| Hotline: 0983.970.780

Sơ kết Chương trình thí điểm NTM năm 2010: "Hình hài” NTM đã rõ

Thứ Hai 24/01/2011 , 12:02 (GMT+7)

Sau 2 năm xây dựng thí điểm, phần lớn các tiêu chí về NTM đã cơ bản hoàn thành, nổi bật là kinh tế, cơ cấu lao động...

* Tuyên truyền còn yếu

Ngày 22/1/2011, BCĐ Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới (NTM, Ban Chấp hành TƯ Đảng) đã tổ chức hội nghị sơ kết Chương trình xây dựng thí điểm NTM năm 2010, bàn kế hoạch, nhiệm vụ năm 2011. Sau 2 năm xây dựng thí điểm, phần lớn các tiêu chí về NTM đã cơ bản hoàn thành, nổi bật là kinh tế, cơ cấu lao động và thu nhập của người dân tại 11 xã thí điểm NTM đã có biến chuyển lớn...  

Báo cáo đánh giá việc thực hiện Chương trình xây dựng thí điểm NTM đến hết năm 2010 cho biết, hiện đã có 7/11 xã xây dựng thí điểm mô hình NTM đã hoàn thành được 10/19 tiêu chí trở lên. Trong đó có 3 xã gồm Thụy Hương (Hà Nội), Tân Thịnh (Bắc Giang) và Tân Thông Hội (TP.HCM) đã hoàn 14/19 tiêu chí về NTM. Riêng xã Thanh Chăn (Điện Biên) là xã khó khăn nhất hiện cũng đã hoàn thành 7/19 tiêu chí. Đến nay, “bộ khung” cho việc xây dựng NTM mới tại 11 xã điểm cũng đã được cơ bản hoàn thiện với 11/11 xã thí điểm NTM  hoàn thành xong việc quy hoạch chung về xây dựng NTM, trong đó có 8 xã đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết.

Đánh giá về vấn đề quy hoạch cho xây dựng NTM, đa số các địa phương đều thừa nhận đây là việc mà trong giai đoạn đầu đã hết sức lúng túng. Do vậy đến nay, tiến độ quy hoạch vẫn còn chậm. Điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã NTM trong thời gian qua. Đến cuối năm 2010, đã có khoảng 2/3 số công trình theo tiêu chí đã được triển khai tại 11 xã điểm (đa số là trụ sở, giao thông, thủy lợi, trường học và vệ sinh công cộng...). So với yêu cầu của nhóm tiêu chí hạ tầng NTM, hiện đã có 5 xã đạt từ 5/8 tiêu chí trở lên. Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, nhiều công trình hạ tầng hiện vẫn đang xây dựng dang dở. Trong khi đó theo Bộ Tài chính, hiện 11 tỉnh thí điểm NTM mới chỉ giải ngân được 117 tỉ đồng (trong tổng số kinh phí là 300 tỉ đồng).  

Đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị – Trưởng BCĐ Chương trình xây dựng NTM khẳng định: chương trình thí điểm NTM tại 11 xã điểm sẽ giữ nguyên thời hạn hoàn thành vào cuối năm 2011. Như vậy chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa, các tỉnh phải cố gắng hoàn thành tiến độ giải ngân hơn 193 tỉ đồng còn lại. Bộ Tài chính phải phối hợp với các địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ các hạng mục công trình tại các xã thí điểm.

Chuyển biến nổi bật nhất sau 2 năm thực hiện thí điểm xây dựng NTM theo đánh giá của các địa phương đó là hoạt động SX, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và thu nhập của người dân tại các xã thí điểm đã thay đổi mạnh mẽ. Đến nay, mỗi xã đã có ít nhất 3-5 dự án, điểm trình diễn và SXNN. Các hình thức SX hợp tác, tổ hợp tác SX đã phát triển mạnh từ 18 tổ (khi chưa thực hiện xây dựng NTM) lên 104 tổ. Nhiều DN cũng đã về các xã phối hợp với nông dân đầu tư xây dựng các NMSX, chế biến nông sản và các nghề phi nông nghiệp. 

“Bộ tiêu chí NTM chúng ta không giới hạn. 10 năm sau, bộ tiêu chí này sẽ phải thay đổi khác bây giờ. Vì thế không phải địa phương nào cũng chỉ chăm bẵm để hoàn thành cho từng ấy tiêu chí mà thôi, mà phải mạnh dạn có thêm những tiêu chí khác. Cũng không phải địa phương không hoàn thành 19 tiêu chí đó là không đạt yêu cầu, là vô kỷ luật, vô nguyên tắc. Bởi đây mới chỉ là thí điểm mà thôi. Nhưng thí điểm thì sau khi hoàn thành vào cuối năm 2011, ít ra thì từ xã thí điểm cũng phải ảnh hưởng, gây dựng nhân lên phong trào xây dựng NTM ra được vùng xung quanh”

(Đồng chí Trương Tấn Sang – Trưởng BCĐ Chương trình xây dựng NTM)

Bộ NN-PTNT cũng đã giao cho 14 đơn vị của Bộ trực tiếp xuống 11 xã thí điểm NTM hỗ trợ kỹ thuật SX, tổ chức 14 lớp tập huấn cho cán bộ địa phương và đào tạo nghề cho hàng trăm lao động. Bộ LĐ-TB&XH đến nay cũng đã tổ chức được 42 lớp dạy nghề... Thu nhập bình quân tại nhiều xã như Tam Phước (Quảng Nam), Tân Thịnh (Bắc Giang), Mỹ Long Nam (Trà Vinh)... đã đạt 1,2-1,3 lần so với mức bình quân toàn tỉnh. Một số xã đã có thu nhập vượt trội so với mức bình quân toàn tỉnh (như Tân Thịnh, Bắc Giang đạt 18 triệu đồng so với 13 triệu đồng của toàn tỉnh). Một số xã như Tân Hội (Lâm Đồng, Tân Lập (Bình Phước)... đã đạt tiêu chí về tỉ lệ hộ nghèo trước 1 năm so với kế hoạch. Bên cạnh đó, dịch vụ y tế, giáo dục, môi trường cũng như đời sống tinh thần và bộ mặt văn hóa tại các xã NTM đã được thay da đổi thịt rất rõ rệt...

Các đánh giá cũng cho thấy, sự biến chuyển của đời sống văn hóa cũng như sản xuất trong xây dựng NTM có thành công hay không là phụ thuộc rất lớn vào ý thức hợp tác của người dân. Về vấn đề này, hầu hết các địa phương đều nhận xét công tác tuyên truyền thời gian qua còn chưa đạt yêu cầu, chưa ăn sâu được vào ý thức của người dân. Ông Nguyên Văn Linh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nêu kinh nghiệm cho thấy, những biến chuyển về hoạt động văn hóa cộng đồng, xây dựng các công trình hạ tầng của địa phương nếu được dân ủng hộ và thấy rõ được lợi ích của mình thì bớt đi được rất nhiều kinh phí, và rất nhanh hoàn thành.  

Một số ý kiến còn cho rằng, bản chất của việc xây dựng NTM cốt yếu nhất là nằm ở công tác truyền thông. Ông Lê Xuân Thủy – GĐ Sở NN-PTNT Nam Định nêu ý kiến: Phải huy động đài, báo lập hẳn chuyên mục, thậm chí là một kênh riêng để làm sao người dân ngày nào cũng có thể tiếp nhận được thông tin về NTM.

Nên linh hoạt về tiêu chí cơ cấu lao động và thu nhập 

Theo báo cáo, trong số 19 tiêu chí NTM thì hiện tại, tiêu chí về thu nhập và chuyển đổi cơ cấu lao động là 2 tiêu chí quan trọng nhất, nhưng đến nay mới chí có 2/11 xã thí điểm NTM đạt tiêu chí về thu nhập (bằng 1,5 lần bình quân toàn tỉnh) và 1 xã đạt tiêu chí về cơ cấu lao động. Nhiều xã cho biết, về thu nhập thì ít nhất phải đến năm 2013, mới có thể hoàn thành theo tiêu chí. Nhiều ý kiến lại cho rằng, không nên áp đặt 2 tiêu chí này.

Ông Nguyễn Văn Bền – Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng BQL xây dựng NTM xã Mỹ Long Nam (Trà Vinh).

“Chúng tôi là xã điển hình về nông nghiệp ĐBSCL với cơ cấu SX chính chỉ có lúa – thủy sản với cơ cấu lao động thường cố định ở mức 80-85% phục vụ SX nông nghiệp. Tất nhiên, đưa công nghiệp về địa phương sẽ là rất khó, vì vậy để chuyển cơ cấu lao động nông nghiệp đạt dưới 35% theo tiêu chí NTM là không thể. Mặt khác, cũng không thể nói lao động trong nông nghiệp ở Mỹ Long Nam là thấp. Hiện Mỹ Long Nam là 1 trong 2 xã đã đạt thu nhập bình quân lao động cao hơn mức mà tiêu chí của chương trình NTM đề ra. Điều này cho thấy mâu thuẫn: không có nghĩa chúng ta cứ phải chuyển cơ cấu lao động theo tiêu chí đề ra theo hướng giảm cơ cấu trong nông nghiệp, mà quan trọng nhất là phải đánh giá về thu nhập và tính đặc thù hoạt động kinh tế của từng địa phương để đặt tiêu chí phù hợp.”

Ông Bùi Minh Hùng – Chủ tịch UBND xã Tân Lập (Bình Phước)

“Tân Lập có hơn 5500 hecta cao su. Tất nhiên, người trồng cao su, hay đi cạo mủ thì cũng đều là nông dân cả. Nhưng họ thu nhập mỗi tháng trên 15 triệu đồng là ít nhất. Thế thì không thể nói là thấp được, ít nhất là so với nông dân miền Bắc.

Bên cạnh đó, mỗi hecta cao su, nguyên việc đi cạo mủ đã cần gần 2 người, trong khi đó lao động xã chúng tôi chỉ hơn 4700 người. Như vậy là coi như vừa “huề” lao động để đi làm cao su. Chỉ còn 15-20% làm dịch vụ và nghề phi nông nghiệp. Nếu phải cơ cấu lao động từ 80% trong nông nghiệp như hiện nay xuống chỉ còn dưới 35% như tiêu chí xã NTM thì làm sao có người làm nông nghiệp. Vì thế tôi nghĩ không nên đặt vấn đề cơ cấu lao động làm nghề gì ở đây trong xây dựng NTM, mà chỉ nên xem xét về mức thu nhập và chất lượng cuộc sống là đủ rồi”.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm