| Hotline: 0983.970.780

Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội tiếp tục dính hàng loạt sai phạm liên quan đến Tập đoàn Lã Vọng

Chủ Nhật 19/01/2020 , 19:43 (GMT+7)

UBND TP Hà Nội phải báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện việc xử lý trước ngày 1/4/2020.

Ông Lê Văn Vọng đã thoái toàn bộ vốn tại Lã Vọng trước khi Thanh tra Chính phủ sờ gáy

Sau khi bị phát hiện nhiều sai phạm liên quan vụ Nhật Cường khiến hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo bị bắt, mới đây, Thanh tra Chính phủ tiếp tục công bố nhiều vi phạm tại Sở Kế hoạch Đầu tư TP Hà Nội liên quan đến các dự án của Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Lã Vọng.

Theo Thông báo công khai Kết luận thanh tra toàn diện các dự án của Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội do Phó tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh ký, cơ quan thanh tra yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm các cán bộ Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội về các tờ trình liên quan để có hình thức xử lý nghiêm theo quy định. Những cán bộ có sai phạm được phân công đảm nhận công việc khác, không được tiếp tục làm công tác tham mưu về kế hoạch và đầu tư.

Cụ thể, đối với dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 (giai đoạn từ 2017 đến nay), Thanh tra Chính phủ nhận định việc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội tham mưu, phê duyệt đề xuất dự án và chỉ định nhà thầu thực hiện dự án BT khi quy mô dự án đã thay đổi là vi phạm quy định.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Sở Kế hoạch Đầu tư không tiếp thu ý kiến các bộ, ngành để tham mưu cho UBND Hà Nội lựa chọn hình thức đầu tư theo quy định. Việc sở căn cứ vào danh mục các ô đất theo đề xuất của nhà đầu tư để trình quỹ đất giao đối ứng thanh toán BT, đề xuất giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm quy định.

Những hành vi của Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội có nguy cơ gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Việc thực hiện sai quy định này tuy chưa gây ra thiệt hại nhưng gây bất bình trong quần chúng nhân dân, báo chí, ảnh hưởng xấu đến uy tín chính quyền TP Hà Nội.

Vì vậy, Thanh tra Chính phủ đề nghị rà soát lại toàn bộ quỹ đất được dùng làm đất đối ứng dự án BT để đưa vào đấu giá quyền sử dụng đất, để thực hiện dự án đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Trường hợp tiếp tục thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT thì phải thực hiện đúng quy định pháp luật, tránh gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Ngoài dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6, có 8 dự án khác liên quan đến Tập đoàn Lã Vọng trên địa bàn TP Hà Nội bị “sờ gáy”.

Tại Dự án Cải tạo môi trường Hồ Đầu Băng, Thanh tra Chính phủ yêu cầu trong giai đoạn 1 phải hoàn thiện hồ sơ thủ tục đầu tư, thực hiện quyết toán dự án đầu tư để xác định số tiền ngoài ngân sách hỗ trợ nhà đầu tư. Giai đoạn 2 yêu cầu khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, bao gồm việc phê duyệt điều chỉnh kinh phí giải phóng mặt bằng để tổ chức thực hiện dự án đảm bảo đúng tiến độ theo quy định.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm thực hiện và quản lý việc cho thuê quỹ đất 5% tại dự án này theo đúng các quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hình thức cho thuê đất và nghĩa vụ tài chính về đất đai của nhà đầu tư.

Đối với Dự án Cải tạo và xây dựng hệ thống cống nối hồ Vục- hồ Đầu Băng- hồ Tư Đình theo hình thức hợp đồng BT, UBND TP Hà Nội phải tiến hành rà soát, đảm bảo thực hiện các thủ tục liên quan đến chỉ định nhà đầu tư dự án đảm bảo quy định hiện hành tại thời điểm dự án. Khẩn trương phê duyệt điều chỉnh dự án để tiếp tục triển khai thi công công trình theo tiến độ.

Dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nhà ở 14,5 ha tại khu chức năng đô thị Tây Nam đường 70 (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm), Hà Nội cần yêu cầu nhà đầu tư nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước khoản tiền trên 44,3 tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng chưa tách khỏi dự án BT. Hoàn thiện thủ tục về đất đai và đầu tư xây dựng đối với 2 con đường có diện tích 0,67 ha, kết nối giao thông trong khu quy hoạch 30,5 ha được duyệt theo quy định.

Đối với Dự án trụ sở làm việc (cơ sở 2) và căn hộ chung cư kết hợp dịch vụ thương mại tại Xa La (phường Phúc La, quận Hà Đông), Thanh tra Chính phủ yêu cầu liên danh Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển thuỷ lợi Sông Nhuệ và Công ty cổ phần thương mại Ngôi Nhà Mới thực hiện hoàn thành quyết toán công trình, phân chia lợi nhuận theo hợp đồng, thực hiện việc đánh giá lại giá trị tài sản khi bàn giao 3.000 m2 sàn, 500 m2 tầng hầm làm căn cứ để xác định giá trị bảo toàn vốn.

Dự án tại ô đất DX1, DX2, DX3, DX4, CX2, CX1 Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Tài chính, Cục Thuế Hà Nội kiểm tra, rà soát tiền thuê đất và thu bổ sung số tiền sử dụng đất để tránh thất thoát ngân sách nhà nước, do không thực hiện tính lại giá đất phần diện tích tăng thêm xây dựng sai quy hoạch, phần giá nộp suất đầu tư hạ tầng theo đúng quy định.

UBND TP Hà Nội, nhà đầu tư rà soát toàn bộ quy hoạch khu đất cho thuê thuộc Khu đô thị mới Đông Nam đường Trần Duy Hưng và phải thực hiện dự án đúng mục đích ban đầu đã được duyệt (bãi đỗ xe- cây xanh…).

Dự án Khu nhà ở cao cấp tại Khu đô thị Quốc Oai, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính thống nhất đề xuất việc xác định giá đất theo phương pháp thặng dư, thì tổng chi phí phát triển có bao gồm chi phí dự phòng; đối với chi phí khác, Bộ Xây dựng đề xuất: Căn cứ loại, cấp công trình, thời điểm lập tổng mức đầu tư, khu vực xây dựng cụ thể để bổ sung các chi phí cho phù hợp. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận đề nghị của Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng.

Dự án cải tạo, nâng cấp khu vui chơi giải trí bán đảo hồ Đống Đa, yêu cầu Công ty cổ phần Hà Thuỷ sử dụng tầng 1 đúng quy định quy hoạch. Hà Nội cũng phải kiểm tra, xem xét và quyết định theo thẩm quyền việc thu hồi đất để thực hiện xây dựng công viên vui chơi, giải trí phục vụ nhân dân phù hợp với quy hoạch và quy định của pháp luật.

Dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), Hà Nội phải chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai kiểm tra các hộ dân lấn chiếm để giải phóng mặt bằng dự án; xử lý theo pháp luật các hộ, cá nhân lấn chiếm, mua bán, xây dựng không phép.

Sau khi Thanh tra Chính phủ kết luận, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình về xử lý sau thanh tra. Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội tổ chức xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến các dự án.

Trong quá trình xử lý sau thanh tra, tiếp tục kiểm tra, rà soát kỹ cơ sở pháp luật phê duyệt, điều chỉnh, giao thực hiện các dự án và kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm (nếu có) chưa được phát hiện trong quá trình thanh tra.

Riêng đối với các đơn vị, cá nhân có vi phạm, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. UBND TP Hà Nội phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các nội dung chỉ đạo nêu trên trên trước ngày 1/4/2020.

Thời điểm bị Thanh tra Chính phủ "sờ gáy", đầu tháng 7/2018, ông Lê Văn Vọng bất ngờ thoái toàn bộ vốn của mình ở Công ty Lã Vọng, không còn là Tổng giám đốc, người đại diện của doanh nghiệp này. 

Xem thêm
Đã bắt lại hơn 100 người trốn khỏi cơ sở cai nghiện ở Sóc Trăng

Sóc Trăng Hơn 100/191 học viên trốn khỏi cơ sở cai nghiện ma túy ở Sóc Trăng đã bị bắt giữ. Ngành chức năng khẩn trương vận động học viên còn lại quay lại cơ sở.

Nâng giá thực phẩm hỗ trợ công nhân, cựu Chủ tịch LĐLĐ Hải Dương lĩnh án

Nâng giá, chiếm đoạt tiền từ mua bánh chưng, giò hỗ trợ công nhân, Mai Xuân Anh (cựu Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương) bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù.