Ảnh mang tính minh họa. |
Quy định bỏ hợp đồng “không xác định thời hạn” đối với cán bộ, công chức, viên chức kể từ ngày 1/7/2020 trong luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8, đã được dư luận xã hội hết sức đồng tình.
Trước nay, nạn “công chức cắp ô” đã trở thành nhức nhối ở nước ta. Nước Mỹ có 315 triệu dân nhưng chỉ có 2,1 triệu công chức, viên chức. Còn ở ta, với hơn 90 triệu dân, chúng ta có tới 2,8 triệu công chức, viên chức. Nếu tính cả số lượng người hưởng phụ cấp từ ngân sách, thì con số đó là 11 triệu người, nghĩa là cứ 9 “ông chủ” thì phải nuôi một “đầy tớ”.
Hợp đồng “không xác định thời hạn” nghĩa là hợp đồng, hay còn gọi là biên chế, suốt đời. Chỉ cần ký được một cái hợp đồng loại ấy, để trở thành công chức hay viên chức, là coi như lọt được vào một cái thành trì, một chốn nương náu vô cùng vững chắc, tháng tháng lĩnh lương, đến hạn lên lương, công việc có hiệu quả hay không, chẳng cần quan tâm. Loại công chức, viên chức đó được người đời gọi là “công chức cắp ô”. Loại công chức này nhan nhản ở các công sở.
Nói như một vị lãnh đạo Chính phủ thì con số đó chiếm tới trên dưới 30%, nghĩa là gần 1 triệu người. Mỗi năm, người dân phải chi ra cả trăm ngàn tỷ đồng để nuôi những kẻ vô tích sự đó.
Cũng vì một khi đã ký được cái hợp đồng “không xác định thời hạn” ấy là coi như được ngồi lên một cái ghế vô cùng vững chắc, ngồi yên được cả đời, nên đã sinh ra cái nạn “chạy” công chức, viên chức. Việc “chạy chọt” đó diễn ra trong bóng tối, với một đội ngũ “cò mồi” đông như quân nguyên.
Xã hội tuy biết rõ mười mươi, nhưng vẫn bất lực vì không có bằng chứng. Chỉ thấy hiển hiện trước mắt là đội ngũ công chức, viên chức càng ngày càng phình to ra, và những người có quyền ký quyết định tuyển dụng càng ngày càng giầu “nứt đố đổ vách”.
Đã nhiều lần Chính phủ tiến hành “chiến dịch” giảm biên. Nhưng số công chức, viên chức không những không giảm đi, mà lại tăng thêm cả chục ngàn người. Trên dưới 70% ngân sách thu được phải dùng để nuôi đội quân đó. Làm được một đồng thì ăn hết 7 hào, chẳng còn lấy đâu ra tiền để đầu tư phát triển.
Bỏ loại hợp đồng này, thay bằng hợp đồng có thời hạn, và giám sát chặt chẽ. Hoàn thành tốt nhiệm vụ thì gia hạn hợp đồng và ngược lại. Làm thế, trước hết là sẽ chấm dứt được nạn “chạy” công chức. Bởi lẽ chẳng ai dại gì bỏ ra hàng trăm triệu đồng chỉ để “mua” được một chỗ ngồi chẳng hề vững chãi chút nào. Nay còn, mai đổ. Thứ hai, là tạo động lực cho công chức viên chức phấn đấu làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, nếu không muốn bị chấm dứt hợp đồng, bị đá văng ra khỏi bộ máy.
Việc chấm dứt loại “hợp đồng không xác định thời hạn”, theo các chuyên gia, lẽ ra phải được thực hiện từ lâu. Đến nay mới làm, đã là quá muộn. Nhưng muộn còn hơn không.