| Hotline: 0983.970.780

Số phận của cậu bé tự kỷ trở thành thiên tài vật lý thế giới

Thứ Sáu 26/01/2018 , 13:05 (GMT+7)

Barnett Jacob bị chẩn đoán mắc tự kỷ nặng năm hai tuổi. Không ai ngờ cậu bé ấy giờ đây là một nghiên cứu sinh tại trường vật lý nổi tiếng nhất thế giới với chỉ số IQ sánh ngang Einstein.

Jacob Barnett. Ảnh: Shared.

Jacob Barnett sinh ngày 26/5/1998 tại Indianapolis, bang Indiana, Mỹ. Khi hai tuổi, các bác sĩ thông báo với mẹ Barnett, bà Kristine, rằng con trai bà có thể sẽ không bao giờ nói, đọc hay thậm chí là tự buộc dây giày được. Barnett bị chẩn đoán mắc chứng tự kỷ nặng.

Thực tế, trước lúc đó, Barnett đã thể hiện những dấu hiệu bất thường. Cậu bé luôn im lặng, không giao tiếp hay phản ứng với thế giới xung quanh. 6 tháng tuổi, cậu đánh mất tất cả kỹ năng giao tiếp và giao lưu bằng ánh mắt. Theo lời khuyên từ chuyên gia, bà Kristine cho Barnett tham gia những chương trình trị liệu chuyên sâu và nhập học một trường mẫu giáo dành riêng cho trẻ có nhu cầu đặc biệt, theo Pacific Standard.

Hàng chục giờ mỗi tuần, các giáo viên gặp Barnett, cố gắng giúp cậu làm những việc cậu không thể thực hiện hoặc không muốn thực hiện. Nhưng Bernett không khá lên. Sau một khoảng thời gian, thấy không có kết quả, Kristine quyết định rút con khỏi tất cả chương trình giáo dục đặc biệt. Bà nhận ra rằng con trai mình sẽ có biểu hiện tốt hơn nếu cậu bé dành thời gian tập trung vào những việc cậu muốn làm, thay vì những việc cậu nên làm hay có thể làm. Kristine bắt đầu tự mình dạy Barnett, chú trọng tới khoa học và toán, hai môn học Barnett đam mê.

Phương pháp Kristine áp dụng đã phát huy hiệu quả ngoài sức tưởng tượng. Năm lên ba tuổi, Barnett biết nói 4 thứ tiếng. Cậu bé có thể trả lời các câu hỏi vật lý thiên văn phức tạp dù sự thật là không ai dạy Barnett. Cậu còn hoàn thành những bức tranh ghép 5.000 mảnh, tự học chữ nổi Braille hay dùng tăm bông tự vẽ bản đồ đường phố Mỹ trên nền nhà.

Lên 8 tuổi, Barnett dự thính một lớp học vật lý tại trường liên kết Đại học Indiana và Đại học Purdue. Mẹ cậu ngồi bên cạnh con trai suốt buổi học nên những người khác tưởng bà là một sinh viên phải mang con đến trường. Nhưng sau khi Barnett bắt đầu cất tiếng, thậm chí còn đạt điểm A với bài kiểm tra cuối kỳ, ngôi trường đã mời cậu bé nhập học.

Barnett hoàn thành chương trình học từ lớp 6 đến lớp 12 chỉ sau hơn một năm. Toán là bộ môn cậu tiếp thu nhanh hơn cả. Barnett dễ dàng ghi nhớ mọi công thức đại số, hình học và tích phân trong hai tuần.

Lên 10 tuổi, Barnett chính thức trở thành sinh viên đại học. Năm 13 tuổi, Barnett được công nhận là nhà vật lý. Ở nhà, cha mẹ không bao giờ tích trữ đủ giấy để cậu ghi ra các công thức. Barnett viết lên những tấm bảng trắng, rồi lên cả cửa sổ.

“Tôi luôn tò mò khủng khiếp về cách thế giới vận động”, Barnett nói. “Thật phấn khích và bất ngờ khi bạn tin rằng các dạng thức khác nhau của cuộc sống có thể xuất phát từ những biểu thức toán học đơn giản”.

Người ta bắt đầu đồn Barnett sẽ sớm trở thành nhà khoa học đoạt giải Nobel. Một số người còn nói Barnett đang trên đường bác bỏ thuyết tương đối của Einstein. Barnett có chỉ số IQ lên tới 170. Nhiều chuyên gia đánh giá trí thông minh của Barnett sẽ không ngừng tăng lên và tạo ra những ý tưởng vô hạn.

Dù vậy, Barnett không tự nhận mình là thiên tài. Cậu cho rằng bất kỳ ai cũng có thể “chuyển kiến thức học được thành tư duy sáng tạo”. Năm 13 tuổi, cậu có một bài diễn thuyết tại chương trình “TEDx Talk” với chủ đề “Hãy quên đi tất cả những gì bạn biết”.

“Khi tư duy, bạn phải tư duy theo cách sáng tạo của riêng mình, đừng chấp nhận những thứ ở ngoài kia”, Barnett nói.

Sau đại học, Barnett chuyển từ quê nhà Indiana tới Waterloo, Canada, để trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Vật lý Lý thuyết Perimeter, một trong những cơ sở sản sinh ra các nhà vật lý tài năng nhất thế giới. Để dễ hình dung, vào được Perimeter còn khó hơn vào Đại học Harvard, Stanford hay Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Barnett là nghiên cứu sinh trẻ nhất mà Perimeter tiếp nhận trong lịch sử học viện.

“Công việc tôi mơ ước nhất thời thơ ấu, rất dễ đoán đối với một thần đồng nhí, đó là trở thành một giáo sư”, Barnett chia sẻ. “Nhưng nay, mục tiêu lâu dài lớn nhất của tôi là sống hạnh phúc, làm những công việc tôi thấy thách thức và đáng. Hiện tại, vật lý là mục tiêu hàng đầu nhưng biết đâu trong tương lai tôi lại được truyền cảm hứng bởi thứ gì khác”.

Theo Barnett, việc nói trước tương lai rất khó. “10 năm trước, tôi học lớp ba. Vì chứng tự kỷ, lúc đó tôi mới bắt đầu giao tiếp. Khó ai đoán được tôi bây giờ lại thành một nghiên cứu sinh vật lý”.

“Tôi vui vì mình bị tự kỷ”, cậu nói trong một cuộc phỏng vấn. “Nếu tôi không bị tự kỷ, tôi sẽ không ở vị trí như hiện nay. Tự kỷ là cách tôi tư duy. Đó là cách tôi nhìn thế giới. Nhờ nó, tôi mới có thể làm cái mà tôi giỏi nhất”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Bình luận mới nhất