| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 06/05/2015 , 08:59 (GMT+7)

08:59 - 06/05/2015

Sẩy miệng!

Mấy ngày qua, dư luận “dậy sóng” trước những sai phạm không đáng có của VTV. 

Sai phạm thứ nhất: Trận động đất mạnh 7,8 độ richte ở Nepal khiến hàng ngàn người thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương, hàng triệu người bị ảnh hưởng, đã khiến cả thế giới bàng hoàng, đau xót.

Thế mà trong bản tin thời sự quốc tế 17 giờ ngày 2/5 trên VTV1, BTV đã mở đầu bản tin “Nepal 1 tuần sau thảm họa” như sau: “1 tuần sau trận động đất lịch sử, số người thiệt mạng tại Nepal đã tăng lên 6.620 người.

Bản tin 17 giờ hôm nay sẽ điểm lại những con số ấn tượng trong thảm họa kinh hoàng này”. Rồi khi kết thúc phần tin về động đất tại Nepal, BTV lại tiếp tục nhấn mạnh: “Đây quả là con số ấn tượng”.

Sai phạm thứ hai: Chương trình “Điệp vụ tuyệt mật”, được phát sóng trên VTV3, đã đưa hình ảnh mô phỏng hành trình của các đội chơi có biểu thị thủ đô Hà Nội đặt tại vị trí của… Trung Quốc, và trên bản đồ này không hề có hình ảnh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

“Ấn tượng” là từ chỉ được dùng để chỉ những hiện tượng, những con số tốt đẹp, mang tính tích cực, ví như “Sự tăng trưởng kinh tế trong năm qua thật ấn tượng”, hay “Vận động viên X đã giành tấm huy chương vàng một cách ấn tượng”, “Thành tích mà đoàn thể thao lập được thật ấn tượng”…

Không ai lại dùng từ “ấn tượng” trước những con số tổn thất kinh hoàng, khiến cả nhân loại đau xót. Bằng cách đưa tin như vậy, nghĩa của bản tin đã bị đảo ngược hoàn toàn. Khán giả bức xúc vì không hiểu sao BTV của Đài truyền hình quốc gia, xuất hiện trước mắt hàng triệu người, không chỉ trong nước mà còn cả với quốc tế, hẳn phải là người có kiến thức, được tuyển chọn kỹ càng, mà sao lại có thể vô tư phát ngôn như vậy? Ai viết bản tin đó? Ai kiểm soát chúng?

Còn việc đặt thủ đô Hà Nội sang đất Tàu, và trên bản đồ không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thì… không còn gì để nói, dù có thanh minh kiểu gì đi chăng nữa.

Hai sự kiện trên chưa kịp lắng, thì bức ảnh một nữ cán bộ đoàn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, sang Nepal học tập kinh nghiệm ứng phó với động đất, khi đứng bên cạnh đống đổ nát kinh hoàng tại Nepal, đã cười rất tươi, bên cạnh đó là bức ảnh những người khác đang hết mình với công tác cứu hộ, được một người chụp và đưa lên mạng, lại càng khiến dư luận bức xúc và phẫn nộ.

Ngay lập tức, bức ảnh đã lan ra với tốc độ chóng mặt. Nhiều trang mạng đã gọi nụ cười của vị nữ cán bộ Hội Chữ thập đỏ đó là “Nụ cười dã man”, dù người có trách nhiệm trong đoàn đã thanh minh rằng vị nữ cán bộ này chỉ cười do… tình cờ, do bị… chọc cười!

Tục ngữ Việt Nam có câu “Sẩy chân, còn có con sào/ Sẩy miệng, biết đỡ làm sao bây giờ?”, với mục đích nhắc nhở mọi người lưu ý đến cách hành xử “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, nhằm đạt tới một cách ăn nói, hành xử văn hóa, văn minh trước bàn dân thiên hạ. Nhưng tiếc thay, ngày càng có nhiều người quên đi lời nhắc đó.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm