Sinh kế Cộng đồng là chương trình của Tập đoàn Central Retail với mục đích hỗ trợ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân Việt Nam. Qua đó đã tiêu thụ hơn 400 tấn hàng hóa nông sản, tạo sinh kế bền vững cho trên 500 hộ gia đình, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.
Trước kia, khi chưa có hệ thống siêu thị và các doanh nghiệp vào kết nối chuỗi với bà con nông dân, các đầu mối vẫn chỉ thu mua và bán vào các siêu thị, chợ đầu mối ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, giá bán chưa cao, sản xuất và thu nhập của người dân không ổn định.
Sau khi Tập đoàn Central Retail tới triển khai dự án Sinh kế Cộng đồng thì chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm của người nông dân đã bền vững hơn, diện tích rau, hoa ngày càng được nhân rộng.
Đánh giá mô hình liên kết giữa hệ thống siêu thị và các hộ nông dân, ông Vũ Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Sơn La cho rằng, đây là chuỗi hết sức ý nghĩa và mang tính bền vững lâu dài trong liên kết sản xuất nông nghiệp.
“Bên cạnh vai trò dẫn dắt thị trường, đỡ đầu cho đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp bán lẻ lớn của nước ngoài là Tập đoàn Central Retail là sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác đứng ra làm đầu mối thu mua sản phẩm hàng hóa, chịu trách nhiệm với hệ thống bán lẻ, đưa được hàng hóa đúng theo đơn đặt hàng đã ký kết”, ông Vũ Đức Thuận nhận định.
Chương trình Sinh kế Cộng đồng bước đầu đã giải quyết được nhiều vấn đề về an sinh xã hội tuy nhiên dưới góc độ thị trường vẫn còn rất nhiều khó khăn do các điều kiện khách quan và chủ quan.
Có thể thấy việc tạo công ăn việc làm cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hiện đang chiếm khoảng 14% dân số Việt Nam, là một việc làm ý nghĩa. Tạo việc làm, tạo thu nhập cho bà con, đặc biệt là ở vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khi điều kiện về địa hình, giao thông vận tải, trình độ dân trí của người dân vẫn còn đang có nhiều hạn chế là một trong những giải pháp rất hữu hiệu để hàng hóa nông sản vùng cao được tiếp cận thị trường tiêu thụ.
Tuy nhiên việc đồng bào dân tộc có thể sản xuất ra hàng hóa có tính thị trường, đủ lượng lớn để đưa vào hệ thống phân phối lớn là điều không dễ khi quy mô sản xuất của bà con vẫn còn nhỏ lẻ. Nếu không có 1 đơn vị như hợp tác xã, tổ hợp tác đứng ra để tổ chức thì người nông dân chỉ đạt được ở mức tự cung, tự cấp và có một chút sản phẩm mang ra bán tại khu chợ ở khu vực nông thôn, khu vực miền núi của họ.
Nhận định về những khó khăn của đồng bào dân tộc, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công thương), cho rằng thời gian tới, khi có các chính sách mới thì cần quan tâm và hoàn thiện kĩ lưỡng từng khâu một. Từ khâu sản xuất như thế nào; tổ chức vùng sản xuất hàng hóa ra sao; tạo điều kiện phát triển nông thôn mới về đường xá để việc tiếp cận thị trường được thuận tiện hơn. Và điểm quan trọng nữa đó là tổ chức ra được thị trường cho những hàng hóa đặc trưng theo mô hình sinh kế cộng đồng này.
“Chúng ta nên đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng ở các vùng miền khác biết đến các sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và thu mua ủng hộ, tạo điều kiện để người dân giảm nghèo, thoát nghèo và làm giàu trên quê hương của họ. Đồng thời thu hút được các nguồn vốn khác cho việc đầu tư hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp cũng như sản phẩm khác có chất lượng đạt được với tín hiệu thị trường”, bà Lê Việt Nga nói.
Theo ghi nhận của NNVN, đa số người tiêu dùng tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) đều đánh giá cao chất lượng nông sản của người dân huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Chị Nguyễn Thị Thúy (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “So với mức giá bình thường thì cũng có loại rau đắt hơn. Nhưng với việc trồng rau sạch, thì đây là mức giá chấp nhận được. Rau trái vụ không ngon bằng chính vụ nhưng so với rau củ trái vụ ở những nơi khác thì tôi cảm nhận là rau ở đây ngon hơn. Tôi rất mừng vì bà con dân tộc đã có thể trồng rau củ quả sạch để bán. Tôi sẽ tiếp tục ủng hộ để thu nhập của bà con tăng lên.”