| Hotline: 0983.970.780

Vụ “Rau bẩn từ vườn đến bàn ăn”

Sẽ kiểm tra, chấn chỉnh!

Thứ Hai 12/05/2014 , 07:26 (GMT+7)

Thực tế có những hộ trồng rau trên địa bàn TP có giấy chứng nhận VietGAP đã hết thời hiệu nhưng chưa thấy đăng ký để được xem xét tái chứng nhận.

Sau loạt bài “Rau bẩn từ vườn đến bàn ăn” đăng tải trên Báo NNVN (từ ngày 6 – 8/5/2014), Sở NN-PTNT TP.HCM đã triệu tập gấp cuộc họp với các ngành chức năng do ông Lê Minh Dũng, PGĐ Sở chủ trì. Lãnh đạo Sở đã chỉ đạo kiểm tra thực tế những mô hình sản xuất rau bẩn trên địa bàn các huyện như nội dung bài báo đã phản ánh...

Tại cuộc họp, ông Lê Minh Dũng thẳng thắn ghi nhận về những nội dung trong loạt bài “Rau bẩn từ vườn đến bàn ăn”, đồng thời yêu cầu các đơn vị cần phải nghiêm túc kiểm tra xác minh chấn chỉnh lại tất cả những vấn đề Báo NNVN đã phản ánh.

Theo Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp, năm 2013 Trung tâm đã cấp được 91 giấy chứng nhận, và từ đầu năm 2014 đến nay có thêm 23 giấy chứng nhận VietGAP mới được cấp.

Trước đây thời hiệu tái cấp giấy chứng nhận VietGAP là 1 năm nhưng nay đã có quy định mới có thời hiệu là 2 năm và phải được hậu kiểm mới tái cấp giấy chứng nhận.

Nói về quy trình cấp giấy chứng nhận VietGAP cho các mô hình rau trên địa bàn TP, ông Huỳnh Hữu Hạnh, GĐ Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp cho biết: “Để hội đủ các điều kiện được cấp giấy chứng nhận VietGAP thì quy trình phải tuân thủ qua nhiều bước như nhận hồ sơ đăng ký, người nông dân phải được tập huấn từ khâu chọn giống, sản xuất, chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc BVTV, ghi nhật ký, bảo quản sau thu hoạch…

Sau đó, Trung tâm sẽ thành lập đoàn thẩm định tại cơ sở và tiến hành lấy mẫu rau đi phân tích. Khi có kết quả phân tích đạt tiêu chuẩn thì mới bắt đầu cấp giấy chứng nhận VietGAP cho mô hình rau đó”.

Theo ông Hạnh, Trung tâm được Sở NN-PTNT giao nhiệm vụ chuyên thẩm định và cấp giấy chứng nhận VietGAP cho các mô hình trồng rau đạt tiêu chuẩn. Thông thường quy trình từ khi tiếp nhận hồ sơ cho đến khi cấp giấy chứng nhận mất khoảng 15-20 ngày và sau đó sẽ kiểm tra theo định kỳ cứ 3 – 6 tháng/lần.

15-37-28_unnmed-1
Người tiêu dùng chưa phân biệt được rau VietGAP và rau thường

Trao đổi với NNVN, ông Lê Minh Dũng, Phó GĐ Sở NN-PTNT TP.HCM
cho biết:

 "Theo văn bản của Bộ NN-PTNT không có khái niệm rau sạch mà chỉ nói về rau an toàn
thực phẩm VietGAP.
Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi ghi nhận các thông tin Báo NNVN đã phản ánh và sẽ cho lập đoàn liên ngành kiểm tra lại toàn bộ các mô hình sản xuất rau VietGAP này rồi sẽ có ý kiến xử lý.
Nếu đúng sự thật như báo nêu thì chúng tôi cũng sẽ chấn chỉnh ngay về công tác tập huấn
và cấp chứng nhận
sản phẩm”.

Cũng theo Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp, để làm theo quy trình VietGAP nông dân phải thực hiện được đủ 65 tiêu chí, trong đó gồm tiêu chí về sản xuất và sơ chế mới được cấp chứng nhận.

Ông Hạnh cho biết: “Những năm trước có trường hợp sau khi biết giấy chứng nhận của mình đã hết thời hiệu, hộ dân đã tự tẩy sửa ngày, tháng, năm để... gia hạn cho giấy chứng nhận vườn rau nhà mình. Tuy nhiên, sau khi phát hiện, Trung tâm đã báo cho các siêu thị về danh sách giấy chứng nhận của những hộ dân nào còn thời hiệu và đưa thông tin lên mạng để các đơn vị kiểm tra kỹ hơn”.

Theo ông Hạnh, đến nay Trung tâm đã cấp được 29 giấy tái chứng nhận mô hình rau VietGAP còn thời hạn. Tuy nhiên, thực tế có những hộ trồng rau trên địa bàn TP có giấy chứng nhận VietGAP đã hết thời hiệu nhưng chưa thấy đăng ký để được xem xét tái chứng nhận.

Ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Chi cục trưởng Chi cục BVTV TP.HCM cũng khẳng định: “Khi xây dựng mô hình thí điểm trồng rau theo quy trình VietGAP chúng tôi mới cho phép hộ dân treo bảng VietGAP để xác định vị trí khu vực đang tiến hành trồng rau thí điểm và khi hết thời gian thực hiện sẽ phải thu hồi lại. Tuy nhiên, việc một số hộ dân trồng rau vẫn giữ lại bảng treo trong vườn thì rõ ràng không chấp nhận được”.

Theo ông Tiến, Chi cục sẽ rút kinh nghiệm về việc này và sẽ cho kiểm tra và chấn chỉnh ngay.

Ông Võ Ngọc Anh, GĐ Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho rằng: “Mặc dù chương trình rau VietGAP đã triển khai được mấy năm qua, nhưng về nhận thức của người nông dân cũng chưa có nhiều chuyển biến; số lượng hộ đạt giấy chứng nhận VietGAP còn hạn chế.

Chính đầu ra của sản phẩm rau VietGAP do chưa được khơi thông nên không tạo động lực giúp người dân yên tâm đi vào sản xuất bài bản”.

Theo ông Anh, thực tế đối với người nông dân khi đi vào sản xuất rau theo quy trình, việc ghi chép nhật ký đồng ruộng còn rất khó khăn và chưa tạo được thói quen.

Do vậy, như thông tin mà báo phản ánh về những trường hợp hộ nông dân ở Củ Chi như vậy là rất đúng.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.