| Hotline: 0983.970.780

Sợi dây gắn kết cội nguồn

Thứ Năm 02/04/2020 , 06:10 (GMT+7)

Với người Việt Nam ở xa Tổ quốc, trong tim họ, cội nguồn dân tộc luôn là sợi dây gắn kết bền chặt nhất.

Kiều bào và các đại biểu của đoàn công tác số 10 năm 2018 thắp hương tri ân công đức Vua Hùng giữa biển trời Trường Sa. Ảnh: Lan Phương/VOV.

Kiều bào và các đại biểu của đoàn công tác số 10 năm 2018 thắp hương tri ân công đức Vua Hùng giữa biển trời Trường Sa. Ảnh: Lan Phương/VOV.

“Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn” là một trong những dòng chữ được khắc trên đá dọc đường lên núi Nghĩa Lĩnh, Khu Di tích Lịch sử đặc biệt Đền Hùng.

Về một ngày Việt Nam toàn cầu

Trong 18 đời, các vua Hùng tổ tiên của người Việt có ngày mất khác nhau. Hàng nghìn năm qua, nhân dân ta chọn ngày giỗ các vua Hùng khi thì vào tiết xuân ấm áp, khi thì vào mùa thu mát mẻ (xuân thu nhị kỳ).

Năm 1917, quan Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc đã tấu trình Bộ Lễ và được Triều đình nhà Nguyễn phê chuẩn chính thức lấy ngày 10/3 âm lịch hàng năm là ngày giỗ các vua Hùng.

“Cả nước thờ chung một tổ tiên, toàn dân tộc có cùng cội rễ” là nét độc đáo, là một tiêu chí để năm 2012, UNESCO vinh danh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hàng năm, các cộng đồng người Việt trên thế giới có nhiều ngày để hội tụ. Ngày Việt Nam cũng được tổ chức tùy theo từng địa bàn. Dù còn có chính kiến khác nhau, nhưng ngày giỗ Tổ 10/3 thì luôn được sự đồng thuận cao nhất.

Vì vậy, có ý kiến đề nghị tổ chức Ngày Việt Nam tại các nước đúng vào Ngày Giỗ Tổ 10/3, gọi chung là Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu. Đây là dịp để những người con xa quê cùng hướng về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên.

Đúng 100 năm từ khi ngày 10/3 được Triều đình nhà Nguyễn chọn làm ngày Quốc Giỗ, năm 2017, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cùng các thành viên Ban vận động Ngày Quốc Tổ Việt Nam Toàn Cầu đã hành hương về đền Hùng, tỉnh Phú Thọ với một tâm nguyện đặc biệt: xin được rước 18 chân nhang trong bát hương thờ Tổ, một nắm đất nơi lăng mộ vua Hùng và một bình nước nơi giếng Ngọc để đem ra nước ngoài, cùng cộng đồng đồng người Việt xa quê lập bàn thờ tổ, tri ân công đức các vua Hùng và chính thức vận động các cộng đồng người Việt trên thế giới lấy ngày 10/3 âm lịch hàng năm là ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu.

Đồng hành cùng Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài lên đền Hùng hôm đó, Sở Ngoại vụ Phú Thọ chúng tôi không chỉ phối hợp thực hiện chu toàn các thủ tục tâm linh, mà còn chủ động, tích cực đề xuất các phương thức truyền thông để hiện thực hóa tâm nguyện của đồng bào ta ở xa Tổ quốc.

Hải trình theo Cha Lạc Long Quân

Cuối tháng 4/2018, trong chuyến hải trình cùng 70 Việt kiều tiêu biểu từ 24 nước ra quần đảo Trường Sa, tôi đã kể lại câu chuyện trên, được nhiều người quan tâm. Chúng tôi như đang đi theo lối xưa của 50 người con theo Cha Lạc Long Quân xuống biển, mở mang bờ cõi.

Kiều bào tham dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trên tàu Kiểm ngư KN491.

Kiều bào tham dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trên tàu Kiểm ngư KN491.

Tương truyền sau khi kết duyên cùng Cha Lạc Long Quân,  Mẹ Âu Cơ đã về ở khu vực bây giờ là đền Hạ (thuộc Khu Di tích Lịch sử đặc biệt Đền Hùng).

Tại đây, Mẹ Âu Cơ đã sinh một bọc trăm trứng, nở ra 100 người con là tổ tiên của dân tộc. Vì thế, người Việt dù ở bất cứ nơi đâu đều gọi nhau là “đồng bào”, nghĩa là “sinh từ cùng một bọc”.

Tôi kể tiếp, trong lăng mộ vua Hùng thứ sáu trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (còn gọi là núi Cả), hiện còn những dòng chữ ghi lời vua: “Khi ta chết, hãy chôn ta trên núi Cả. Ở trên cao, ta sẽ trông nom bờ cõi cho muôn đời con cháu mai sau”.

Bên cạnh lăng vua Hùng thứ sáu có bụi tre đằng ngà vàng óng, gợi nhớ chuyện cậu bé làng Gióng vâng lời vua, ra quân giúp nước, nhổ tre đằng ngà đánh tan giặc ngoại xâm.

Nhà văn Lê Thị Hiệu (bút danh Hiệu Constant, định cư tại Pháp) cho rằng những câu chuyện thú vị về đất cội nguồn như vậy, không nhiều Việt kiều biết, nhất là những người sinh ra ở nước ngoài. Vì vậy, rất cần được chia sẻ.

Trước khi tham gia đoàn kiều bào ra Trường Sa, chị Hiệu Constant đã cùng 40 nhà văn Việt Nam từ 12 nước trên thế giới về Phú Thọ, lên núi dâng hương tại Đền Hùng.

Trong chuyến về nguồn đặc biệt ấy, chị rất tâm đắc với lời của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Từ miền đất cội nguồn này, người Việt đã xây dựng cơ đồ trải mấy nghìn năm. Hậu duệ của các vua Hùng đến nay đã có mặt khắp năm châu bốn biển, sinh cơ lập nghiệp, thành đạt, thành danh và luôn mang trong mình dòng máu Lạc Hồng”.

Chuyến ra biển đảo năm 2018 với 70 kiều bào còn có ý nghĩa đặc biệt khi mọi người được tham gia Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng lần đầu tiên được tổ chức giữa trời biển Trường Sa đúng vào ngày 10/3 âm lịch.

Lê Thị Hiệu bảo nhiều năm sống xa Tổ quốc, kiều bào các chị luôn nhớ về cố hương: “Sông dù lớn bao nhiêu cũng đổ về với biển, lá tươi tốt bao nhiêu khi già cũng rụng về cội rễ. Nước mắt nào cũng mặn, dòng máu nào cũng đỏ, người Việt mình cho dù sống ở bất kỳ phương trời nào, chính kiến ra sao, cuối cùng thì vẫn hướng về cội nguồn, về với quê hương Tổ quốc của mình”.

Tác giả phát biểu tại buổi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trên tàu KN 491. Ảnh: Lan Phương/VOV.

Tác giả phát biểu tại buổi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trên tàu KN 491. Ảnh: Lan Phương/VOV.

Gặp gỡ Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tại đền Hùng và trò chuyện với kiều bào trên quần đảo Trường Sa càng thôi thúc trong tôi quyết tâm thực hiện ý tưởng làm một phim về cội nguồn gửi người Việt Nam ở xa Tổ quốc. 

Quà tặng từ đất Tổ

Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ghi nhận ý tưởng trên và đã giao Sở Ngoại vụ chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Ban quản lý Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng và các đơn vị liên quan phối hợp sản xuất bộ phim song ngữ “Đền Hùng linh thiêng nguồn cội” bằng nguồn lực xã hội hóa.

Phim kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, giữa những ảnh tư liệu xưa với những cảnh flycam mới quay hoành tráng về lễ hội Đền Hùng.

Những đoạn tái hiện, mô tả nghi thức cổ, khung cảnh xưa được thực hiện bằng đồ họa 3D, giúp người xem dễ hiểu về phong tục thờ cúng tổ tiên chung của toàn dân tộc.

Ngôn ngữ phim giản dị, trong sáng, đảm bảo giữ nguyên ý nghĩa khi dịch sang tiếng Anh. Những hình ảnh tiêu biểu của các đoàn Việt kiều, đại sứ Cuba, đại sứ Mỹ, du khách Australia, Canada... được chọn lựa đưa vào phim.

Phát biểu trong phim, ông Joel Bruneau, Thị trưởng thành phố Caen, Cộng hòa Pháp nói: “Lên đền Hùng, di tích nổi tiếng của Việt Nam, nơi hành hương đích thực về cội nguồn của người Việt năm châu, tôi càng cảm nhận rõ sự đoàn kết chính là ngọn nguồn của sức mạnh Việt Nam”.

“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan Phú Thọ” được ghi danh là 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tác giả tặng Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài đĩa phim đền Hùng.

Tác giả tặng Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài đĩa phim đền Hùng.

Tham dự các tiết mục hát Xoan do vua Hùng truyền dạy từ mấy nghìn năm trước, chị Natasha, sinh viên Trường Đại học Canadian Mennonite nêu cảm nhận: “Hát Xoan thật là tuyệt vời, tôi chưa từng nghe loại hình nghệ thuật nào như thế này. Nó thật hấp dẫn và nền văn hóa của chúng tôi không hề có cách múa hát độc đáo này. Tôi rất vui và tự hào được tham dự và được học hỏi về văn hóa Việt Nam”.

Thăm đền Hùng và thưởng thức hát Xoan cũng là lựa chọn của nhiều đoàn kiều bào, khách nước ngoài khi đến Phú Thọ. Đĩa phim “Đền Hùng linh thiêng nguồn cội” được tặng bạn bè như một món quà nhỏ từ đất Tổ.

Sở Ngoại vụ Phú Thọ còn tặng Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài các đĩa phim để chuyển đến những cộng đồng người Việt tổ chức Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu với mong muốn chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng người Việt xa quê và bạn bè quốc tế về những di sản văn hóa độc đáo nơi cội nguồn dân tộc.

(Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Phú Thọ)

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.