| Hotline: 0983.970.780

Sinh khí mới ở Hải Bắc

Thứ Hai 08/07/2013 , 10:23 (GMT+7)

Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, chính quyền xã Hải Bắc (Hải Hậu, Nam Định) đã có những cách làm hết sức sáng tạo, hiệu quả.

Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, chính quyền xã Hải Bắc (Hải Hậu, Nam Định) đã có những cách làm hết sức sáng tạo, hiệu quả. Đến nay, công cuộc xây dựng NTM của Hải Bắc gần như hoàn thành, dự định cán đích vào cuối năm 2013.

Có đặt chân về Hải Bắc, trò chuyện cùng người dân, chúng tôi mới cảm thấy luồng sinh khí NTM bao trùm khắp nơi. Từ đầu làng, cuối xóm, ai cũng rộn ràng phấn khởi khi đi trên những con đường bê tông phẳng lì, sạch bóng.

Ông Lê Duy Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bắc, bảo: "Chú thích nghe chuyện quê anh làm NTM, ngồi nghe cả ngày cũng không hết chuyện đâu".


Hệ thống kênh mương đều được kiên cố hóa

So với nhiều địa phương khác trong huyện, Hải Bắc cũng là một xã thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Năm 2010, xã bắt đầu tham gia vào phong trào xây dựng NTM. Đến đầu tháng 8/2011, công tác cắm mốc, quy hoạch bắt đầu được tiến hành.

Ông Dương gọi đó là “chiến dịch” bởi biết rằng, việc này không thể làm qua loa mà phải chắc chắn, chính xác. Tại các xóm, những người đứng đầu ban, ngành được nhóm lại thành một tổ. Tổ này có nhiệm vụ tham gia cùng cán bộ xã, đơn vị quy hoạch tham gia vào quá trình cắm mốc giới. Người dân có kiến nghị gì thì trực tiếp với tổ để chính quyền xã có giải đáp, điều chỉnh kịp thời.

Với khoảng thời gian gần 100 ngày, Hải Bắc đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa được 218 nghìn ha ruộng, giao cho 1879 hộ xã viên tiếp tục gieo cấy. Trong khi nhiều địa phương khác thực hiện chính sách kêu gọi người dân đóng góp tiền làm đường tính theo khẩu, theo hộ, Hải Bắc lại có một bước đi rất “lạ”.

Ông Dương chia sẻ, là người con của nơi đây nên tư tưởng, suy nghĩ của người nông dân như thế nào, ông là người rõ hơn ai hết. “Xây dựng NTM là làm vì người dân, cuộc sống của người dân có tốt thì  NTM thực sự đổi mới. Và, tôi cho rằng, phải đặt vị trí của mình vào họ thì làm việc gì cũng dễ”.

Bằng phương pháp vận động người dân đóng góp tiền của, công sức, hiến đất làm đường, đến nay, bộ mặt NTM ở Hải Bắc đã thực sự mới. Có xóm, giá trị tài sản người dân tự nguyện bỏ ra lên đến vài tỉ đồng. Tính trung bình, mỗi khẩu đóng góp được trên 1 triệu đồng.

Anh Phạm Văn Hào, Phó trưởng xóm 4, cho biết, người dân trong thôn ai cũng hưởng ứng phong trào xây dựng NTM hết mình. Cả 359 hộ trong xóm đồng loạt góp tiền, hiến đất mở những con đường khang trang, sạch đẹp. Hệ thống đường giao thông liên xóm toàn xã có 115 tuyến với chiều dài 45 km nay đã được kiên cố hóa bằng bê tông, chạy đến từng ngõ hẻm.

Về giao thông nội đồng, Hải Bắc đã huy động đào được 30km đường, bê tông hóa 15 km với chiều rộng mặt đường là 2,5 m, độ dày từ 13-15 cm. Ngoài ra, chính quyền xã còn đầu tư 875 triệu đồng sửa chữa ba tuyến đường nhựa liên huyện, liên xã do bị xuống cấp.

Khi tiến hành làm đường bê tông, mỗi giong (một khu dân cư trong thôn, xóm) bầu ra một người gọi là “giong trưởng”. Người này có nhiệm vụ giám sát toàn bộ quá trình làm được, là cầu nối giữa người dân và chính quyền xã. Khi làm xong, “giong trưởng” có nhiệm vụ báo cáo về xã, sau đó tiến hành kiểm tra chất lượng con đường.

Ông Dương kể rằng, người dân xã Hải Bắc làm NTM mà như tổ chức lễ hội. Ngày con đường hoàn thành, từng xóm đứng ra khánh thành, sau đó lại góp tiền ăn liên hoan. Xóm nào sang hơn thì mời hẳn ca sĩ trên huyện, tỉnh về hát giao lưu.

Tính đến nay, xã Hải Bắc đã hoàn thành được 17/19 tiêu chí xây dựng NTM. Ông Dương cho biết, hiện còn 2 tiêu chí đang vướng đó là tỉ lệ hộ nghèo và trường học. Trong đó, xã còn 5,5% hộ nghèo, chủ yếu là những hộ già cả, neo đơn, không có thu nhập kinh tế. Về vấn đề này, ông Dương chia sẻ, việc phấn đấu thoát nghèo nhanh chóng chưa chắc đã phải là cách hay.

“Chúng tôi làm chậm nhưng chắc, việc làm nhanh, làm ẩu để chạy theo thành tích thì không nên. Làm NTM là để thực sự người dân thoát nghèo chứ không phải thoát nghèo… trên giấy”, ông Dương bộc bạch. Còn trường cấp hai của xã cũng đang tiếp tục được đầu tư, phấn đấu đạt chuẩn quốc gia trong năm nay theo đúng lộ trình.

Chia sẻ kinh nghiệm làm NTM của địa phương, ông Lê Duy Dương cho rằng, việc cốt yếu là phải dựa vào dân, biến người dân thành chủ thể, từ đó khích lệ tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của nhân dân.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất