| Hotline: 0983.970.780

Siết đường bộ, khổ đường thủy

Thứ Sáu 11/04/2014 , 10:36 (GMT+7)

Nhiều chiếc tàu đang cõng trên mình hàng ngàn tấn gạo nổi trôi giữa sông Cấm, sông Bạch Đằng mòn mỏi chờ tới ngày vào cảng.

Thiếu phương tiện chuyên chở đường bộ, mỗi chiếc tàu phải nằm tại cầu cảng Hải Phòng hơn 10 ngày mới có thể bốc dỡ xong hàng hóa. Nhiều chiếc tàu đến sau cõng trên mình hàng ngàn tấn gạo đang phải nổi trôi giữa sông Cấm, sông Bạch Đằng mòn mỏi chờ tới ngày vào cảng.

10 ngày mới bốc được ½ lượng hàng 

Từ đầu tháng tư đến nay, một hiện tượng ít thấy diễn ra tại các cảng biển Hải Phòng. Trong khi 10 cảng biển dọc sông Cấm từ ngã 3 Sở Dầu phường Sở Dầu đến khu 7 phường Quán Toan (quận Hồng Bàng): như Vật Cách, Tiến Mạnh, Tân Hương, Duy Linh, Tuấn Loan… bao phủ bởi khung cảnh đìu hiu, vắng lặng thì ở giữa dòng sông, khoảng 60 chiếc tàu (chủ yếu chở gạo) từ phía Nam di chuyển lên vẫn phải nằm “chết dí” nhiều ngày liền để chờ đến lượt vào cảng giao hàng.

18-12-22_cng-duy-linh-im-lim-vi-khong-co-xe-ti-vo-cho-hng-chiec-tu-thnh-cong-36-neo-ti-cu-cng-10-ngy-vn-con-ton-gn-1-nu-hng-ho
Cảng Duy Linh im lìm vì không có xe đến bốc hàng

Với 8 đội bốc xếp hàng được trang bị máy cẩu hiện đại, thời điểm trước ngày 1/4 (đồng loạt siết tải trọng đường bộ), mỗi ngày cảng Tiến Mạnh (cảng biển tư nhân) có thể bốc xếp khoảng 4.000 tấn hàng hóa. Vài chục xe tải, container luôn đậu chật kín bến bãi chờ nhận hàng, hoạt động vô cùng huyên náo. Giờ đây, cảnh tượng sôi nổi ấy đã chìm nghỉm, lúc đông nhất chỉ có 4 xe tải “hứng hàng”.

Theo BQL cảng Tiến Mạnh, khoảng 10 ngày nay cảng chỉ vận hành được 25 – 30% công suất. Trước đây, một tàu chở 3.000 tấn gạo chỉ phải dừng đỗ tại cầu cảng 2-3 ngày là có thể bàn giao xong hàng hóa cho khách.

Thuyền trưởng tàu Thành Công 36 Trương Mạnh Đồng tính sơ qua chi phí Cty phải thiệt hại khi nằm chờ tại Hải Phòng 1 ngày ít nhất 10 triệu đồng. Trong đó bao gồm tiền lương cho 13 người (gồm thuyền trưởng, thuyền phó, sỹ quan, thợ máy và thuyền viên) 6 triệu đồng; tiền ăn 60 ngàn/người; còn lại là tiền dầu phát điện, chi phí bến bãi... Đó là chưa kể tàu đứng im không thể sinh lợi, nếu Cty phải vay tiền để đóng tàu thì mức thiệt hại còn gấp nhiều lần.

Còn nay, vì chủ hàng không huy động được xe tải đến nhận hàng nên tàu phải nằm chờ 9 – 10 ngày. 8 chiếc cần cẩu mấy chục tỷ đồng thay phiên nhau “ngồi chơi”. Hàng chục lao động bốc xếp hàng ngáp ngắn ngáp dài. Người chụp mũ kín mặt ngủ. Người lê la trà đá. Mặt ai cũng buồn thườn thượt chờ việc.

Đến cảng Duy Linh (cảng tư nhân), cảnh tượng còn buồn thảm hơn. Hai chiếc tàu Thành Công 36 và Thành Đạt 9 án ngữ ở đây hơn 10 ngày trời mà trên các khoang tàu vẫn đọng hàng ngàn tấn gạo. Xem trang sổ ghi chép các phương tiện xe tải ra vào cổng cảng của bác bảo vệ ngày 10/4 vẫn thấy trắng tinh.

Bác bảo: Sáng nay mưa, không có xe nào vào bãi. Mấy hôm nay, mỗi ngày có khoảng 5 – 6 xe vào bốc xếp. Xe vào tập trung còn đỡ, đằng này cứ tắc bọp. Khi thì sáng sớm, lúc lại nửa đêm làm khổ không biết bao nhiêu người. Từ cánh thợ bốc, ông lái tàu đến người giao nhận hàng cứ như con rối, không biết phải làm việc lúc nào.

Thuyền trưởng tàu Thành Công 36 Trương Mạnh Đồng (thuộc Cty TNHH Vận tải Thành Công) than thở: Tàu của tôi chở 3.000 tấn gạo từ Mỹ Tho ra đây từ ngày 31/3. Đến ngày 1/4 thì cập cầu cảng. Bây giờ mới xuất cho khách hàng được 1.700 tấn gạo, vẫn còn 1.300 tấn trên tàu. Chắc phải 1 tuần nữa mới giải phóng hết và quay về. Như thường lệ, nếu đủ xe tải chở hàng, công nhân chỉ bốc 3 ngày thì xong, giờ chôn chân ở đây nhiều ngày liền sốt ruột lắm.

18-12-22_hng-chuc-lo-dong-ti-cng-tn-huong-ngoi-choi-vi-khong-co-xe-ti-vo-cho-hng
Công nhân bốc xếp làm việc... cầm chừng

Khổ nhất vẫn là các tàu chở hàng hóa đến sau ngày 1/4. Do các tàu đến trước đã “xí” hết cầu cảng, nhiều thuyền trưởng phải đành cho tàu vạ vật giữa sông. Một ngư dân Hải Phòng tốt bụng ở bến đò Lâm chở tôi ra sông để lên chiếc tàu mang tên Đức Sơn 136.

Ông thuyền trưởng không thể chờ lâu ngày giữa dòng nước nên đã vào bờ. Ông thuyền phó cũng đang say sưa ngủ. Thuyền viên Đinh Quang Hải, chia sẻ: “Tàu tôi vào sông Cấm đã được 5 ngày rồi mà vẫn không có cảng nào thừa cầu bốc vác, đành phải “nằm gai nếm mật” ở đây. Đi tàu 5 năm nay, tôi chưa thấy cảnh tượng ùn tắc tàu nhiều như thế bao giờ. Không chỉ sông Cấm mới tắc đâu, anh ra sông Bạch Đằng cũng thế thôi".

Kho bãi quá tải, xe tải nằm dù

Cảng Vật Cách (thuộc Cty CP Tổng Cty Hàng hải Việt Nam) được đầu tư hệ thống kho bãi rộng hàng chục ngàn m2. Tàu cập cảng còn có thể bốc xếp lên toa vận chuyển bằng đường sắt. Tuy nhiên, một lãnh đạo cảng Vật Cách (yêu cầu không đưa tên) cho biết: "Trước thời điểm 1/4 (Bộ GTVT siết chặt kiểm tra, xử phạt xe chở quá tải trọng) thì cảng này đã kín chỗ vì phải trữ hàng ngàn tấn đường và phân bón. Các toa tàu cũng đã gần như hết chỗ nên chỉ có thể “nhét” thêm được một lượng nhỏ hàng hóa.

Nhìn bề ngoài, số lượng xe tải ra vào cổng cảng chỉ ít hơn thường ngày một chút, nhưng khối lượng hàng hóa vận chuyển ra thì chỉ bằng một nửa. Có hàng chục tàu đăng ký cập cảng, nhưng chúng tôi không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng".

Trước đây, mỗi chiếc còn độn được thêm nhưng nay không ông lái xe nào dám làm vì sợ CSGT “bắt tội”. Cước vận chuyển tăng từ 600 đồng/kg lên 1.100 đồng/kg. Có công ty vận tải biết doanh nghiệp của tôi cần xe nên “thét giá” 1.300 đồng/kg. Vậy thì lỗ nặng. Tôi đã tính đến chuyện thuê kho hàng ở Hải Phòng rồi nhưng chỗ nào cũng báo hết. Thông qua cò cũng có vài mối nhưng giá cao gấp đôi mức bình thường. Kiểu này phải chấp nhận lỗ nặng để giải phóng hàng".

Ông Dũng, chủ một doanh nghiệp kinh doanh gạo ở Quảng Ninh, chuyên nhập gạo từ ĐBSCL xuất khẩu sang Trung Quốc, chia sẻ: “Nửa tháng trước lúc nào cũng có ít nhất 50 – 60 chiếc xe tải đỗ dọc đường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, giờ không biết số xe ấy “bốc hơi” đi đâu. Tôi cần chở 400 tấn gạo lên Lào Cai nhưng mới thuê được 5 xe tải trọng 25 tấn.

Vạ vật ở quán trà đá trước khu vực cảng Vật Cách, anh Phan Đình Dũng, Cty Đại Hoàng (đóng trên địa bàn TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cầm tờ Sơ đồ bố trí khoang hàng hóa Cty TNHH Dịch vụ vận tải biển Ngô Đam fax ra mà ngao ngán: “Đối tác bảo tàu sẽ cập cảng vào ngày thứ 7 tuần trước, thế mà bây giờ vẫn chưa vào được cảng”.

Theo anh Dũng, Cty của anh thực chất là Tổng đại lý chuyên phân phối gạo cho các đại lý phía Bắc. Trước đây, giá mỗi kg gạo được niêm yết (sau khi trừ chi phía kho bãi, bốc vác và vận chuyển) đảm bảo lãi khoảng 200 đồng. Bây giờ, cước vận chuyển từ Hải Phòng lên Việt Trì đã tăng từ 300 đồng/kg lên 600 đồng/kg, nhân với số lượng gạo 2.000 tấn thì số tiền thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.

Thông thường, nếu muốn tăng giá thì Cty phải có văn bản thông báo với các đại lý trước đó khoảng 15 – 30 ngày. Nhưng, cước phí vận chuyển tăng đột ngột do Bộ GTVT kiểm soát mạnh trọng tải xe nên Cty không kịp xoay xở. Giờ chỉ còn cách chỉ đạo phòng kinh doanh đàm phán lại giá cả với đại lý.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.