| Hotline: 0983.970.780

Sóc Trăng tìm giải pháp cho vụ tôm 2012

Thứ Tư 30/11/2011 , 11:11 (GMT+7)

Các nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu, khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật cho nông dân trước khi bắt tay vào vụ nuôi tôm năm 2012.

Nuôi TCT là một giải pháp lựa chọn mới ở Sóc Trăng

Cuối tháng 11, Sóc Trăng khép lại vụ nuôi tôm đầy trắc trở. Chưa có năm nào như năm 2011, tỉnh có vùng nuôi tôm thâm canh lớn nhất và sản lượng tôm nuôi dẫn đầu, chiếm 1/8 sản lượng tôm cả nước lại gánh thiệt hại nặng nề như vậy... 

Khi mặt nước trên các ao tôm bình lặng trở lại, dân nuôi tôm dần dần nhận ra thêm kinh nghiệm trong phòng tránh dịch bệnh. Các nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu, khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật cho nông dân trước khi bắt tay vào vụ nuôi tôm năm 2012. Mới đây, tại hội nghị tổng kết vụ nuôi tôm nước lợ năm 2011 và triển khai kế hoạch năm 2012, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức cuộc “hội ý” đầu vụ thu hút nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học từ các Viện nghiên cứu thủy sản, Đại học Cần Thơ và chủ trang trại, nông dân nuôi tôm giàu kinh nghiệm.

Theo Sở NN-PTNT Sóc Trăng, kế hoạch năm 2012 Sóc Trăng có 48.700 ha tôm. Trong đó nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh 25.000 ha (có 2.000 ha tôm thẻ chân trắng - TCT). Mục tiêu sản lượng tôm cả năm đạt 62.000 tấn (46.000 tấn tôm sú, 16.000 tấn TCT). Tuy nhiên, vừa trải qua mùa tôm thất bát, nguyên nhân chưa xác định rõ nên có nhiều ý kiến băn khoăn.

Huyện Vĩnh Châu có hơn 24.000 ha nuôi tôm. Sau hơn 15 năm, Vĩnh Châu có 2 lần bị thiệt hại nặng. Nhưng vất vả nhất là vụ tôm năm 2011. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện chưa hết lo lắng: “Các cơ quan chuyên môn vào cuộc truy tìm nguyên nhân, nghi vấn tôm bị bệnh đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan… có thể do diễn biến thời tiết thay đổi tác động tới môi trường vùng nuôi và có sự chủ quan của bà con nuôi tôm: nuôi thả với mật độ ngày càng cao, ao lắng xử lý hầu như không có”.

Đó là thực tế chung ở vùng nuôi tôm của hai huyện Trần Đề và Vĩnh Châu. Điều kiện hạ tầng thủy lợi nội đồng hết sức kém. Một số công trình ao nuôi xuống cấp trầm trọng không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, nhất là nuôi tôm theo mô hình thâm canh, bán thâm canh. Có nơi, cả khu vực với hàng trăm ao nuôi, nhưng chỉ có một con kênh. Kênh này cùng lúc đáp ứng cả hai nhiệm vụ cấp và thoát nước.

 Còn đa số các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ, đất chủ yếu dành hết cho ao nuôi và không có ao lắng lọc và xử lý nước thải. Mặt khác, Sóc Trăng không có cơ sở sản xuất tôm giống để chủ động cung cấp tôm giống chất lượng. Đó là chưa kể tới sau vụ nuôi tôm thất bại vừa qua, hậu quả nợ vay ngân hàng còn đó khiến nhiều hộ nghèo càng khó xoay xở vốn cho vụ nuôi tôm mới.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho rằng: Trên thị trường lưu hành rất nhiều loại thuốc thú y bày bán chưa được kiểm soát chặt chẽ. Do đó đề nghị các ngành chức năng có biện pháp quản lý; đồng thời các cơ quan mở các lớp tập huấn, tuyên truyền để bà con nuôi tôm hiểu biết luật pháp. Từ đó biết gìn giữ, bảo vệ môi trường. Tính xa hơn, để bảo đảm chất lượng và uy tín con tôm nước ta cần có sự hợp tác giữa người nuôi tôm, người thu mua tôm. Các Viện nghiên cứu giúp đưa ra giải pháp thúc đẩy công nghệ nuôi tôm bắt kịp các nước nuôi tôm tiên tiến.

Đề xuất các giải pháp phòng ngừa bệnh tôm năm 2012, TS Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện NC nuôi trồng thủy sản II, nêu ý kiến: Kế hoạch nuôi tôm năm 2012 Sóc Trăng đặt kỳ vọng lớn. Muốn đạt những chỉ tiêu trên, các giải pháp về cách thực hiện phải khác những năm trước. Phòng ngừa bệnh trên tôm nên có chương trình xét nghiệm con giống, trong đó đưa thêm một số loại bệnh vào tiêu chuẩn xét nghiệm; áp dụng biện pháp “3 không - 3 có” là không sử dụng thuốc diệt giáp xác có nguồn gốc BVTV; không sử dụng tôm giống không có nguồn gốc và không qua kiểm nghiệm; không xả nước thải, bùn thải trong ao bị nhiễm bệnh trực tiếp ra ra ngoài. 3 có: có ao lắng xử lý (bắt buộc) và có khu xử lý chất thải, nước thải trước khi thải ra môi trường bên ngoài; có tham gia các tổ, câu lạc bộ, HTX sản xuất; có sổ sách ghi chép các công đoạn và các đầu vào trong quá trình sản xuất để tiến tới áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, nuôi theo tiêu chuẩn GAP, VietGAP.

Ngoài ra, Sở NN-PTNT Sóc Trăng cần phát triển mạng lưới cộng tác viên kỹ thuật trên khắp các vùng nuôi tôm đến xã, ấp nhằm phục vụ cho việc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, giám sát dịch bệnh và quan trắc môi trường vùng nuôi.

Ông Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, năm 2012 Sóc Trăng sẽ phấn đấu thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng tôm chết, cương quyết thực hiện nuôi tôm cắt vụ trong năm để giữ môi trường phục hồi tốt hơn. Tỉnh kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét hỗ trợ đầu tư các dự án thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản, dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh. Trước mắt, giai đoạn 2012- 2015 đầu tư thí điểm mô hình thủy lợi hoàn chỉnh cấp - thoát nước cho vùng nuôi tôm qui mô 500 ha, tại huyện Trần Đề.

+ Năm 2011 Sóc Trăng có 44.369 ha nuôi tôm, giảm 8% (3.718 ha) so năm 2010. Trong đó nuôi tôm thâm canh 22.381 ha và 1.500 ha nuôi TCT. Diện tích tôm bị thiệt hại 31.780 ha (có 710 ha nuôi TCT); phần diện tích nuôi khắc phục 17.141 ha, chiếm 54% diện tích. Sản lượng tôm năm 2011 ước đạt 52.664 tấn, giảm 9.775 tấn so năm 2010. Trong đó có 39.084 tấn tôm sú và 13.580 tấn TCT. Năng suất tôm bán thâm canh 1,7 tấn/ha; TCT đạt 10,4 tấn/ha.

 + Theo kết quả nghiên cứu của các Viện, Trường trong nước và báo cáo các chuyên gia Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) kết hợp với kết quả điều tra dịch tễ của Cục Thú y, bước đầu nhận định nguyên nhân gây tôm chết hàng loạt là do độc tố trong môi trường nuôi; hạ tầng vùng nuôi và đặc biệt là hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư; công tác quản lý môi trường vùng nuôi chưa tốt. Người nuôi chưa tuân thủ qui trình kỹ thuật. Việc sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học để cải tạo ao chưa đúng qui định đã gây ra ô nhiễm môi trường và tồn lưu độc tố (như thuốc có nguồn gốc BVTV).

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất