| Hotline: 0983.970.780

Sẽ truy thu thuế nhiều liên doanh vận tải "trá hình"

Thứ Sáu 05/09/2008 , 09:49 (GMT+7)

Kiểm tra 14 liên doanh vận tải hành khách trên địa bàn cả nước, Tổng cục Hải quan phát hiện nhiều DN vi phạm kinh doanh để trốn thuế.

Kiểm tra 14 liên doanh vận tải hành khách trên địa bàn cả nước, Tổng cục Hải quan phát hiện  nhiều DN vi phạm kinh doanh để trốn thuế.

Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn từ 1/1/2002 đến 30/10/2006 có 16 liên doanh hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng đường bộ, nhập khẩu 609 xe ôtô chở khách trên 24 chỗ, trị giá 23.725.791 USD. Số xe này đã được miễn thuế theo cơ chế cũ với số tiền thuế được miễn 357 tỷ đồng.

Trong số 16 liên doanh kể trên, Tổng cục Hải quan thực hiện kiểm tra 14 liên doanh. Theo quy định tại điều 7 Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Thông tư số 04/2001 TT-NHNN ngày 15/8/2001 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh, thì khi bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phải góp vốn bằng ngoại tệ đưa từ nước ngoài vào hoặc bằng tiền Việt Nam có nguồn gốc đầu tư tại Việt Nam. Vốn góp qua tài khoản tiền gửi tại ngân hàng phải theo đúng tiến độ theo cam kết hợp đồng liên doanh. 

Nhưng kết quả kiểm tra cho thấy một số DN đã không góp vốn bằng ngoại tệ như: Công ty liên doanh Vận tải hành khách Phú Thọ ( Phú Thọ), Công ty liên doanh Vận tải ôtô Minh Long ( Ninh Bình). Khi kiểm tra thì bên VN khai là bên nước ngoài góp vốn bằng tiền Việt Nam hoặc góp 1 phần vốn bằng ngoại tệ, nhưng kiểm tra tại ngân hàng thì không thể hiện đó là vốn của bên nước ngoài góp cho liên doanh. Chứng từ ngân hàng chỉ thể hiện đó là tiền mua xe, thanh toán tiền hàng.

Số xe trên 24 chỗ ngồi nhập khẩu đã được miễn thuế 357 tỷ đồng

Tại Công ty liên doanh Vận tải hành khách Phú Thọ, vào thời điểm Cục thuế tỉnh Phú Thọ kiểm tra ngày 8/12/2004 lúc này Công ty đã nhập 36/40 xe, các bên liên doanh chưa thực hiện góp vốn, nguồn tiền nhập khẩu xe vay từ ngân hàng. Nhưng khi Tổng cục Hải quan trực tiếp kiểm tra tại Công ty ngày 1/2/2007 thì trên sổ sách chứng từ lại thể hiện bên nước ngoài đã góp đủ vốn bằng tiền Việt Nam và ghi ngày góp vốn trước ngày Cục thuế tỉnh kiểm tra.

Về mâu thuẫn này, tại bản kết luận kiểm tra sau thông quan tại trụ sở Công ty ngày 2/2/2007, Công ty đã thừa nhận việc lập phiếu thu, hạch toán số tiền góp vốn bằng tiền Việt Nam của bên  nước ngoài trên sổ sách chỉ là giấy tờ do Công ty này tự lập ra  nhằm mục đích hợp thức hoá để đối phó.

Một số DN cũng không có chứng từ chứng minh vốn góp gồm các Công ty liên doanh Vận tải hành khách Phú Thọ (Phú Thọ), Công ty liên doanh Vận tải hành khách Phương Trinh ( Tây Ninh) Công ty liên doanh Vận tải ôtô Minh Long ( Ninh Bình), Công ty liên doanh Phát triển Giao thông Vận tải Lào Vân (Lào Cai).

Phần khai DN là bên nước ngoài góp vốn bằng tiền Việt Nam thì cũng không thực hiện góp qua ngân hàng mà giao trực tiếp tiền mặt cho bên Việt Nam, không làm rõ nguồn gốc số tiền góp như Công ty liên doanh Vận tải hành khách Phú Thọ (Phú Thọ), Công ty liên doanh Vận tải ôtô Minh Long (Ninh Bình), Công ty liên doanh Phát triển Giao thông Vận tải Lào Vân (Lào Cai).

Không có tài khoản tiền gửi vốn chuyên dùng để thực hiện các giao dịch chuyển vốn của bên nước ngoài  theo quy định của NHNN gồm các Công ty liên doanh Vận tải hành khách Phú Thọ ( Phú Thọ), Công ty liên doanh Vận tải hành khách Phương Trinh ( Tây Ninh) Công ty liên doanh Vận tải ôtô Minh Long (Ninh Bình), Công ty liên doanh Phát triển Giao thông Vận tải Lào Vân ( Lào Cai), Công ty liên doanh Vận chuyển hành khách Sơn La (Sơn La).

Đối với bên Việt Nam vốn góp của nhiều công ty là tiền của lái xe trong đó có công ty 100% vốn do lái xe góp hoặc chủ yếu do lái xe đóng dưới danh nghĩa là tiền trách nhiệm tới 100% giá trị xe.

Hầu hết các DN nước ngoài góp vốn không đúng tiến độ quy định tại giấy phép đầu tư và điều lệ công ty liên doanh.

Về sử dụng xe, theo quy định tại điều 57 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 quy định chi tiết thi hành luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, DN đầu tư nước ngoài muốn hưởng ưu đãi đầu tư thì phải thực hiện đúng quy định tại giấy phép đầu tư và giải trình kinh tế kỹ thuật.

Liên doanh chỉ là hình thức

Thực tế nhiều DN liên doanh có các biểu hiện cụ thể là không sử dụng xe mà cho các tổ chức khác thuê kinh doanh. Không sử dụng xe đúng luồng, tuyến, bến bãi đã ghi tại giải trình kinh tế kỹ thuật để được miễn thuế. Chẳng hạn xe phải vận chuyển hành khách tại địa bàn khó khăn thì thực tế lại hoạt động tại địa bàn khác. Không tổ chức kinh doanh, không quản lý hoạt động  của các xe mà giao thẳng xe hoặc khoán kinh doanh cho lái xe. Kết hợp việc này với việc huy động vốn góp của lái xe như trên, Bộ Tài chính nhận định một số công ty liên doanh chỉ còn là danh nghĩa.

Về tổ chức điều hành kinh doanh, một số liên doanh không có trụ sở như Công ty liên doanh Vận tải hành khách Phương Trinh ( Tây Ninh), Công ty liên doanh Vận chuyển hành khách Sơn La (Sơn La); không có bộ máy điều hành hoạt động riêng như Công ty liên doanh Vận tải hành khách Phú Thọ (Phú Thọ), Công ty liên doanh Vận tải hành khách Phương Trinh ( Tây Ninh), Công ty liên doanh Vận chuyển hành khách Sơn La (Sơn La), toàn bộ hoạt động do phía Việt Nam điều hành.

Ví dụ Công ty Phú Thọ hoàn toàn không có bộ máy hoạt động riêng như quy định và đã đăng ký. Việc sử dụng số xe nhập khẩu như thế nào hoàn toàn do Công ty TNHH Việt Hưng quyết định, bên nước ngoài không tham gia điều hành mà tiền lương của 2 cá nhân nước ngoài  chưa 1 lần ký nhận, trên sổ chỉ thấy TGĐ bên VN ký nhận hộ.

Có công ty không có hệ thống sổ sách chứng từ theo dõi, điều hành hoạt động kinh doanh như Công ty liên doanh Vận tải hành khách Phương Trinh ( Tây Ninh). Phần lớn các liên doanh, bên nước ngoài không trực tiếp tham gia điều hành DN thậm chí không quan tâm đến kết quả kinh doanh như Công ty liên doanh Vận tải hành khách Phú Thọ ( Phú Thọ), Công ty liên doanh vận tải hành khách Phương Trinh ( Tây Ninh), Công ty liên doanh Phát triển Giao thông Vận tải Lào Vân ( Lào Cai), Công ty liên doanh Vận chuyển hành khách Sơn La (Sơn La).

Về hạch toán trả lương người lao động  một số liên doanh không kê khai nộp thuế đối với phần lợi nhuận được hưởng của bên nước ngoài để lại bổ sung vào vốn pháp định theo quy định, một số liên doanh không có hợp đồng lao động, trả lương và đóng bảo hiểm xã hội  với các lái xe, phụ xe.

Theo Bộ Tài chính, một số liên doanh chỉ là hình thức để được miễn thuế nhập khẩu ôtô và hưởng các ưu đãi khác như Công ty liên doanh Vận tải hành khách Phương Trinh, Công ty liên doanh Vận tải hành khách Phú Thọ, Công ty liên doanh Vận tải ôtô Minh Long.

Bộ kế hoạch đầu tư cũng thừa nhận trường hợp DN không trực tiếp tổ chức vận tải mà giao khoán hoặc cho thuê xe, thu 100% giá trị xe là hình thức bán xe trá hình để trốn thuế, là hành vi không thực hiện mục tiêu tại giấy phép đầu tư.

Theo Bộ Tài chính, mục đích thu hút đầu tư nước ngoài chưa đạt được. Vốn hầu như là tiền của Việt Nam được huy động từ các tổ chức, cá nhân  trong nước. Kinh nghiệm quản lý kinh doanh của nước ngoài không có gì.

Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn số 523/VVPCP- V.I do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng ký chỉ đạo Bộ Tài chính truy thu số thuế các DN này đã được miễn khi nhập khẩu xe và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.