| Hotline: 0983.970.780

Sợ những phút giây ngẫu hứng sẽ phải trả giá đắt

Thứ Hai 09/05/2016 , 14:10 (GMT+7)

Ngay sau khi NNVN đăng bài viết: "1,1 tỷ USD và tham vọng “độc chiếm” sông Hồng", PV đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Nam, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.

Mở đầu câu chuyện, ông Lê Nam thốt lên một nỗi buồn khi biết rằng, cơ bản các Bộ, địa phương đều thống nhất với chủ trương thực hiện dự án giao thông thủy xuyên Á kết hợp với thủy điện trên sông Hồng và có báo cáo trình Thủ tướng xem xét.

“Tôi thực sự không hiểu vì sao lãnh đạo các cơ quan trực tiếp tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ lại có thể suy nghĩ và đi đến một quyết định như thế? Thiết nghĩ rằng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng phải sáng suốt trong việc xem xét vấn đề này. Cá nhân tôi thì tha thiết đề nghị Thủ tướng dừng ngay dự án đó”, ĐBQH Lê Nam nói.

Ông Lê Nam lý giải rằng, sông Hồng hình thành nên kẻ chợ, nơi giao thương quần tụ, hồ Gươm, hồ Tây, phố cổ và tạo nên cốt cách người Hà Nội. Sông Hồng chảy qua Hà Nội không chỉ là một con sông với những bờ đê mà nó đã là một sinh thể riêng có của Thăng Long - Hà Nội hàng ngàn năm qua và càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô trong tương lai.

Tôi đi nhiều nơi trên thế giới, dường như ở bất cứ Thủ đô nào có con sông chảy qua là một điều may mắn. Nó đều là một dấu ấn đặc biệt cho Thủ đô ấy về văn hóa. Con sông Hồng nó cực kỳ quan trọng với Hà Nội. Mất sông Hồng, Hà Nội không còn ý nghĩa nào nữa. Tất cả chúng ta đều hiểu rõ điều đó.

Nhưng việc đầu tư giao thông thủy lợi kết hợp với thủy điện cũng góp phần làm tăng trưởng kinh tế đất nước chứ thưa ông?

Không thể tăng trưởng bằng mọi giá mà bỏ quên đi giá trị lịch sử, hệ sinh thái môi trường và hơn tất cả là sự sống còn của một dòng sông như sông Hồng.

Biết được thông tin từ dự án này tôi thấy lo lắng và tâm tư quá. Quốc hội có chương trình giám sát việc ngăn sông làm thủy điện và nhận thấy cả đất nước này đã bị trả giá cho việc nở rộ ngăn sông, đắp đập làm thủy điện rồi.

Thưa ông, muốn thực hiện được dự án này phía chủ đầu tư cho biết sẽ phải vay đến 70% vốn từ ngân hàng thương mại và thời gian hoàn vốn là 25 năm. Vì thế có nghi ngại rằng, chủ đầu tư có thể sang tên đổi chủ cho một DN khác thực hiện dự án khi mà không đáp ứng được nguồn vốn hoặc bị lệ thuộc vốn vay?

Nói đến làm thủy điện trên sông Hồng là tôi đã kịch liệt lên án, phản đối rồi. Còn việc DN nào đầu tư thì họ cũng muốn sinh lời, đó là lẽ tự nhiên của quy luật thị trường. Có điều mấy ông đầu tư ở Việt Nam chủ yếu vay vốn của ngân hàng và ngân hàng đó là tiền của nhà nước, là tiền của nhân dân. Cho nên đừng bàn đến việc ngăn sông Hồng để làm đập, làm thủy điện thu phí này phí khác để rồi trả một cái giá đắt cho môi trường sinh thái...

Mới đây thôi, tại diễn đàn Quốc hội, ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) đã thốt lên “thủy điện An Khê - Kanak là công trình sai lầm thế kỷ” và cho rằng chỉ có ở Việt Nam mới làm như vậy. “Khi An Khê - Kanak hoàn thành, năm nào cũng có dân khiếu kiện, có hạn hán, lũ lụt dẫn đến thiệt hại đối với dân.

Việc này không những ở Gia Lai mà cả Phú Yên nữa, hàng triệu người bị ảnh hưởng”, tôi nhớ như in từng lời của ĐB Huỳnh Thành.

Tôi đồng cảm với nhiều người lo lắng trước việc chúng ta đang khai thác một cách cạn kiệt tài nguyên quốc gia. Đúng là không đâu giống như Việt Nam.

Điều gì khiến ông lo sợ nhất đối với dự án giao thông thủy kết hợp thủy điện trên sông Hồng?

Tôi sợ những phút ngẫu hứng thì đất nước sẽ phải trả giá đắt. Tôi rất sợ các nhà lãnh đạo của chúng ta có những phút ngẫu hứng như thế.

Tôi muốn nhấn mạnh một điều là chúng ta đã có quá nhiều bài học đắt giá và đã bị trả giá cho việc làm các công trình thủy điện do không được tính toán, đào sâu, nghiên cứu cho kỹ lưỡng, khoa học, có trách nhiệm với tương lai, hậu thế.

Để rồi khi vận hành công trình, thậm chí xây chưa xong thì chúng ta đã bị trả giá đắt cho các quyết định nôn nóng của mình rồi. Riêng đối với con sông Hồng thì tôi kịch liệt phản đối cho một dự án như thế.

Câu chuyện làm thủy điện trên sông Hồng rộ lên song hành với vấn đề cá chết ở miền Trung càng làm cho chúng ta phải suy ngẫm, lo toan để có trách nhiệm với chính quốc gia, dân tộc này.

Ông đã nhắc đến nhiều bài học thực tiễn mà chúng ta phải trả giá đắt cho các quyết định “ngẫu hứng” vậy có bài học nào về lý luận được nhắc đến bằng các nguyên lý, nguyên tắc không thưa ông?

Nói lên điều này, tôi mong các đồng chí lãnh đạo trước khi quyết định những dự án liên quan đến môi trường sinh thái, đến sự trường tồn của sự sống trên các dòng sông về một bài học đã được học đi học lại ngay tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh rằng: “Con người đừng có tự hào khi đã chinh phục được tự nhiên. Chúng ta sẽ phải nhận cái giá gấp hàng nghìn lần thiên nhiên trừng phạt lại sau khi chúng ta hoan hỉ về những cái mà mình tưởng rằng đã chinh phục được thiên nhiên”. Câu nói đó là của Karl Marx.

Xin cảm ơn ông!

Trong phiên thảo luận dự án Luật Thủ đô vì không thấy có điều khoản nào nhắc đến sông Hồng, chính ĐBQH Lê Nam đã đề nghị Ban soạn thảo đưa thêm điều khoản về quản lý sông Hồng nhằm tôn vinh giá trị con sông gắn liền với Thăng Long - Hà Nội.

Đề nghị này của ông Lê Nam sau đó nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai). Kết quả, đã thuyết phục được Quốc hội đưa sông Hồng vào Luật Thủ đô.

 

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Bình Định lên phương án né hạn cho vụ hè thu

Bình Định đang lên phương án chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, tập trung vận động người dân tiết kiệm nước để đảm bảo thắng lợi vụ hè thu 2024.