| Hotline: 0983.970.780

Sẽ thiếu hụt heo nghiêm trọng!

Thứ Tư 13/04/2011 , 09:42 (GMT+7)

Dù giá heo hơi đã lên 56.000 đồng/kg, tình trạng “treo” trại, giảm đàn ở cả nông hộ nuôi nhỏ lẻ lẫn trang trại lớn vẫn diễn ra, càng khiến giá heo được cớ “sôi” sùng sục…

* Giá heo lập kỷ lục mới, dân vẫn... ngán nuôi!

Ngày hôm qua 12/4, giá heo hơi tại các tỉnh phía Nam đã thiết lập kỷ lục mới khi tăng lên 56.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tình trạng “treo” trại, giảm đàn ở cả nông hộ nuôi nhỏ lẻ lẫn trang trại lớn vẫn diễn ra, càng khiến giá heo được cớ “sôi” sùng sục…

Khác hẳn thời điểm này cùng kỳ năm ngoái, khi chúng tôi quay lại khu vực nuôi heo lớn của TPHCM gồm hai phường Thạnh Lộc và Thạnh Xuân (quận 12), hàng loạt trại chăn nuôi tại đây đã bỏ chuồng, “treo” trại và chuyển sang làm ngành nghề khác. Tại trại của ông Nguyễn Đăng Hưu (KP 4, phường Thạnh Xuân), toàn bộ hai dãy chuồng nuôi đang bị bỏ không hơn nửa năm nay. Ông Hưu cho biết: “Sau khi dịch tai xanh cuối năm 2010 giết chết 45 con heo nái, thịt và sữa trị giá gần 100 triệu đồng, gia đình bàn nhau bỏ nghề luôn. Mười mấy năm trời sống với nghề nuôi heo, bỏ thấy tiếc lắm, nhưng nuôi thì lỗ lã liên miên, khổ lắm!”.

Sau khi dẹp chuồng, ông Hưu chuyển sang nuôi cá và trồng rau ở mảnh vườn sau nhà để kiếm thu nhập: “Nuôi cá, trồng rau dù lời ít nhưng chẳng lo dịch bệnh nhiều, chắc ăn hơn” – ông Hưu nói. Tương tự, trại của ông Đỗ Văn Mỹ nằm kế bên cũng trong tình trạng trống trơn sau khi dịch tai xanh cuối năm 2010 “quét” qua đây giết sạch 34 con heo của ông. Bắt chước hàng xóm, ông Mỹ cũng chuyển sang làm vườn và tận dụng mặt nước để nuôi cá, thoát ly hẳn với con heo. Tình hình này cũng diễn ra tại hộ anh Chín Trường (KP 4) kể từ khi đàn heo 30 con của anh cũng bị thú y mang đi tiêu hủy cuối năm 2010, khiến anh lâm cảnh nợ nần đến giờ vẫn chưa trả hết.

Theo tìm hiểu của PV, tình trạng giảm đàn, ngừng nuôi tại đây đã diễn ra như phản ứng dây chuyền và đến nay đã giảm tới 90% hộ nuôi. Do được dân tín nhiệm giữ chức Bí thư Chi bộ KP 4, ông Hưu cùng với một số hộ dân trong khu phố đã động viên bà con chuyển sang ngành nghề khác, ngừng nuôi heo để tránh rơi vào tình cảnh thua lỗ, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường do nước thải gây ra trong nhiều năm qua. Ông Hưu cho biết, trước đây có khoảng 70 hộ/tổng số 200 hộ dân của khu phố làm nghề nuôi heo, với số lượng từ 30 – 60 con/hộ, nhưng hiện tại, chỉ còn khoảng 5 hộ còn sống với nghề này. Cuộc họp tổ dân phố gần đây, nhiều hộ dân cho biết đã phá bỏ chuồng heo để cho thuê đất hoặc tự trồng rau muống, trồng cây ăn trái, còn thanh niên trai tráng thì xin làm tại các KCN”.

Không đến mức bỏ hẳn nghề, nhiều hộ chăn nuôi tại xã Bình Tâm (Tân An, Long An) vẫn “chung thủy” với con heo nhưng chọn phương án giảm đàn, giảm chuồng nuôi. Tại hộ chị Nguyễn Thu Vân (ấp 3, xã Bình Tâm), đàn heo đã giảm gần 50%. Chị Vân nói: “Trước đây tôi nuôi từ 300 – 350 con các loại, nhưng giờ cộng gộp cả hai chuồng chỉ còn 30 nái và 150 heo thịt. Tôi tiếc quá vì heo đang có giá, thương lái đến hỏi mua suốt mà heo chưa đủ tuổi xuất chuồng”. Theo chị Vân, do tâm lý sợ thua lỗ vì chuồng heo của chị cuối năm 2010 cũng dính tai xanh, để chắc ăn, chị đã quyết định ngừng tái đàn mấy tháng đầu năm 2011 và chỉ mới nhập đàn heo thịt nuôi lại gần đây. “Phải hơn 1 tháng nữa heo mới xuất chuồng được. Không biết lúc đó giá heo có được như bây giờ không” – chị Vân phân vân.

 Tương tự, hộ anh Tư Đức gần đó cũng chỉ còn hơn 40 con, giảm 1/3 đàn vì lo sợ dịch bệnh “viếng thăm”. “Vào thời điểm dịch xảy ra phải bán đổ bán tháo giá rẻ, giờ lại chẳng có nhiều heo để bán khi giá tăng gần gấp đôi năm ngoái. Thật đúng là bất công với người chăn nuôi” - anh Đức nói.

Trong khi nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ tại TPHCM, Long An dẹp chuồng hoặc giảm đàn, thì nhiều trang trại nuôi quy mô công nghiệp lớn ở Đồng Nai cũng không khá hơn. Tại trại chăn nuôi heo Thịnh Vượng (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), số lượng heo đã giảm trên 30% so với cùng kỳ năm trước. Chị Đỗ Thị Tuyết An – chủ trang trại ca thán: “Năm ngoái tổng đàn heo nái, sữa và thịt của trại đạt trên 11.000 con, trong đó heo thịt 8.000 con. Nhưng bây giờ, tổng đàn còn 7.000 con, trong đó heo thịt chỉ có 4.000 con”.

Trong bối cảnh đợt dịch tai xanh gây chết hàng loạt và làm sụt giảm lớn đàn heo của nhiều tỉnh (như tỉnh Tiền Giang bị tới 14%, Bà Rịa – Vũng Tàu 10%...), tiếp đó, đúng lúc người chăn nuôi quyết “treo” chuồng, giảm đàn thì đợt dịch LMLM lây lan nhanh như “bão táp” tại hơn 30 tỉnh thành trong cả nước (từ tháng 2/2011 đến nay), càng khiến đàn heo cả nước bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Tại phía Bắc, nhiều vùng nuôi heo bị thương lái đến gom sạch bách để cung cấp cho các đầu mối bên Trung Quốc, trong khi việc tái đàn đang diễn ra chậm do người dân phát “hoảng” vì giá TĂCN đã tăng tới… 22 lần chỉ trong hơn 1 năm qua! Theo dự báo của giới chăn nuôi, giá heo sẽ chưa dừng lại và tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng thịt heo sẽ còn kéo dài từ 1 – 2 tháng nữa.

Cũng do ảnh hưởng của “bão” tai xanh cuối năm 2010, chị An bàn với chồng ngừng nuôi tại trại heo xã Thiện Tân và bán miếng đất giành dụm được tại xã Giang Điền (Trảng Bom) để trả nợ và duy trì đàn heo còn lại. “Nếu tôi không bán đất và dẹp một trại heo, thì không thể cứu 3 trại còn lại được. Đành chấp nhận giảm đàn để không bị thua lỗ đến phá sản thôi”.

Tương tự, ông Phạm Đức Bình – Tổng Giám đốc Cty Thanh Bình, Đồng Nai khẳng định: “Tôi đang thu hẹp quy mô chăn nuôi, dẹp bớt trại vì nuôi heo bây giờ quá nhiều rủi ro”. Trước đây, cao điểm Công ty heo Thanh Bình nuôi trên 10.000 con, nhưng giờ giảm chỉ còn 8.000 con các loại. Trại heo Thịnh Vượng và Thanh Bình chỉ là hai trong số rất nhiều trang trại nuôi theo quy mô công nghiệp, khép kín nhưng vẫn bị ảnh hưởng của cơn lốc dịch bệnh liên miên trong thời gian qua.

Theo ông Hoàng Sơn Hải – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, trước đây đàn heo của tỉnh thường đạt trên 1,2 triệu con (lớn nhất nước), nhưng do dịch tai xanh cuối năm 2010 gây thiếu hụt heo giống nên tổng đàn của Đồng Nai hiện cũng giảm một lượng khá lớn. “Dịch bệnh nhiều, xăng dầu, vật tư nông nghiệp, TĂCN tăng quá cao, làm không có lãi nên một bộ phận người chăn nuôi giảm đàn hoặc ngừng nuôi là tất yếu” – ông Hải nói.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất