| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 04/05/2016 , 19:01 (GMT+7)

19:01 - 04/05/2016

Số phận sông Hồng và những câu hỏi không thể thờ ơ

Đồng bằng sông Cửu Long đã mặn chát vì thủy điện. Tây Nguyên cũng đã cạn khô vì thủy điện. Đồng bằng châu thổ sông Hồng sẽ ra sao khi bị chia thành 7 khúc cũng vì thủy điện?

Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua chủ trương đầu tư Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO. 

Siêu dự án này do Công ty TNHH Xuân Thiện thuộc Tập đoàn kinh tế Xuân Thành đề xuất, và vào tháng 12/2015 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ dự án, lập báo cáo thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án trên theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo của nhà đầu tư thì dự án này sẽ thực hiện việc xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp III; kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228MW; xây dựng 7 cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên tới Lào Cai, với tổng mức đầu tư ước tính lên tới 24.510 tỷ đồng.


Đồng bằng châu thổ sông Hồng sẽ ra sao khi dòng sông này trở thành sân chơi riêng của một nhà đầu tư nhiều tham vọng? Ảnh: Lao động


Một siêu dự án nhưng toàn bộ quá trình thẩm định chỉ kéo dài chưa đến nửa năm. Đó có thể sẽ là một kỷ lục về thủ tục hành chính, nhưng cũng có thể sẽ là một thảm họa đối với số phận dòng sông Hồng, dòng sông không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sinh kế của hàng chục triệu con người, mà còn là dòng chảy chính để tạo nên bản sắc văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Bài học về những tác động của thủy điện đối với số phận các dòng sông đã không còn xa lạ khi mà Đồng bằng sông Cửu Long vừa chịu một đợt xâm nhập mặn chưa từng có trong lịch sử mà thiệt hại không thể tính bằng tiền. Vì thế, 6 đập dâng nước phục vụ 6 nhà máy thủy điện trên dòng chính của sông Hồng chắc chắn sẽ làm biến đổi dòng sông Hồng theo một cách mà không ai có thể lường trước được.

Một điểm mâu thuẫn có thể thấy rõ trong dự án này là nhà đầu tư đề xuất xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng, trong khi đó lại tạo nên 6 đập dâng nước. Với 6 con đập, dòng sông Hồng đương nhiên bị chia cắt thành 7 khúc và giao thông đường thủy sẽ không thể thông suốt. Các phương tiện thủy sẽ chỉ có thể vận chuyển từng chặng ngắn và buộc phải sử dụng hệ thống 7 cảng sông dọc tuyến như phương án của nhà đầu tư.

Toàn bộ tàu thuyền sẽ phải sử dụng hệ thống cảng của nhà đầu tư. Dĩ nhiên. Và thêm nữa, tất cả hoạt động giao thương đường thủy của người dân sẽ phải chịu thêm một khoản phí mà nhà đầu tư đề xuất là 10.000đ/tấn cho đoạn Việt Trì-Yên Bái, 40.000đ/tấn cho đoạn Yên Bái – Lào Cai. Như vậy, chỉ với quãng đường chưa đầy 100km từ Việt Trì tới Yên Bái, một xà lan trung bình 1000 tấn sẽ phải chịu mức phí tới 10 triệu đồng. 

Không những thế, dự án này còn được đầu tư theo hình thức BOO (xây dựng, sở hữu, vận hành) tức là sẽ không có thời hạn, nhà đầu tư có thể thu phí vĩnh viễn đối với luồng tuyến, đồng nghĩa với việc sở hữu hoàn toàn dòng sông Hồng.

Điều gì sẽ xảy ra khi dòng sông mẹ của cả một dân tộc, nguồn phù sa cho toàn bộ vùng châu thổ màu mỡ nhất miền bắc trở thành sở hữu riêng của một doanh nghiệp? Có lẽ đó là một viễn cảnh khó lòng tưởng tượng đối với số phận của hàng chục triệu con người đang mưu sinh trên bờ bãi, đồng ruộng dọc theo 500km chiều dài con sông này.

Những tác động của siêu dự án này đối với sinh kế, môi trường, lịch sử, văn hóa… đã được đo đếm như thế nào trong 6 tháng qua?

Đồng bằng sông Cửu long đã mặn chát vì thủy điện.

Tây Nguyên đã khô cạn vì thủy điện.

Đồng bằng châu thổ sông Hồng sẽ có số phận ra sao khi cả dòng sông Hồng trở thành sân chơi riêng của một nhà thầu giàu tham vọng?

Đó là những câu hỏi mà không một ai trong chúng ta có thể thờ ơ.

Bình luận mới nhất