| Hotline: 0983.970.780

Sẽ xây dựng trung tâm nghề cá ở Kiên Giang

Thứ Ba 15/10/2013 , 10:48 (GMT+7)

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang về việc quy hoạch và phát triển thủy sản.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang về việc quy hoạch và phát triển thủy sản.

Cụ thể là kế hoạch triển khai dự án xây dựng trung tâm nghề cá; chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020; bàn giải pháp bảo vệ, tái tạo nguồn cá cơm để phát triển làng nghề và thương hiệu nước mắm Phú Quốc và thí điểm triển khai Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Hoàng Sa tiếp và làm việc với đoàn.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Kiên Giang, cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành) đang trong tình trạng quá tải. Tuy nhiên, việc triển khai tiếp giai đoạn 2 của khu cảng cá này đang gặp khó khăn do chi phí giải phóng mặt bằng quá lớn.

Hơn nữa, luồng vào cảng rất cạn, tàu cá lớn rất khó ra vào. Vì vậy, Kiên Giang đang cân nhắc phương án xây dựng trung tâm nghề cá lớn ở vị trí bờ tả sông Cái Lớn (huyện An Biên).


Cảng cá Tắc Cậu đang quá tải

So với khu cảng hiện hữu, trung tâm này có nhiều ưu điểm: Tàu thuyền từ biển Tây vào cảng gần; dân cư thưa thớt, thuận tiện cho công tác giải phóng mặt bằng và phát triển mở rộng cảng trong tương lai; gần khu neo đậu tránh bão cho tàu cá trên kênh Xẻo Rô. Ngoài ra, vị trí xây dựng trung tâm nghề cá lớn tại bờ tả sông Cái Lớn còn góp phần phát triển tiểu vùng U Minh Thượng.

Về tình hình nguồn nguyên liệu cá cơm ở vùng biển Phú Quốc đang bị khai thác quá mức dẫn đến nguy cơ cạn kiệt. Ngoài ra, tình trạng cạnh tranh thu mua cá cơm để chế biến cá khô sấy dẫn đến nhà thùng bị thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Trong hoạt động khai thác đánh bắt, tình trạng ngư dân đưa tàu sang khai thác thủy sản tại vùng biển giáp với các nước trong khu vực ngày càng nhiều và có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là vùng biển giáp với các nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Campuchia, nhiều trường hợp đã bị lực lượng chức năng của nước sở tại bắt giữ, tịch thu tàu cá, phạt tù thuyền trưởng và thuyền viên.

Việc làm này không chỉ gây thiệt hại về tài sản và tính mạng của bà con ngư dân mà còn làm ảnh hưởng không tốt đến quan hệ ngoại giao giữa ta với các nước có liên quan.

Cụ thể, năm 2012 Kiên Giang có 55 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, trong đó Campuchia bắt 37 tàu. Riêng 9 tháng đầu năm 2013, tàu của ngư dân Kiên Giang bị nước ngoài bắt giữ 15 chiếc.

Các tàu cá bị Indonesia, Malaysia và Thái Lan bắt giữ xử lý tịch thu tàu, các tàu bị Campuchia bắt sau khi phạt tiền thì thả tàu về. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp tàu cá và ngư dân bị các nước kiểm soát, bắt giữ nhưng không khai báo, chủ tàu tự liên hệ nộp phạt để chuộc tàu và người về.

Hiện chưa có số liệu cụ thể về thiệt hại của ngư dân trong các vụ việc nêu trên, nhưng ước thiệt hại là khá lớn, bao gồm giá trị tàu, sản phẩm khai thác được bị tịch thu, số tiền phải nộp phạt và các khoản chi phí khác của chủ tàu phải bỏ ra, tổng thiệt hại có thể là hàng trăm tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng Kiên Giang có nguồn lợi lớn về thủy sản, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế biển. Thời gian tới, để phát triển mạnh ngành thủy sản, địa phương cần tập trung vào Đề án Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được Chính phủ phê duyệt.

Đối với nguồn lợi thủy sản, Kiên Giang là một trong những địa phương cần phải nằm trong quy hoạch bảo vệ, nhất là nguồn lợi cá cơm để phát triển thương hiệu nước mắm Phú Quốc.

Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Thủy sản và Sở NN-PTNT Kiên Giang sớm đưa ra giải pháp bảo vệ nguồn lợi cá cơm.

Để xây dựng trung tâm nghề cá lớn tại địa phương, tỉnh Kiên Giang nên chủ động chọn nhà tư vấn xứng tầm để đánh giá, chọn lựa phù hợp tình hình thực tế địa phương.

Về việc thực hiện Chỉ thị 689/CT-TTg, địa phương cần rà soát nắm lại tình hình, nhất là các đối tượng đưa ngư dân đi khai thác bất hợp pháp cần phải xử lý nghiêm.

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Bình Định lên phương án né hạn cho vụ hè thu

Bình Định đang lên phương án chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, tập trung vận động người dân tiết kiệm nước để đảm bảo thắng lợi vụ hè thu 2024.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.