| Hotline: 0983.970.780

"Sốc" với giá cám Con Cò

Thứ Hai 06/12/2010 , 09:25 (GMT+7)

Mặc cho người chăn nuôi cứ kêu, cám con cò của Cty Proconco vừa mới tăng giá ngày 22/11, thì chỉ sau 8 ngày lại tăng tiếp.

Mặc cho người chăn nuôi cứ kêu, cám Con Cò của Cty Proconco vừa mới tăng giá ngày 22/11, thì chỉ sau 8 ngày lại tăng tiếp. Lần này, đến lượt các đại lý cấp 1 và 2 bị sốc! Tuy nhiên, nguồn gốc của việc liên tục tăng giá này do đâu là điều cần làm rõ?

 Chị Vy, một đại lý cấp 1 ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương cho biết, cám con cò đang dẫn đầu thị trường nên mỗi khi họ “kích” giá thì lập tức các loại cám ngoại khác chạy theo. Chỉ trong tháng 11, cám con cò tăng 2 lần vào ngày 8 và ngày 22/11, mỗi bao cám heo 25 kg tăng bình quân 5-6.000 đồng tùy loại. Sang tháng 12, tưởng họ dừng lại để người chăn nuôi “kịp thở” mà tập trung đầu tư vỗ béo heo thịt bán dịp tết sắp tới.

Ai dè, chỉ sau có 8 ngày, đến ngày 1/12 họ lại thông báo tăng giá mới, nặng nhất là cám dùng cho heo tập ăn từ chỗ 475 ngàn/bao nhảy lên 485 ngàn đồng/bao (tăng 10.000 đồng/bao), riêng các loại cám hỗn hợp khác tăng 6.000 đồng/bao, từ chỗ 214.000 đồng, nay tăng lên 220.000 đồng/bao, khiến các đại lý “chới với” do chưa thu hồi được nợ theo giá cũ mà còn bị người chăn nuôi mắng là tự ý nâng giá.

Theo chị Vy, theo hợp đồng với Công ty Proconco (Cty CP Pháp Việt, KCN Biên Hòa 1, Đồng Nai), các đại lý cấp 1 tùy theo năng lực tài chính và kho bãi mà mỗi năm bắt buộc nhập trên dưới 2.000 tấn cám con cò theo phương thức mua đứt bán đoạn với trị giá hàng chục tỷ đồng, cuối năm nếu đạt doanh số thì Cty thưởng cho 1%. Do đó, đưa 1 bao cám xuống đại lý cấp 2 hoặc các trang trại chăn nuôi thì các đại lý cấp 1 phải bán tăng thêm 3-4.000 đ/bao so với giá gốc của Cty mới có lời (chi phí vận chuyển, tiền lãi suất do bán trả chậm..).

“Nếu họ tăng giá giãn thời gian ra thì đỡ, còn mới sau có 1 tuần mà họ lại tăng như vậy thì chỉ có chết đại lý. Cụ thể từ ngày 22/1 đến 1/12, tôi nhập 51 tấn cám con cò tương đương số tiền 430 triệu đồng. Trong khi cám đã giao hết cho khách hàng mà chưa thu được nợ, tính ra tôi lỗ mất 15 triệu đồng nếu bỏ tiền ra mua hàng theo giá mới”- chị Vy nói bức xúc.

Tương tự, ông Đức- một đại lý cấp 1 khác của cám con cò ở huyện Trảng Bom, tỉnh Tây Ninh cũng than thở: “ Mỗi ngày tôi xuất 7 tấn cám hỗn hợp bán trả chậm cho các đại lý cấp 2, mỗi bao 25 kg tôi lãi 3.000 đồng, tức 7 tấn (40 bao/tấn) lãi 840 ngàn đồng. Đến nay, tôi chưa thu được nợ mà công ty tăng giá đến 6.000 đ/bao, nghĩa là chúng tôi có thu được nợ thì cũng phải bỏ thêm 3.000 đ/bao để mua cám theo giá mới”.

Ông Ba Hom, đại lý cấp 2 xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, thừa nhận người chăn nuôi heo địa phương sử dụng chủ yếu cám con cò, nhất là loại cám dùng cho heo con tập ăn 7-15 ngày và cám 815 dùng cho heo con 8-15 kg mặc dù đây là loại cám đang có giá đắt nhất, từ 335-485 ngàn đồng/bao 25kg, chỉ mới hơn 1 tháng mà tăng 3 lần từ 20-30.000 đ/bao. “Nếu tháng 11 chúng tôi bán 15 bao cám/ngày thì từ đầu tháng 12 này bắt đầu bán chậm lại, chưa tới 7 bao/ngày. Doanh thu giảm do người chăn nuôi sử dụng giãn ra, thay vì qui định ghi trên bao bì 1 ngày cho heo con ăn 1-2 lần thì họ nới ra 2- 3 ngày mới cho ăn để tiết kiệm chi phí đầu vào”- ông Ba Hom giải thích .

+ Sau khi cám con cò tăng giá ngày 1/12 thì ngày 2/2 đến lượt Cty Cargill (Hoa Kỳ), Cty CP (Thái Lan); ngày 3/12 có New Hope, East Hope (Trung Quốc), Nupak (Đài Loan), San Miguel Pure Foods ( Philippines) cũng tăng. Riêng cám nội không tăng.

+ Trong cuộc họp trực tuyến với 53 tỉnh, thành phố trong cả nước vào sáng ngày 3/12/2010 nhằm kiểm điểm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về công tác đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì, đã có ý kiến rất đáng tham khảo là hiện nay chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát siêu lợi nhuận trong kinh doanh của các DN; việc điều tra, kiểm soát giá độc quyền vẫn dừng lại ở mức xử lý hành chính.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cách đây 5 tháng, Cty Proconco mỗi tháng SX khoảng 45 ngàn tấn cám heo, gà các loại để cung cấp cho thị trường phía Nam, sau đó do dịch heo tai xanh nên sản lượng cám sụt giảm còn khoảng 38-40 ngàn tấn. Tuy nhiên, do dẫn đầu về thị trường nên Cty Proconco luôn luôn bị “cháy” hàng. Nhưng điều ít ai biết, Proconco chỉ có 1 NMSX thức ăn gia súc ở Đồng Nai với công suất lý thuyết 15 ngàn tấn/tháng nên nhiều năm qua, công ty này đã đem nguyên liệu và công thức phối trộn cám con cò đưa gia công ít nhất tại 5- 6 DN khác nhau gồm Vitaga (Trại gà Việt Nam ở KCN Biên Hòa 1, Đồng Nai), Cty TNHH SX-TM Minh Quân, Cty TNHH Blue Star (Đồng Nai), Cty CP Việt Phong (Vifoco, quận Tân Bình, TPHCM), Cty CP SX TĂGS-TM Việt Phương ( huyện Hóc Môn, TPHCM)... với giá gia công từ 400-450 đ/kg nhằm SX cho đủ số lượng cung ứng ra thị trường.

Ông Huỳnh Văn Hoàng, GĐ Cty Cty TNHH MTV O.C.F ( P.2, TX Tân An, Long An) chuyên SX TĂCN cho hay, giá gia công cám viên kích cỡ 3,5 ly hiện nay là 500 đồng, tức chi phí gia công (CPGC) 1 bao cám 12.500 đ/bao 25 kg; còn cám viên cỡ 3,5 ly có giá 650 đ/kg, tức CPGC hết 16.250 đ/bao. “Chi phí gia công cũng là một nguyên nhân làm đẩy giá thành cám tăng cao”- ông Hoàng khẳng định.

Trong khi gần 2/3 sản lượng cám cung cấp ngoài thị trường của Cty Proconco là đi gia công nơi khác, nên dư luận đặt ra câu hỏi: Ngoài các yếu tố khách quan như nguyên liệu nhập khẩu, tỷ giá đồng đô-la tăng thì liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Cty Proconco luôn có động thái tăng giá “khó hiểu”?

Xem thêm
Giá ca cao thế giới lập kỷ lục mới, tăng hơn 3 lần năm trước

Giá ca cao đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay trong ngày 26/3, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế ở Tây Phi, nơi chiếm khoảng 70% sản lượng toàn cầu.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

T&T Group vận hành 'chuẩn Nhật Bản' tại dự án T&T City Millennia Long An

Công ty Cổ phần Thái Sơn Long An (Tập đoàn T&T Group) và Tập đoàn Anabuki (Nhật Bản) vừa ký kết hợp tác quản lý vận hành dự án T&T City Millennia tại Long An.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất