| Hotline: 0983.970.780

Số phận cô dâu Việt ở nước ngoài: Khó cưới vợ, đàn ông Trung Quốc tuyệt vọng

Thứ Sáu 16/08/2019 , 08:42 (GMT+7)

Ly dị, ngoài 40 tuổi, lo sợ về một tương lai đơn độc, Zhou Xinsen lên mạng như hàng nghìn người đàn ông Trung Quốc khác để tìm giải pháp nhanh chóng với chi phí phải chăng cho cuộc sống hôn nhân của mình: Một cô dâu Việt Nam.

1150009216
Không đủ khả năng lấy vợ trong nước, nhiều người đàn ông Trung Quốc tìm đến dịch vụ mua cô dâu để giải quyết vấn đề. Ảnh minh họa: AFP.

Zhou là một trong hàng triệu đàn ông đang phải vật lộn bên lề thị trường hôn nhân vô cùng cạnh tranh của Trung Quốc, nơi chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ qua cùng tình trạng phá thai chọn lọc đã khiến khoảng cách giới tính ngày càng nới rộng, theo South China Morning Post.

“Với đàn ông ở độ tuổi như tôi, rất khó để tìm một cô vợ Trung Quốc” Zhou, 41 tuổi, chia sẻ.

Vì không có nhiều thời gian, Zhou đã chi gần 20.000 USD để tìm vợ hai, một cô gái 26 tuổi đến từ Việt Nam. Ông sau đó cùng vợ định cư ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. “Với những người ở tuổi của tôi, thời gian có thể mua được bằng tiền”, Zhou nói.

Sau khi giải quyết được “nhu cầu cấp bách” của bản thân, Zhou bắt đầu mở dịch vụ mai mối, khai thác một phần nhỏ trong ngành công nghiệp tìm kiếm cô dâu nước ngoài trị giá hàng triệu USD mỗi năm ở Trung Quốc.

Zhou tính phí khoảng 120.000 nhân dân tệ (17.400 USD) để kết nối đàn ông Trung Quốc với các cô dâu Việt Nam thông qua trang web của mình, nơi đăng những bức ảnh phụ nữ từ 20 đến 35 tuổi đang “chờ kết hôn”.

“Lợi nhuận khá tốt”, Zhou nói song từ chối cung cấp con số cụ thể thu nhập từ nghề mai mối.

Một phần tiền sau mỗi vụ mai mối thành công sẽ được chuyển về cho các gia đình, chủ yếu tại những khu vực nghèo đói thuộc các quốc gia ở lưu vực sông Me Kong. Tuy nhiên, không ít phụ nữ đã rơi vào khủng hoảng vì thất vọng khi họ ước mơ được đổi đồi sau kết hôn nhưng thay vào đó chỉ là sự thay đổi từ làng quê nghèo khó ở đâu đó tại Việt Nam, Campuchia, Lào hay Myanmar sang làng quê nghèo khó ở Trung Quốc.

Đàn ông độc thân ở Trung Quốc đa phần là những người già, đã ly hôn, khuyết tật hay quá nghèo nên không thể sắm đủ sính lễ để lấy một cô vợ Trung Quốc. Những chi phí này rơi vào khoảng từ 22.000 USD đến 29.000 USD, theo số liệu năm 2017.

Vấn đề bắt đầu nảy sinh khi các cô dâu cảm thấy bị lừa vì những gì họ đang bị kéo vào, Zhou cho hay. Ông vẫn thường gửi cho gia đình vợ khoảng 175 USD mỗi tháng như một khoản để phụng dưỡng bố mẹ vợ. “Số tiền đó chẳng là gì với chúng tôi nhưng là cứu cánh đối với họ”, ông nói thêm.

Đàn ông Trung Quốc luôn phải đối diện với hàng loạt áp lực kinh tế, tinh thần và văn hóa trong việc tìm vợ, Jiang Quanbao, giáo sư tại Viện nghiên cứu Dân số và Phát triển thuộc Đại học Giao thông Tây An, đánh giá. “Hôn nhân không phải vấn đề cá nhân mà là mối bận tâm của cả gia tộc, đặc biệt là cha mẹ”, ông nói.

Khi phụ nữ, đặc biệt là những người ở thành phố, trì hoãn kết hôn vì còn mải làm việc, học tập, hay đơn giản vì họ yêu thích cuộc sống độc thân, các làng quê Trung Quốc đang nhanh chóng mất dần dân số nữ.

Những người con trai chưa kết hôn trở thành vấn đề ảnh hưởng tới “thể diện” của gia đình ở các làng quê, Jiang cho hay. Nhận thức xã hội như thế đã thúc đẩy nghề mua bán cô dâu nghiệt ngã phát triển. Ngày càng có nhiều phụ nữ ở các quốc gia láng giềng bị bắt cóc, lừa đảo hoặc ép kết hôn với đàn ông Trung Quốc.

“Mua một phụ nữ bị bắt cóc trở thành lựa chọn vô vọng”, Jiang nhấn mạnh.

2150009282
Những phụ nữ Việt Nam mua sắm tại một phiên chợ Chủ nhật ở Mèo Vạc. Rất nhiều đàn ông độc thân Trung Quốc đang tìm đến các quốc gia như Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, để mua cô dâu. Ảnh: AFP.

Theo luật Trung Quốc, hành vi bắt cóc và buôn bán phụ nữ, trẻ em có thể bị phạt tới 10 năm tù. Nhưng các nhà phê bình cho rằng hình phạt cần phải được tăng nặng hơn trong bối cảnh nạn mua bán cô dâu đang gia tăng.

Bắc Kinh đã chuyển từ chính sách một con sang hai con vào năm 2016 nhưng các chuyên gia nhận định phải mất hàng thập kỷ Trung Quốc mới có thể cải thiện số lượng phụ nữ trong độ tuổi kết hôn. Điều này đồng nghĩa hoạt động mua bán cô dâu không thể sớm biến mất.

Zhou mô tả công việc của ông giống như “dịch vụ công cộng” tại một quốc gia mà số lượng đàn ông ít hơn phụ nữ tới 33 triệu người.

Tuy nhiên, những câu chuyện tiêu cực về tình trạng người môi giới lừa đảo, phụ nữ bị buôn bán hay việc cô dâu ngoại cuỗm tiền của nhà chồng rồi bỏ trốn cũng xuất hiện đầy rẫy trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. “Đây là một ngành công nghiệp và rất nhiều trong số họ là những kẻ lừa đảo”, một tài khoản mạng xã hội Weibo viết. “Đã đến lúc chính phủ nên can thiệp vấn đề này”.

Một người đàn ông khác ở Hồ Bắc, Trung Quốc cho hay ông đã chi 8.700 USD cho người môi giới để gặp một phụ nữ Việt Nam rất trẻ. Nhưng người phụ nữ bỏ ông chỉ sau ba tháng để đến với người chồng mới.

“Giờ đây, tôi vừa không có vợ vừa không có tiền”, ông nói với báo Chutian Metropolis Daily. “Tôi trở thành trò cười trong làng”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.