lừa đảo, làm ăn chụp giựt, tham ô, tham nhũng; đời sống dân sinh, nhất là đời sống của công nhân, nông dân nhiều nơi vẫn trăm bề khốn khó. Báo chí, mạng xã hội, phim ảnh mở ra chỉ toàn thấy chuyện đâm chém, cướp, giết, hiếp, phơi da, bày thịt; âm nhạc thì không dậm dựt cũng quằn quại, gầm rú... Tuyền những thứ bào mòn, giết chết phần người, nuôi dưỡng, kích thích phần con…

Vậy nên, sau những hốt hoảng, sau những bàng hoàng, ai còn chưa rõ căn nguyên của những tội ác man rợ đang xuất hiện ngày một nhiều, cấp độ man rợ lần sau cao hơn lần trước, thì bắt chước cụ Ngô, tôi cũng muốn mách rằng: đến gặp các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý xã hội, nhất là các nhà quản lý văn hóa, giáo dục nước nhà hiện nay mà hỏi!

Tất nhiên, trước khi hỏi “các nhà” ấy cần phải tự hỏi mình đã có làm gì để góp phần “đẻ” ra tội ác hay không?

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất