| Hotline: 0983.970.780

Siêu lãi suất "đè bẹp" gà, vịt sạch!

Thứ Hai 15/08/2011 , 10:49 (GMT+7)

Nhiều dự án chăn nuôi gà, vịt lấy thịt và trứng an toàn sinh học quy mô lên đến hàng triệu con đang phải đình trệ vì vướng phải rào cản về “siêu lãi suất".

Chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học khó mở rộng vì vướng đủ đường

Nhiều dự án chăn nuôi gà, vịt lấy thịt và trứng an toàn sinh học quy mô lên đến hàng triệu con của hai “đại gia” là Cty TNHH Ba Huân và Cty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ (TPHCM) đang phải đình trệ vì vướng phải rào cản về “siêu lãi suất".

Nói đến trứng sạch ai cũng biết Cty TNHH Ba Huân (TPHCM) đi đầu cả nước về đầu tư máy móc hiện đại nhất châu Âu để xử lý trứng, đảm bảo xử lý sát khuẩn đến 99%. Khi dây chuyền xử lý trứng đầu tiên (công suất 65.000 trứng/giờ) hoạt động tốt, Cty đã đầu tư thêm máy có công suất gấp đôi, đồng thời gắn kết với bà con chăn nuôi vùng sông nước ĐBSCL để tạo ra chuỗi nguồn hàng được sản xuất theo đúng quy trình an toàn, chất lượng. Nhờ những cách làm hiệu quả này, hiện tại “trứng sạch Ba Huân” đang chiếm tới 40% thị phần tại TPHCM.

Tuy nhiên, khi công suất tăng cao kéo theo Cty phải triển khai nhiều dự án chăn nuôi gà, vịt an toàn sinh học để đảm bảo nguồn trứng sạch đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bị đình trệ vì chuyện lãi suất ngân hàng đang ở mức thượng đỉnh. Bà Phạm Thị Huân – Giám đốc Cty TNHH Ba Huân cho biết, nuôi vịt truyền thống hiện gặp nhiều rủi ro, dễ thiệt hại khi dịch bệnh lây lan nhanh. Nhưng thực tế, bà con vẫn phải nuôi vì đó là cuộc sống của người dân vùng sông nước, đồng thời cũng để tận dụng 4 triệu tấn lúa thu hoạch rơi vãi trên đồng.

Năm 2010, Cty Ba Huân triển khai mô hình nuôi vịt siêu trứng an toàn sinh học thành công tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Khi áp dụng mô hình này, người nông dân không chỉ giảm được nhân công nuôi vịt, tăng tỷ lệ nuôi sống lên đến 95% mà còn kiểm soát được dịch bệnh, rút ngắn thời gian nuôi vịt cho trứng. Vịt bắt đầu đẻ lúc 3,5 tháng tuổi (thay vì 5,5 tháng như vịt ta), năng suất 217- 258 quả/mái/năm.

Tuy nhiên, khi Cty Ba Huân muốn triển khai dự án táo bạo nhưng đầy thiết thực này xuống cho bà con nông dân hàng loạt tỉnh như Trà Vinh, Kiên Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre… thì vướng ngay phải rào cản “siêu lãi suất”. Bà Huân cho biết: “Chúng tôi muốn phát triển dự án chăn nuôi an toàn sinh học lên đến hàng triệu con, số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Nhưng lãi suất ngân hàng hiện trên 20%, có nghĩa là chúng tôi phải thu lãi tới 35% để có thể trả tiền lãi suất ngân hàng và đảm bảo các chi phí hoạt động cho Cty. Đây thực sự là vấn đề nan giải trong bối cảnh lạm phát tăng cao như hiện nay”.

Bà Phạm Thị Huân: Theo ý kiến của tôi, ngành nông nghiệp nhất là chăn nuôi cần phải có cơ chế riêng, đặc biệt về lãi suất ngân hàng để hỗ trợ cho bà con giống như từng làm với cây lúa. Điều này sẽ giúp những DN lớn, có tâm huyết với nghề có thể phát triển đàn mau hơn. Chính phủ đã cho DN kinh doanh lúa gạo, thủy sản được nhận vay vốn ưu đãi, nếu DN làm trứng và gia cầm cũng được ưu đãi như vậy thì chắc chắn ngành chăn nuôi sẽ vực dậy thôi!

Tương tự, ông Châu Nhựt Trung – Tổng Giám đốc Cty Huỳnh Gia Huynh Đệ (DN kinh doanh gia cầm lớn nhất nước đóng tại TPHCM) cho biết, theo chủ trương của nhà nước, Cty đã lập một nhà máy giết mổ ở Đồng Tháp với công suất lên đến 78.000 con gia cầm/ngày và trở thành 1 trong 10 nhà máy giết mổ lớn nhất thế giới (vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng), mới hoàn thành tháng 5/2011. Sở dĩ Cty đầu tư nhà máy cực lớn ở đây với dụng ý khi có dịch bệnh gia cầm xảy ra, nhà máy sẽ xử lý ngay nguồn hàng để hạn chế thiệt hại cho nông dân và ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, có nhà máy rồi nhưng dự án đầu tư vùng nguyên liệu khoảng 2,7 triệu con theo công nghệ sạch đang gặp rất nhiều khó khăn về lãi suất. “Tất cả mọi thứ như về đất đai, máy móc, kỹ thuật… chúng tôi đều đầy đủ, nhưng lãi suất ngân hàng đang khiến DN phải chùn chân. Nếu bây giờ chúng tôi muốn mỗi ngày có khoảng 15.000 con gia cầm sạch để vận hành thì phải bỏ ra tới 400 tỷ đồng để xây dựng vùng nguyên liệu. Việc đầu tư vào ngành hàng này đang gặp rất nhiều rủi ro liên quan đến dịch bệnh, nhưng chính sách hỗ trợ về tài chính lại rất hạn chế”.

Ông Trung cho rằng, trong bối cảnh của VN thì ngành chăn nuôi phải được xem là ngành kinh tế đặc thù và có chính sách đặc biệt hơn. Bởi lẽ, khi các DN lớn, tâm huyết với ngành được nhận hỗ trợ, đồng nghĩa với việc họ sẽ đem lại rất nhiều cái lợi cho xã hội như: tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nông dân, giảm dịch bệnh, kéo giá thành sản phẩm gia cầm xuống mức thấp nhất có lợi cho người tiêu dùng (thấp hơn thị trường 15%), đảm bảo công tác bình ổn giá của nhà nước, tạo an sinh xã hội tốt…

Ông Châu Nhựt Trung chốt lại: “Nhà nước cần phải có quyết sách với ngành chăn nuôi và DN tâm huyết với nghề này. Nói gì đi nữa, ở VN nếu sớm hình thành được quy mô chăn nuôi, giết mổ và đóng gói khép kín tầm cỡ thế giới như Huỳnh Gia Huynh Đệ đang làm, thì nói về tự ái nghề nghiệp, tự ái của quốc gia mình cũng cảm thấy nở mày nở mặt lắm chứ"!

Xem thêm
Thái Lan dự kiến xuất khẩu 1 triệu tấn sầu riêng trong năm 2024

Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn sầu riêng, trị giá khoảng 130 tỷ baht, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kem Thủy Tạ ra mắt 2 vị kem mới tại Lễ hội 2024

Ngày 20/4, Công ty CP Thực phẩm Thủy Tạ tổ chức 'Lễ hội Kem Thủy Tạ 2024' tại Nhà hàng Thủy Tạ Legend, số 1 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.