| Hotline: 0983.970.780

Sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi

Thứ Tư 04/11/2020 , 07:54 (GMT+7)

Ngày 3/11, tại Hà Nội, Cục Bảo trợ xã hội phối hợp với Tạp chí Lao động và Xã hội đã tổ chức Diễn đàn Sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi

Ông Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Công tác xã hội Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: HG.

Ông Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Công tác xã hội Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: HG.

Diễn đàn được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các cơ quan truyền thông về phát huy vai trò của người cao tuổi, nhất là tạo việc làm, trợ giúp người cao tuổi phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; đánh giá khái quát về chính sách, pháp luật trong tạo sinh kế và khởi nghiệp của người cao tuổi.

Cùng đó, chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm; khuyến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp phát huy và tạo sinh kế phù hợp cho người cao tuổi.

Theo ông Trần Ngọc Diễm, Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội, tuy số người cao tuổi ngày càng tăng, nhưng hiện mới có 3,1 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH; hơn 1,6 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp hàng tháng; khoảng 1,4 triệu người hưởng trợ cấp người có công, Do đó, trên 50% người cao tuổi không có nguồn thu nhập tích lũy, vẫn phải lao động, kiếm sống.

Khởi nghiệp cho người cao tuổi được coi là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, để người cao tuổi tiếp tục được cống hiến, sống vui, sống khỏe trong xu hướng già hóa dân số hiện nay.

Ông Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Công tác xã hội Việt Nam cho biết, thực trạng về hoạt động sinh kế của người cao tuổi theo nghiên cứu từ tháng 6-8/2020 tại 3 địa phương: TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hải Dương cho thấy, có khoảng 40-45% người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế. Với nhóm người cao tuổi còn khả năng tham gia hoạt động kinh tế, cần có thu nhập để đảm bảo cuộc sống và thực hiện quyền sống độc lập này; cần sớm có chính sách hỗ trợ tạo sinh kế và khởi nghiệp.

“Người cao tuổi cũng có nhu cầu học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Nhà nước có các chính sách miễn giảm phí tham gia khoá học, miễm giảm phí chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu.

Chính sách hỗ trợ sinh kế là tiền đề quan trọng giúp người cao tuổi tự bảo đảm thu nhập, giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của con cháu”, ông Nguyễn Hải Hữu đề xuất.

Tuy nhiên, các chuyên gia về lao động và việc làm cũng cho rằng, Nhà nước cũng cần quy định chặt chẽ người trong độ tuổi lao động cần có tích lũy bắt buộc để có nguồn thu nhập khi về già. Trong đó, nền tảng là chính sách bảo hiểm xã hội cần linh hoạt để mọi người có thể tiếp cận.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.