| Hotline: 0983.970.780

Sĩ diện hại tình duyên

Thứ Bảy 08/07/2017 , 15:30 (GMT+7)

Lúc yêu nhau, Hằng rất vui khi thấy Phú luôn tỏ ra hào phóng không chỉ với cô mà với bạn bè của cả 2 bên. Lúc đó, Hằng nghĩ, chắc nhà Phú giàu có lắm nên anh mới tiêu tiền không nghĩ ngợi như thế.

Câu mà Phú hay nói mỗi khi bỏ tiền ra chiêu đãi cô hay bạn bè là: “Vài đồng bạc có đáng sá gì!”. Được bạn bè khen ngợi là có người yêu “bạo chi”, Hằng rất hãnh diện. Cô cho rằng, đàn ông không keo kiệt thế là nhất rồi. Bởi cô rất sợ lấy phải ông chồng tủn mủn kiểu “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”.

22-07-54_trng_10
Ảnh minh họa

Tuy vậy, vài lần đến nhà người yêu mà không báo trước, Hằng hết sức bất ngờ khi bắt gặp Phú đang húp mì tôm hoặc trệu trạo nhai bánh mì không… Phú cười ngượng nghịu: “Anh đang bận làm cho xong mấy việc trường giao nên chẳng có thời gian ra ngoài ăn”. Hằng xuê xoa: “Không sao! Tiết kiệm cũng tốt mà!”. Hằng đâu ngờ Phú nhẵn túi khi chưa đến kỳ nhận “viện trợ” từ nhà.

Lấy nhau rồi, Hằng mới phát hiện ra Phú mắc bệnh “sĩ”. Mới ra trường nên thu nhập của hai vợ chồng không cao. Hàng tháng, đủ các khoản phải chi như tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền điện nước…nên số tiền còn lại không bao nhiêu. Tháng nào có đám cưới hay sinh nhật là thấy gay go.

Tất nhiên hoàn cảnh như thế thì cũng không sao. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Chả cần phải than nghèo kể khổ với ai bởi cũng chẳng ai cho mình được đồng nào. Hằng nghĩ thế. Chỉ có điều, Phú lại luôn tỏ ra là người có tiền nên dù Hằng khéo đến mấy cũng chẳng “no” hay “ấm” được bởi Phú thích “vung tay quá trán”. Mỗi khi đi chơi hay đi ăn uống với bạn bè, Hằng thích xử sự theo kiểu “có đi có lại”: hôm nay người này trả tiền, thì lần sau người khác trả. Khổ nỗi, vì muốn chứng tỏ mình hào phóng nên cuộc vui nào Phú cũng xung phong “bao”. Bạn bè dành trả hay đề nghị chia ra cho công bằng, Phú khoát tay: “Vài trăm ngàn, bao nhiêu đâu mà phải tranh nhau trả! Cứ để đó cho mình!”.

Khi nào trong túi Phú có tiền đã đành. Nhưng nhiều khi túi rỗng, anh chàng nháy vợ: “Kìa! Em trả đi chứ!”. Không muốn chồng mất mặt nên Hằng đành tỏ ra vui vẻ “móc hầu bao”. Những “sự cố không mong muốn” như vậy xảy ra không chỉ một lần khiến Hằng rất chán nản. Khi nghe cô than phiền, Phú trách vợ coi trọng đồng tiền hơn tình cảm rồi cự cãi, hờn giận.

Bệnh sĩ của Phú thể hiện rõ nhất trong những lần giỗ chạp hay tết nhất về quê. Quê Phú là làng nghề đúc đồng nên không đến nỗi nghèo. Họ hàng nhà Phú đều biết làm ăn nên về kinh tế còn khá giả hơn vợ chồng Hằng. Vậy mà, mỗi lần về quê, đến bất nhà ai, Phú cũng đòi Hằng phải mua những loại quà đắt tiền. Bởi theo anh: “Dù sao vợ chồng mình cũng là cử nhân, kỹ sư. Lâu lâu mới về quê mà không có quà, mất mặt lắm. Mà quà rẻ tiền, người ta cười vào mặt, bảo mình keo kiệt!”.

Những khi trong họ hay trong nhà có việc, Phú luôn đòi góp phần hơn cho ra vẻ người thành phố. Thấy Phú hào phóng, mọi người cho rằng vợ chồng anh kiếm được nhiều tiền nên xúm vào khen ngợi, tâng bốc. Thế là bố mẹ Phú hớn hở, còn Phú hả hê. Chỉ có Hằng cười gượng, lo lắng nghĩ cách chi tiêu trong những ngày tới.

Hằng lo là phải. Thu nhập thì cố định. Trong khi những khoản góp ở quê thì vô cùng: nào ma chay cưới hỏi, nào bà A vừa nhập viện, ông B mới ngã gãy chân… Thế là Hằng luôn trong tình trạng chưa hết tháng đã hết tiền. Đang có bầu mà bữa ăn chỉ có rau luộc với đậu phụ rán hay tép rang mặn, Hằng nuốt không nổi. Vậy mà Phú vẫn tỉnh rụi: “Em chịu khó tí đi! Ở nhà ăn uống kham khổ không ai biết! Nhưng trước mặt mọi người, mình phải cư xử đẹp để khỏi bị khinh!”.

Công bằng mà nói, ngoài tính thích sĩ diện, tỏ vẻ ta đây ra thì tính tình Phú cũng không đến nỗi nào. Nhưng mà, với cái bệnh sĩ đã trở thành mãn tính, khó chữa của chồng, làm sao Hằng có thể chịu đựng mãi được?

(Kiến thức gia đình số 26)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất