| Hotline: 0983.970.780

Sóc Trăng mở rộng cánh đồng lúa thơm

Thứ Sáu 08/11/2013 , 10:00 (GMT+7)

Trong số các mô hình phục vụ SX, cơ giới hóa nông nghiệp, tỉnh Sóc Trăng là một trong những địa phương xây dựng cánh đồng mẫu (CĐM) sớm nhất vùng ĐBSCL.

Trong số các mô hình phục vụ SX, cơ giới hóa nông nghiệp, tỉnh Sóc Trăng là một trong những địa phương xây dựng cánh đồng mẫu (CĐM) sớm nhất vùng ĐBSCL.

Từ bước khởi đầu thành công cùng với ưu thế với các giống lúa thơm đặc sản địa phương có nhu cầu tiêu thụ tăng cao, vụ lúa ĐX năm 2013-2014, Sóc Trăng triển khai kế hạch SX lúa hàng hóa lớn trên cánh đồng mẫu lớn (CĐML) theo đặt hàng của DN.

Từ cánh đồng mẫu

Ông Dương Minh Hoàng, GĐ Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng thuật lại: Từ vụ lúa HT năm 2010, tại xã Trường Khánh, huyện Long Phú, một nhóm cán bộ TTKN được giao nhiệm vụ chọn 1 khu đất 40 ha SX lúa để chuẩn bị phục vụ hội thi máy gặt đập liên hợp (GĐLH) các tỉnh phía Nam năm 2010.

Điều kiện là đất ruộng liền thửa; mặt ruộng bằng phẳng tương tự nhau; lúa chín cùng lúc; giao thông thuận tiện cho nông dân tham quan, học tập và nhằm vào tiêu chí công bằng, khách quan trong việc chấm điểm cho từng loại máy GĐLH trong và ngoài nước tham dự hội thi.

Theo đó các giải pháp kỹ thuật yểm trợ mô hình CĐM có sự tham gia của các Cty cung ứng vật tư nông nghiệp như Cty CP Phân bón Bình Điền, Hóa Nông Hợp Trí. Kết quả sử dụng một giống lúa OM6976 trên CĐM trúng mùa, đạt năng suất cao, gạo đạt phẩm chất tốt và được DN Thành Tín thu mua toàn bộ.

Thắng lợi mô hình CĐM đầu tiên, những vụ lúa tiếp theo nhiều huyện trong tỉnh Sóc Trăng duy trì, nhân rộng và phát triển với qui mô lớn hơn và thu hút nhiều DN tham gia liên kết SX với nông dân. Đến vụ HT 2013, có 8/11 huyện trong tỉnh Sóc Trăng thực hiện được 104 CĐM với tổng diện tích trên 11.591 ha, tăng 697 ha so vụ ĐX 2012-2013.


CĐML ở xã Viên Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng)

Quy mô cánh đồng phổ biến từ 40 - 50 ha và lớn nhất 800 ha. Mặc dù lúa HT vừa qua tới lúc thu hoạch giá giảm bất lợi, nhưng có DN tiêu thụ tốt. Hơn nữa nhờ giá thành SX giảm được 300 - 500 đồng/kg lúa nên hiệu quả vẫn cao hơn so ruộng lúa bên ngoài không có sự liên kết.

Theo đánh giá của TTKN Sóc Trăng, tổng kết hiệu quả mang lại từ CĐM tạo chuyển biến tích cực: Năng suất tăng, giá thành giảm; ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật; nâng cao việc chọn và sử dụng giống lúa theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp và đặc biệt phát huy tối đa ưu thế các giống lúa thơm đặc sản của Sóc Trăng đang được thị trường tiêu thụ ưa chuộng, đặt hàng như: OM6976, OM4900, ST5, ST20, RVT…

Mặt khác CĐM đã thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ cơ giới hóa trong nhiều khâu SX, thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng như làm bờ bao khép kín kết hợp trạm bơm điện; thúc đẩy kinh tế hợp tác (tổ hợp tác SX, HTX) ra đời và tạo sức cạnh tranh trong khâu tiêu thụ xây dựng vùng lúa nguyên liệu, xây dựng nông thôn mới.

CĐML lúa thơm

Trong quá trình chuyển tiếp đi từ mô hình CĐM nhân rộng thành nhiều CĐML sự liên kết nông dân và DN là yếu tố quan trọng. Lúa SX trong CĐML cùng một loại giống với sản lượng lớn, chất lượng đồng đều, được tiêu thụ giá cao.

Một số huyện hình thành CĐML SX lúa thơm ở Sóc Trăng đã tạo được sức thu hút các DN đến thu mua như: Cty Lương thực Sóc Trăng, Cty Ngọc Mekong, Cty CP BVTV An Giang, Cty Hồ Quang, Cty Hiệp Phát, Cty Xinh…

Dọc theo tuyến đường mới mở quản lộ Phụng Hiệp - Cà Mau, đoạn đi qua 3 xã huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) CĐML chuyên canh lúa thơm trải rộng, trong đó có sự hợp tác của DN. Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngã Năm nói: Trong tình hình tiêu thụ lúa, gạo vừa qua giá thấp, nhưng SX lúa thơm ST20 hấp dẫn nông dân bởi vì DN đặt hàng, giá sàn bao tiêu từ đầu vụ 6.300 đồng/kg. Khi thu hoạch giá bán còn tăng thêm 200 đồng/kg.

Dự kiến đến năm 2015, tổng diện tích lúa đặc sản toàn tỉnh gồm các giống lúa thơm ST, Tài Nguyên Mùa, Jasmine và nhóm các giống lúa thơm nhẹ đạt 70.000 ha, bằng 20% diện tích, năng suất bình quân 5,6 tấn/ha, sản lượng khoảng 392.000 tấn.

Riêng trong vùng đề án sẽ có 53.000 ha lúa đặc sản, trong đó lúa thơm ST đạt 31.000 ha và lúa Tài Nguyên Mùa duy trì 6.000 ha/năm.

Tuy giống lúa thơm ST không phải nơi nào cũng trồng thích nghi tốt, nhưng nhiều năm qua ở một số xã trong huyện trồng cho thấy tính thích nghi tốt. Trong 2 năm qua, nhờ sự hỗ trợ của Sở NN-PTNT, chủ trương của huyện Ngã Năm xây dựng qui hoạch vùng SX lúa thơm đặc sản và các DN tích cực tham gia liên kết với nông dân.

Theo định hướng huyện Ngã Năm xây dựng quy hoạch ổn định 7.500 ha lúa thơm đặc sản, trong đó giống lúa ST khoảng 2.500 ha và ST5 khoảng 500 ha. Trong vụ ĐX 2012-2013, Ngã Năm có kế hoạch SX trên 17 CĐML với 2.200 ha theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng, tăng giá trị SX lúa trên đơn vị diện tích.

Trong đó, Cty CP BVTV An Giang bao tiêu 1.000 ha SX giống lúa thơm OM4900, Cty Hồ Quang và Cty Lương thực Sóc Trăng liên kết SX 1.600 ha và tiêu thụ lúa cuối vụ. CĐML phải đáp ứng các tiêu chí như trong vùng quy hoạch SX lúa khép kín, chủ động nước tưới, sử dụng một loại giống cấp xác nhận, xuống giống đồng loạt, có DN liên kết bao tiêu sản phẩm và nông dân thực hành sổ tay ghi chép theo hướng VietGAP.

Theo Sở NN-PTNT Sóc Trăng, trước nhu cầu gạo thơm, ngon thị trường trong nước và xuất khẩu có xu hướng tiêu thụ tăng cao, với việc du nhập và chọn tạo thành công các giống lúa thơm cao sản, vùng trồng lúa thơm ở ĐBSCL đang tăng khá nhanh.

Tỉnh Sóc Trăng có tiềm năng, lợi thế đất đai và các giống lúa thơm cao sản mới ST đáp ứng cùng lúc hai tiêu chuẩn năng suất và chất lượng được người tiêu dùng ưa chuộng và mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Vì vậy, đề án “Phát triển lúa đặc sản đến năm 2015 theo mô hình CĐML” nhằm xây dựng và tạo nguồn nguyên liệu đủ lớn xây dựng thương hiệu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đang triển khai trên 30 xã thuộc 4 huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị và Ngã Năm.

Ông Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng:

"Nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển CĐML tỉnh sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng về thủy lợi, giao thông, khuyến nông… cho mỗi xã/huyện, xây dựng CĐML với quy mô 300 - 500 ha.

Trong giai đoạn đầu sẽ đầu tư 240 tỷ đồng, lập đề án triển khai xây dựng cho 8 xã đầu tiên (30 tỷ đồng/xã) gồm Đại Hải (huyện Kế Sách), Phú Tân (huyện Châu Thành), Long Đức (huyện Long Phú), Mỹ Hương (huyện Mỹ Tú, Vĩnh Biên (huyện Ngã Năm), xã Châu Hưng (huyện Thạnh Trị), Đại Tâm (Mỹ Xuyên), Viên Bình (huyện Trần Đề)".

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.